Vụ án Ngân hàng Đại Tín: Thâu tóm, chỉ đạo rút ruột hơn 1.338 tỷ đồng của ngân hàng

15:28' - 17/10/2019
BNEWS Trong giai đoạn 2 vụ án Ngân hàng Đại Tín, bị can Hứa Thị Phấn được xác định là đóng vai trò chủ mưu, trực tiếp thâu tóm, chi phối điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín.

Trong giai đoạn 2 vụ án Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín (viết tắt là Ngân hàng Đại Tín) vừa bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố mới đây, bị can Hứa Thị Phấn (sinh năm 1947, nguyên Cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Phú Mỹ) được xác định là đóng vai trò chủ mưu, trực tiếp thâu tóm, chi phối điều hành mọi hoạt động của Ngân hàng Đại Tín.

Quang cảnh phiên tòa ngày 10/5. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

Các bị can còn lại giữ vai trò đồng phạm giúp sức, tạo điều kiện cho bị can Hứa Thị Phấn chiếm đoạt hơn 1.338 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín.

* Lôi kéo họ hàng cùng tham gia chiếm đoạt

Trong số 6 bị can tại vụ án này có tới 5 bị can có quan hệ họ hàng, ruột thịt. Bị can Lâm Kim Dũng (nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Địa ốc Lam Giang) có con gái là Lâm Hứa Quỳnh Trinh (nguyên thủ quỹ kiêm thủ kho Ngân hàng Thương mại Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam Chi nhánh Lam Giang, nguyên Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Ngân quỹ Ngân hàng Đại Tín Chi nhánh Sài Gòn) và con dâu là Phạm Hồng Hảo (cũng là cháu dâu Hứa Thị Phấn và là nhân viên Ngân hàng Đại Tín từ năm 2009 đến tháng 10/2014) cùng bị truy tố trong vụ án này.

Tại Cơ quan điều tra, Phạm Hồng Hảo khai: Khoảng tháng 8/2009, bị can Bùi Thị Kim Loan (thư ký của Hứa Thị Phấn) nói với Hảo về việc Phấn nhờ vợ chồng Hảo đứng tên sở hữu giúp Phấn căn nhà số 409 Sư Vạn Hạnh (Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh).

Sau đó, Hảo đi cùng Loan đến UBND Quận 10 để ký hợp đồng mua căn nhà trên mà không biết người bán là ai, không biết giá mua bao nhiêu và tiền được thanh toán như thế nào.

Đến ngày 16/11/2009, Loan thông báo cho vợ chồng Hảo cùng đến Ngân hàng Đại Tín Chi nhánh Sài Gòn để ký hợp đồng bán căn nhà trên cho Ngân hàng Đại Tín.

Toàn bộ việc mua, bán căn nhà trên, hai vợ chồng Hảo chỉ ký tên và lăn tay trên hợp đồng mua bán theo yêu cầu của Loan mà không được biết mua bán căn nhà trên giá bao nhiêu và không biết việc thanh toán tiền mua bán căn nhà trên thế nào, cũng như không được biết tiền thu về chuyển đi đâu, làm gì.

Cáo trạng kết luận, Hảo bán bất động sản số 409 Sư Vạn Hạnh cho Ngân hàng Đại Tín ngày 14/11/2009 với số tiền hơn 51,2 tỷ đồng.

Theo kết luận định giá số 5612 ngày 14/7/2017 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự Thành phố Hồ Chí Minh xác định căn nhà số 409 Sư Vạn Hạnh giá thị trường thời điểm tháng 11/2009 là 19,7 tỷ đồng, thấp hơn giá ngân hàng mua là 31,5 tỷ đồng, tương ứng 2,6 lần; gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 31,5 tỷ đồng.

Tương tự, Lâm Hứa Quỳnh Trinh được Phấn nhờ đứng tên mua giúp Phấn căn nhà số 422B Nguyễn Thị Minh Khai (Phường 5, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh). Toàn bộ giấy tờ, thủ tục mua bán, Loan đều đã đã chuẩn bị từ trước đó, Trinh chỉ việc ký mà không được đọc, không được cầm hợp đồng.

Trinh không biết căn nhà đó mua và bán lại cho Ngân hàng Đại Tín giá bao nhiêu, tiền được thanh toán thế nào và không được hưởng lợi gì từ việc đứng tên mua bán này.

Thực tế, căn nhà này được Phấn bán cho Ngân hàng Đại Tín với hơn 42,2 tỷ đồng, trong khi giá thị trường thời điểm tháng 11/2009 là 13,3 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín 28,9 tỷ đồng.

Các bị can còn lại đều tham gia giúp sức cho Phấn thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng Đại Tín ở các mức độ khác nhau. Bị can Lâm Kim Dũng có hành vi giúp sức cho Phấn trong việc ký Hợp đồng hợp tác với Ngân hàng Đại Tín nhận tiền đầu tư vào hai dự án: Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở tái định cư Lam Giang (Dự án The Star City) và Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà tái định cư Nhơn Đức - Lam Giang (Dự án Go – Go City).

Bị can Huỳnh Thị Xuân Dung (là cháu của Hứa Thị Phấn) có hành vi giúp Hứa Thị Phấn đứng tên làm giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Nguyễn, giúp sức cho Phấn đứng tên mua, sau đó bán căn nhà số 10 Lý Tự Trọng (phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) cho Ngân hàng Đại Tín; ký séc và giấy lĩnh tiền mặt giúp Phấn chiếm đoạt 330 tỷ đồng của Ngân hàng Đại Tín trong việc góp vốn đầu tư vào hai dự án.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 2/11/2018. Ảnh: Thành Chung - TTXVN

* Trách nhiệm liên đới

Đối với 7 cá nhân trong Hội đồng quản trị, Hội đồng đầu tư và Ban điều hành Ngân hàng Đại Tín, gồm: Hoàng Văn Toàn, Nguyễn Vĩnh Mậu, Trần Sơn Nam, Lâm Hồng Trinh, Ngô Kim Huệ, Ngô Trí Đức, Đỗ Hoàng Linh là những người trực tiếp quản lý và quyết định hoạt động của ngân hàng, biết rõ Ngân hàng Đại Tín không có chức năng kinh doanh, đầu tư bất động sản; biết rõ việc Ngân hàng Đại Tín đầu tư trực tiếp vào 3 dự án bất động sản là vi phạm quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, các đối tượng trên đã thực hiện chỉ đạo của Hứa Thị Phấn, bỏ qua các quy định của pháp luật, ký hoàn thiện mọi thủ tục đầu tư và chuyển tiền đầu tư, trong khi không thẩm định các dự án đầu tư, không thẩm định năng lực tài chính của các Công ty nhận đầu tư là chủ đầu tư các dự án; sau khi góp vốn đầu tư, không kiểm tra việc sử dụng vốn, không kiểm tra tiến độ thực hiện dự án; dẫn đến hậu quả Công ty Cổ phần Phú Mỹ và Công ty Cổ phần địa ốc Lam Giang, không sử dụng vốn góp vào dự án mà chuyển cho Hứa Thị Phấn sử dụng cá nhân, không triển khai dự án… gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín số tiền hơn 901 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các cá nhân này không biết, không chung mục đích chiếm đoạt tiền với Hứa Thị Phấn.

Cơ quan điều tra xác định hành vi của 7 cá nhân trên có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó, trừ Đỗ Hoàng Linh đang bị truy nã ở giai đoạn I, còn lại 6/7 đối tượng đều bị hình phạt của các bản án do có hành vi phạm tội trong vụ án Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn giai đoạn I. Do vậy, Cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng này.

Liên quan đến vụ án còn có một số cá nhân đã ký tên trên Biên bản họp Hội đồng quản trị, Biên bản họp Hội đồng đầu tư và Tờ trình của Phòng đầu tư cho đủ thành phần, để hoàn thiện thủ tục theo chỉ đạo.

Trên thực tế, Hội đồng quản trị và Hội đồng đầu tư không họp, một số văn bản chỉ soát lỗi chính tả và ký với tư cách nhân viên…

Xét các cá nhân trên là người làm công, ăn lương, không được hưởng lợi gì, không chung động cơ và mục đích với Hứa Thị Phấn. Áp dụng chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật, Cơ quan điều tra không xem xét xử lý các cá nhân này.

Cáo trạng cũng xác định, bà Lý Kim Chi (Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Mỹ) đã có hành vi giúp sức cho Hứa Thị Phấn ký Hợp đồng hợp tác với Ngân hàng Đại Tín nhận tiền đầu tư vào dự án Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B; giúp Hứa Thị Phấn chiếm đoạt hơn 136 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bà Lý Kim Chi đã mua lại toàn bộ cổ phần của Hứa Thị Phấn tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Phú Mỹ, sau đó tất toán toàn bộ gốc và lợi nhuận của khoản tiền này và đã ký thanh lý Hợp đồng hợp tác đầu tư với ngân hàng, nên không còn hậu quả xảy ra. Vì vậy, Cơ quan điều tra không xử lý hình sự đối với bà Lý Kim Chi và các các nhân có liên quan đến Ngân hàng Đại Tín trong hành vi này.

Ngoài ra, để đảm bảo thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan, Cơ quan điều tra đã kê biên 114 bất động và giao cho Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xây dựng Việt Nam quản lý.

Cơ quan điều tra quyết định tiếp tục tách nội dung tố cáo của bị can Hứa Thị Phấn, tố cáo Công ty Phương Trang chiếm đoạt 748,2 tỷ đồng theo 6 Giấy “Biên nhận”, nhận tiền từ Bùi Thị Kim Loan, để tiếp tục điều tra, chờ kết quả đối chất hai bên để kết luận xử lý sau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục