Vụ Đông Xuân 2015-2016: Tất cả các trạm bơm đã sẵn sàng lấy nước
Trong hai ngày 12-13/1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức các đoàn trực tiếp kiểm tra việc cấp điện cho các trạm bơm ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam và làm việc với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi để thống nhất phương thức phối hợp, đảm bảo mục tiêu lấy và sử dụng nước cho vụ Đông Xuân 2015-2016 hiệu quả, tiết kiệm.
Thành phố Hà Nội hiện có 100.000-101.000 ha sản xuất lúa; riêng Từ Liêm khoảng 10.000 ha đất nông nghiệp với tổng số 2.033 trạm bơm các lọai và trên 12.000 km kênh mương.
Trạm Quản lý công trình Liên Mạc (Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ) là trạm bơm đầu mối điều tiết cống Liên Mạc cho 74 km Sông Nhuệ.
Ông Lê Xuân Uyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Hà Nội cho biết, năm nay bị ảnh hưởng của El Nino, hạn hán xảy ra trên cả nước nên Chi cục đã tham mưu cho thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội có những giải pháp chuẩn bị tốt cho vụ sản xuất này, trong đó có tổ chức các lớp tuyên truyền thường xuyên cho lãnh đạo các xã, huyện làm tốt công tác bảo vệ công trình, nẹo vét, chống lấn chiếm dòng chảy.
Trạm trưởng Trạm Liên Mạc Nguyễn Văn Hiện cho biết, mực nước năm nay tại cống Liên Mạc không được cải thiện nhiều, đến sáng 12/1 mực nước tại cống chỉ còn +1,7-1,8m, trong khi cao trình đáy cống là 1m.
Theo ông Uyên, phương án chống hạn của năm nay được khoanh từng vùng, từng trạm bơm dã chiến. Hiện lịch lấy nước đã thông báo đến từng cấp xã, huyện. Tất cả các trạm bơm chuyên tưới đã sửa chữa máy móc thiết bị, nạo nét các cửa sông vào đến cống, nạo vét tất cả các kênh tiêu để tranh thủ trữ nước, các kênh tưới tận dụng tối đa 100% số máy bơm hoạt động.
Hà Nội có 95 hồ chứa, đến thời điểm này Sở không cho các hồ chứa xả nước để tận dụng tối đa mức nước Sông Cái. Các hồ từ 2 triệu m3 trở lên không đạt mực nước dâng bình thường mà chỉ đạt 66% dung tích.
“Đến thời điểm này, chúng tôi đã chuẩn bị lắp đặt 109 trạm bơm dã chiến với 300 máy, nạo vét trên 1,3 triệu m3 đất”, ông Uyên nói.
Công ty Điện lực Bắc Từ Liêm quản lý 3 trạm điện cấp cho 4 trạm bơm là Thụy Phương 1 và 2, Liên Mạc và Cầu Diễn với tổng công suất 1.830 KVA.
Phó Giám đốc công ty Phạm Duy Huấn cho biết, với hai nguồn cấp điện mới và có máy biến áp dự phòng (trong vòng 2 giờ có thể thay xong nếu có sự cố), công ty đã sẵn sàng đảm bảo cung ứng điện liên tục và chất lượng cho toàn bộ các trạm bơm trong vụ Đông Xuân này trên địa bàn.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích thực hiện tưới tiêu vụ Xuân 2016 theo kế hoạch là 19.566 ha thuộc các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây.
Ngoài diện tích này, công ty còn tiếp nước vào Sông Tích theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tạo nguồn tưới cho các huyện, thị hạ lưu Sông Tích với tổng diện tích đăng ký 4.363 ha.
Tại trạm bơm Phù Sa, ông Trần Dũng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay, công ty làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân lấy nước để tiết kiệm điện và nước.
Các trạm bơm phối hợp nhịp nhàng để khi có nước về là lấy được ngay. Công ty có 75 trạm bơm tham gia chống hạn; trong đó có các trạm bơm đầu mối chính bám dọc theo Sông Hồng và Sông Đà là Minh Khánh, Sơn Đà, Trung Hà, Phù Sa và Xuân Phú.
Theo ông Trần Dũng Tuấn, hiện công ty đã triển khai nạo vét xong các cửa khẩu lấy nước từ Sông Đà, Sông Hồng; nạo vét bể hút các trạm bơm, các tuyến kênh cấp 1, cấp 2 với tổng khối lượng hơn 17.200m3.
Đồng thời lắp đặt 21 tổ máy 1000 m3/s tại trạm bơm dã chiến Phù Sa, 9 tổ máy dã chiến Xuân Phú (Phúc Thọ) và 1 tổ máy trạm bơm dã chiến Yên Sơn (Quốc Oai).
Mặt khác, công ty cũng chuẩn bị 3 tổ máy bơm 1000 m3/s sẵn sàng lắp đặt trạm bơm dã chiến khi mực nước Sông Đà xuống thấp, trạm bơm Sơn Đà (Ba Vì) không vận hành được.
“Đến nay, công tác sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị phục vụ đổ ải tại các trạm bơm đã đủ điều kiện vận hành 100% cơ số máy bơm”, ông Tuấn khẳng định.
Về phía Công ty Điện lực Sơn Tây, đơn vị cung cấp điện trong khu vực Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích, ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó Giám đốc công ty cho biết, công ty hiện đã hoàn thành tất cả các phương án củng cố lưới điện trên các đường dây và toàn bộ 10 trạm biến áp nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm. Đồng thời chuẩn bị đủ khối lượng thiết bị, vật tư dự phòng cho xử lý sự cố.
“Trong thời gian đảm bảo điện phục vụ 3 đợt lấy nước, công ty sẽ bố trí lực lượng tăng cường kiểm tra, tuần canh hành lang tuyến đường dây cấp điện cho các trạm biến áp cung cấp điện cho các trạm bơm”, ông Thắng cho biết.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Đáy phục vụ tưới tiêu trên diện tích canh tác hơn 26.000 ha thuộc địa bàn các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức, một phần Thường Tín và Phú Xuyên, trải dài trên 100km kênh mương.
Ông Nguyễn Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, đến năm 2016, do biến đổi khí hậu nặng nề hơn năm 2015 nên sản xuất nông nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn.
Nhận định tình hình này, ngay từ quý IV/2015, công ty đã lập Ban chỉ đạo chống hạn xuống đến từng xí nghiệp, đến nay đã cơ bản hoàn thành kế hoạch tu sửa nạo vét hơn 20.000m3 các kênh mương thông thoáng; đảm bảo 100% máy bơm hoạt động.
Bắt đầu từ ngày 1/1, công ty đã thực hiện chế độ trực chống hạn 24/24h, một số trạm bơm lấy nước từ Sông Nhuệ, Sông Đáy và Sông Hồng đã phục vụ đổ ải ở một số địa phương gieo mạ sớm.
“Từ 20/1 trở đi, các địa phương sẽ tập trung lấy nước nên công ty phấn đấu trước Tết Nguyên đán phải đảm bảo gieo cấy được 90% diện tích. Cái khó khăn nhất không phải lúc đổ ải mà là lúc tưới dưỡng, đảm bảo năng suất và chất lượng”, ông Vân chia sẻ.
Ông Quách Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Đông cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội, công ty đã đảm bảo cấp điện liên tục với chất lượng tốt cho trạm bơm đầu mối La Khê qua 2 máy biến áp công suất 1000 KVA, ngoài ra còn có 2 nguồn dự phòng trung thế khác. Đường dây cũng mới được duy tu nên hoàn toàn đáp ứng nhu cầu cung cấp điện ổn định cho các trạm bơm...
Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Hà Nội cũng cho rằng 2 năm trước Hà Nội cả 3 đợt xả nước đều không đảm bảo 100% diện tích lấy được nước. Riêng 3 đợt của năm nay, ngành nông nghiệp thành phố đặt mục tiêu đợt 1 phải đảm bảo 40-45% diện tích có nước, đợt 2 đạt được 80-90%.
Các địa phương như một phần Ứng Hòa, Phú Xuyên không phụ thuộc quá lớn vào các đợt lấy nước mà lợi dụng thủy triều tại sông Đáy.
Theo Phó Ban Kỹ thuật sản xuất (EVN), ông Nguyễn Quốc Chính, trong 3 đợt lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân này, các hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà và Tuyên Quang sẽ xả trước 2 ngày.
Trong điều kiện ngày càng khó khăn về nguồn nước nên các địa phương trong khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ cần quán triệt phương châm sử dụng nước hết sức hợp lý và tiết kiệm./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn nước trong mùa khô
20:38' - 11/01/2016
Tình hình khô hạn và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có cường độ mạnh và kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua đang gây thiếu nước về ở hầu hết các hồ thủy điện.
-
Kinh tế Việt Nam
Sẵn sàng lấy nước gieo cấy vụ Đông Xuân
10:12' - 10/01/2016
Các địa phương đã cơ bản hoàn thành và sẵn sàng công tác lấy nước. Việc điều tiết các hồ chứa nước thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang sẽ bổ sung dòng chảy cho hạ du.
-
Kinh tế Việt Nam
Lịch lấy nước vụ Đông Xuân 2015-2016
16:02' - 17/12/2015
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc điều tiết hồ chứa nước thủy điện Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang để bổ sung dòng chảy cho hạ du.
Tin cùng chuyên mục
-
Doanh nghiệp
Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia phát huy mọi tiềm năng sẵn có
21:17'
Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có cuộc gặp và làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia (VCBA) nhằm lắng nghe nguyện vọng, vướng mắc của VCBA.
-
Doanh nghiệp
3.800 tỷ đồng xây dựng Khu công nghiệp dược - sinh học đầu tiên tại Việt Nam
12:24'
Hiện tại, các thủ tục để thực hiện Dự án Khu công nghiệp Dược - Sinh học tại huyện Quỳnh Phụ đang được tỉnh Thái Bình khẩn trương triển khai và đảm bảo tuân thủ các quy định.
-
Doanh nghiệp
Sản xuất các sản phẩm công nghiệp số trọng điểm của quốc gia
11:14'
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 23/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
-
Doanh nghiệp
Các “gã khổng lồ” xuất bản hợp tác với công ty trí tuệ nhân tạo
09:13'
Các “gã khổng lồ” xuất bản và các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đang đẩy mạnh ký kết các thỏa thuận nhằm bảo vệ bản quyền và đáp ứng nhu cầu tăng nhanh của ngành công nghiệp AI.
-
Doanh nghiệp
"Ông lớn" ô tô Nhật Bản đẩy mạnh tái cơ cấu
16:00' - 22/11/2024
Nissan Motor sẽ cắt giảm hoặc chuyển đổi khoảng 1.000 việc làm tại Thái Lan do hãng xe Nhật Bản này đang thu hẹp quy mô sản xuất.
-
Doanh nghiệp
Doanh nghiệp Trung Quốc đa dạng hóa chiến lược giảm rủi ro tiền tệ
12:43' - 22/11/2024
Các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường tích trữ USD, định giá hợp đồng bằng NDT và mở rộng các kênh nhập khẩu để giảm thiểu rủi ro tiền tệ.
-
Doanh nghiệp
BP đầu tư dự án khí đốt 7 tỷ USD tại Indonesia
12:39' - 22/11/2024
Tập đoàn dầu mỏ Anh BP ngày 21/11 đã công bố một dự án chung trị giá 7 tỷ USD nhằm khai thác gần 85 tỷ m3 khí đốt tại Tangguh, tỉnh Tây Papua của Indonesia.
-
Doanh nghiệp
"Gã khổng lồ" pin châu Âu Northvolt xin bảo hộ phá sản
10:30' - 22/11/2024
Ngành công nghiệp xe điện toàn cầu hứng chịu cú sốc lớn khi Northvolt, một trong những nhà sản xuất pin hàng đầu châu Âu, chính thức đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 tại Mỹ.
-
Doanh nghiệp
Apple đề xuất tăng gấp 10 lần khoản đầu tư vào Indonesia
09:50' - 22/11/2024
Bộ Công nghiệp Indonesia ngày 21/11 cho biết tập đoàn công nghệ Apple (Mỹ) đã đề xuất kế hoạch đầu tư 100 triệu USD vào Indonesia để phát triển sản xuất linh kiện điện tử.