Vụ MobiFone mua AVG: Bị cáo Nguyễn Bắc Son có vai trò quan trọng nhất trong vụ án

13:55' - 28/12/2019
BNEWS Hội đồng xét xử đã nhận định bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) có vai trò quan trọng nhất, là bị cáo đầu vụ trong các bị cáo bị truy tố.
Trong ảnh: Bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) nghe tòa tuyên án. Ảnh: Văn Điệp-TTXVN 

Sáng 28/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 14 bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Trong đó, Hội đồng xét xử đã nhận định bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) có vai trò quan trọng nhất, là bị cáo đầu vụ trong các bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.        

* Giới thiệu, định hướng cho MobiFone mua cổ phần của AVG

Bản án sơ thẩm nêu rõ, tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bắc Son nhận trách nhiệm của người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông trong sai phạm của Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone mua cổ phần AVG, bị cáo Son nhận có vai trò chỉ đạo xuyên suốt dự án.

Hội đồng xét xử nhận thấy, bị cáo Nguyễn Bắc Son có mối quan hệ, đã trao đổi nhiều cuộc gọi, nhiều tin nhắn điện thoại với bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) trong suốt quá trình AVG xin hướng dẫn thủ tục bán cổ phần cho đối tác nước ngoài đến khi MobiFone thanh toán tiền 95% cổ phần cho các cổ đông AVG.

Bị cáo Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) thông báo cho AVG không được bán cổ phần cho nước ngoài. Bị cáo Son là người biết AVG có nhu cầu bán cổ phần và biết MobiFone trình Bộ Thông tin và Truyền thông xin phê duyệt chủ trương đầu tư dịch vụ truyền hình bằng phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số. Bị cáo Son đã giới thiệu, định hướng cho MobiFone mua cổ phần của AVG, chỉ đạo Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa giao dịch MobiFone mua cổ phần của AVG vào danh mục “Mật” của Nhà nước.

Tại văn bản số 209/BTTT-QLDN ngày 28/10/2015 do bị cáo Nguyễn Bắc Son ký để gửi Thủ tướng Chính phủ, bị cáo Son đã biết rõ để thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ phải có quyết định chủ trương đầu tư dự án và phải tuân thủ theo quy định của Luật số 67, Luật số 69. Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án thì Bộ Thông tin và Truyền thông mới được phép quyết định phê duyệt Dự án.

Theo Thư công tác ngày 1/10/2015 của bị cáo Nguyễn Bắc Son gửi Vụ Quản lý doanh nghiệp, lời khai của bị cáo Nguyễn Bắc Son và lời khai của bị cáo Phạm Đình Trọng xác định: bị cáo Son biết rõ MobiFone không được đầu tư mua 2 khoản đầu tư ngoài ngành nhưng vẫn chỉ đạo thống nhất giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả phần vốn góp của AVG tại Công ty Mai Lĩnh và Công ty An Viên B.P mà không tính tiền). Mặc dù nhận thức rõ, Thủ tướng Chính phủ chưa có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án dịch vụ truyền hình của MobiFone, giá mua và hiệu quả đầu tư chưa được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng bị cáo Son vẫn cố ý phê duyệt tổng mức đầu tư dự án là 8.900 tỷ đồng, trong đó giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng, cao hơn gấp nhiều lần giá trị tài sản thực của AVG, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền rất lớn. 

Sau khi Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 2678 ngày 14/12/2015, bị cáo Nguyễn Bắc Son đã có bút phê ngày 15/12/2015 chuyển Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải chỉ đạo Vụ Quản lý doanh nghiệp xây dựng văn bản chỉ đạo MobiFone thực hiện theo tinh thần Công văn 2678, triển khai dự án trong năm tài chính 2015 và mời ngay (chiều ngày 15/12/2015) Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone để triển khai thực hiện.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: Văn Điệp-TTXVN

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Bắc Son cũng là người trực tiếp chỉ đạo bị cáo Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) ký Thỏa thuận, Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữ MobiFone với các cổ đông của AVG vào chiều ngày 25/12/2015.

*Không tuân thủ quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công

Hội đồng xét xử xác định, các bị cáo thuộc MobiFone gồm: Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên đã không tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công dẫn đến vi phạm pháp luật trong việc đề xuất Dự án đầu tư, sử dụng kết quả thẩm định giá trị AVG của Công ty AMAX làm căn cứ đàm phán giá mua cổ phần, lập dự án đầu tư, trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án đầu tư, thực hiện Dự án đầu tư.

Hành vi của các bị cáo gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền hơn 6.590 tỷ đồng cho MobiFone. Bị cáo Lê Nam Trà là người tiếp nhận chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son để thực hiện trong việc đầu tư dự án dịch vụ truyền hình bằng phương thức mua lại cổ phần của AVG, ký văn bản xin phê duyệt chủ trương cho MobiFone đầu tư dịch vụ truyền hình theo phương thức mua lại một hãng truyền hình kỹ thuật số, chỉ đạo các thành viên Hội đồng thành viên, Ban Tổng Giám đốc thực hiện đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính của AVG, lựa chọn đơn vị tư vấn, thẩm định giá, tiến hành đàm phán mua cổ phần, lập dự án đầu tư mua 95% cổ phần của AVG trình Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, phê duyệt đầu tư dự án, là người ký Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG, đồng thời chỉ đạo cấp dưới bố trí nguồn vốn để thực hiện hợp đồng với AVG. Do vậy, bị cáo Trà có vị trí, vai trò cao nhất trong các bị cáo thuộc MobiFone.

Tiếp đến là các bị cáo: Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên ở từng vị trí, chức vụ của mình đã thực hiện hành vi vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng khi tham gia đề xuất Dự án đầu tư, thống nhất giá mua, lập dự án đầu tư trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án đầu tư, thực hiện Dự án đầu tư.

Xét các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động hợp tác với cơ quan điều tra, tích cực thực hiện hủy hợp đồng mua bán cổ phần với AVG để sớm thu  hồi tài sản về cho Nhà nước… nên Hội đồng xét xử đã quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo này.

*Ghi nhận sự tự nguyện khắc phục hậu quả

Bản án sơ thẩm đánh giá nhóm các bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ” đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền chiếm hưởng, có thái độ hợp tác với cơ quan điều tra, thể hiện sự thành khẩn và ăn năn hối cải. Riêng bị cáo Trà còn tự thú ngay khi vụ việc chưa bị phát hiện… Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng mức hình phạt nhẹ hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm sát.

Đối với hành vi “Đưa hối lộ” của bị cáo Phạm Nhật Vũ, Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo Vũ có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự. Bị cáo Vũ đã chủ động, tích cực cùng MobiFone đàm phán hủy bỏ Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG, đã khắc phục toàn bộ thiệt hại của vụ án, đã trả cho MobiFone hơn 8.445 tỷ đồng và trả thêm cho MobiFone số tiền  hơn 329 tỷ đồng là những chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng cổ phần. Mặt khác, bị cáo Vũ còn chủ động đầu thú, tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Bị cáo là doanh nhân có nhiều việc làm cống hiến thiết thực cho xã hội, gia đình bị cáo có công với cách mạng, thường xuyên tham gia các công việc trợ giúp, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo... với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều cá nhân, tổ chức và các bị cáo tại phiên tòa đã xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phạm Nhật Vũ. Bị cáo đã cùng gia đình khắc phục triệt để hậu quả thiệt hại vụ án với số tiền đặc biệt lớn với nhiều mục đích tốt đẹp trong đó có mục đích là để giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo trong vụ án. Đây cũng là các tình tiết để Hội đồng xét xử cân nhắc giảm đáng kể hình phạt cho bị cáo.

Trong vụ án này, khi quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử cũng xem xét bối cảnh, nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội của các bị cáo, đặc biệt là sự khắc phục triệt để số tiền MobiFone đã thanh toán mua cổ phần AVG cùng các chi phí khác, tổng số gần 9.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước. Các bị cáo nhận hối lộ đều đã tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền chiếm hưởng. Đó là cơ sở để Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt cho các bị cáo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục