Vụ máy bay rơi tại Indonesia: Hi vọng vớt được 2 hộp đen trong ngày 11/1

13:04' - 11/01/2021
BNEWS Ngày 11/1, thợ lặn bắt đầu tìm cách vớt 2 hộp đen của chiếc máy bay Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air (Indonesia) sau vụ tai nạn ngày 9/1 làm toàn bộ 62 người trên máy bay thiệt mạng.

Người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia của Indonesia (Basarnas), Chuẩn tướng Rasman cho biết ngày 11/1, thợ lặn sẽ bắt đầu tìm cách vớt 2 hộp đen của chiếc máy bay Boeing 737-500 của hãng hàng không Sriwijaya Air sau vụ tai nạn ngày 9/1 làm toàn bộ 62 người trên máy bay thiệt mạng.

Theo ông Rasman, công tác tìm kiếm và cứu hộ đang được tiến hành khẩn trương. 20 tàu đã được bổ sung tới hiện trường, nâng tổng số lên 53 tàu thuyền cứu hộ. Phạm vi tìm kiếm và cứu hộ cũng được mở rộng trên biển và dọc khu vực bờ biển, nơi tìm thấy những mảnh vỡ của máy bay.

Ông khẳng định sẽ nhanh chóng tìm kiếm hộp đen dữ liệu trong ngày hôm nay. Các hộp đen này sẽ cung cấp những đầu mối quan trọng phục vụ công tác điều tra vụ tai nạn.

Trước đó, ngày 10/1, cơ quan chức năng Indonesia cho biết đã xác định được vị trí các hộp đen. Một trong những tuabin của máy bay đã được vớt lên và chuyển trở lại cảng ở Jakarta trong cùng ngày.

Điều tra viên thuộc Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia (KNKT), Nurcahyo Utomo cho biết máy bay có thể đã nguyên vẹn trước khi rơi xuống biển vì những mảnh vỡ được tìm thấy cho đến nay nằm tập trung ở cùng một khu vực.

Máy bay trên thực hiện chuyến bay số hiệu SJ 182 từ Jakarta tới thành phố Pontianak, thủ phủ của tỉnh Tây Kalimantan và đã mất liên lạc vào lúc 14h40 chiều 9/1 (theo giờ địa phương) tại vị trí cách Sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô Jakarta khoảng 11 hải lý về phía Bắc. Máy bay chở 62 người, gồm 50 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn.

Được biết, chiếc máy bay gặp nạn đã hoạt động 27 năm. Sriwijaya Air được thành lập năm 2003, có trụ sở tại Jakarta, chủ yếu thực hiện các chuyến bay nội địa. Hãng này được đánh giá là hãng hàng không an toàn tại Indonesia.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người thân của Cơ trưởng Afwan trên chuyến bay trên cho biết ông có 35 năm kinh nghiệm làm phi công, từng tham gia Lực lượng Không quân Indonesia trong giai đoạn 1987-1998, đã bay trong Phi đội 4 và Phi đội 31.

Đây là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng nhất tại Indonesia kể từ sau vụ máy bay Boeing 737 MAX của hãng hàng không Lion Air rơi xuống vùng biển Java khiến 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng năm 2018.

Giám đốc của Tập đoàn Tài chính Indonesia (IFG) kiêm Tổ chức Bảo hiểm và Bảo lãnh doanh nghiệp nhà nước, ông Robertus Billitea ngày 10/1 cho biết IFG sẵn sàng hỗ trợ và bồi thường cho hành khách trong vụ tai nạn máy bay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục