Vụ bê bối vaccine gây “bão mạng” ở Trung Quốc (Phần 2)

06:30' - 08/08/2018
BNEWS Cộng đồng mạng đã nhìn nhận lại hệ thống quản lý, giám sát dược phẩm Trung Quốc, trực tiếp chỉ trích những khiếm khuyết và kêu gọi tăng cường thể chế pháp lý nhằm hoàn thiện hệ thống này.
Nhân viên y tế Trung Quốc chuẩn bị tiêm vaccine cho bệnh nhân. Ảnh: ChinaMorning Post/TTXVN

Các bài viết đăng tải trên mạng cũng tập trung bàn luận về vấn đề tham nhũng trong mọi khâu thuộc lĩnh vực tiêm chủng tại Trung Quốc, từ nghiên cứu, phát triển, sản xuất, tiêu thụ, sử dụng.

Thị trường vaccine tại Trung Quốc có sự cạnh tranh tương đối khốc liệt: các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển vaccine hối lộ quan chức thuộc các cơ quan quản lý ngành dược phẩm để được tạo điều kiện; các công ty sản xuất, tiêu thụ vaccine phải chi “hoa hồng” cho lãnh đạo các trung tâm vệ sinh dịch tễ, các bệnh viện cấp cơ sở để nhận được đơn hàng... 

Hậu quả của vấn đề tham nhũng trong nhiều khâu này đã khiến những sản phẩm vaccine không đạt chất lượng vẫn được trực tiếp tung vào thị trường, trong đó sự kiện của công ty Trường Xuân Trường Sinh chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong ngành vaccine nội địa của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, từ lãnh đạo cấp cao, các cơ quan quản lý hữu quan đến đại đa số người dân đều yêu cầu phải điều tra vụ việc đến cùng và có hình thức xử lý đích đáng.

“Sự kiện vaccine” đã ảnh hưởng đến thị trường cổ phiếu, khiến thị giá cổ phiếu các công ty thuộc ngành dược phẩm Trung Quốc không ngừng lao dốc. Sau khi “sự kiện vaccine” bùng nổ, giá cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Thâm Quyến liên tục giảm, hiện đã mất khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương hơn 50% giá trị so với thời điểm giữa tháng 7/2018. 

Vụ bê bối cũng khiến cổ phiếu của ngành y tế Trung Quốc giảm mạnh, tính đến sáng 23/7 cổ phiếu của ngành vaccine Trung Quốc đã bốc hơi 20 tỷ Nhân dân tệ (NDT), cổ phiếu của toàn ngành y tế, dược phẩm Trung Quốc bốc hơi hơn 50 tỷ NDT.

Trước “đợt sóng thần” mới trên mạng Internet nói trên, Chính phủ Trung Quốc muốn kiểm soát triệt để là không thể và cách duy nhất là đối mặt với sự kiện như vậy. Bắt đầu từ tối 22/7, một lượng lớn thông tin chính thống từ chính quyền được đưa ra dư luận.  

Mặc dù nhiều người vẫn tiếp tục công kích, thể hiện sự phẫn nộ nhưng những thông tin chính thống đó đã phát huy tác dụng. Cùng với việc cơ quan công an triển khai toàn diện công tác điều tra vụ án công ty Trường Xuân Trường Sinh vào ngày 23/7, vấn đề tiếp tục được làm rõ, tình hình sẽ dần trở nên ổn định.

Sự kiện gây xôn xao dư luận Internet đồng nghĩa với áp lực lớn. Do tính chất mở của mạng Internet, một số thế lực gây rối trong, ngoài nước rất dễ lợi dụng sự kiện gây xôn xao dư luận Internet để gây sóng gió, qua đó dễ tác động đến nhận thức của người dân về tính chất sự kiện như vậy, ảnh hưởng đến nỗ lực thúc đẩy tiến bộ của cả quan chức và người dân. Đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, nhưng đa số sự kiện gây xôn xao dư luận có nguyên nhân từ trong nước.

Môi trường dư luận cần không ngừng tiến hoá, dần hình thành khả năng kiềm chế nhân tố phá hoại lan toả trên mạng, khiến những phê bình mang tính xây dựng có thể trở thành xu hướng chính của sự kiện gây xôn xao dư luận Internet. 

Môi trường dư luận mạng Internet cần kết nối nhiều hơn với hệ thống giá trị chính của Trung Quốc. Có thể thấy rõ sự kiện “gây bão mạng” đang tác động đến việc quản trị của Trung Quốc, việc gia tăng tính xây dựng, giảm thiểu tính phi xây dựng đã trở thành bài toán cần có lời giải trong việc xây dựng năng lực quản lý hiện đại của Trung Quốc.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục