Vụ MobiFone mua AVG: Bị cáo Nguyễn Bắc Son bị tuyên phạt tù chung thân
Trong đó, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: Bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) tù chung thân về tội “Nhận hối lộ”, 16 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư và sử dụng vốn công gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son là tù chung thân.
Bị cáo Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bị Tòa tuyên phạt 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 6 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp hình phạt chung cả 2 tội đối với bị cáo Trương Minh Tuấn là 14 năm tù. Bị cáo Phạm Đình Trọng (nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông) bị tuyên phạt 5 năm tù về tội "Vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng". Đây là nhóm 3 bị cáo nguyên là những cán bộ lãnh đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông bị đưa ra xét xử trong vụ án này.Hội đồng xét xử nhận định, năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng, dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Bộ Thông tin và truyền thông là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, các bị cáo ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty thẩm định giá AMAX đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 6.590 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện dự án, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã có hành vi đưa hối lộ. Bốn bị cáo: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đã có hành vi nhận hối lộ.
Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung cáo trạng và bản luận tội của Viện Kiểm sát nêu tại phiên tòa.
Các bị cáo và luật sư bào chữa chỉ đưa ra các luận cứ phân tích để chứng minh vai trò phạm tội của các bị cáo có mức độ, mờ nhạt, giản đơn... và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.
Bản án sơ thẩm nêu rõ, bị cáo Nguyễn Bắc Son với tư cách lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, là người chỉ đạo trực tiếp việc lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son nhận thức dự án phải thực hiện theo quy định của Luật 67/2014/QH13 và Luật số 69/2014/QH13 về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; trình tự, thủ tục đầu tư vốn nhà nước để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp và Bộ Thông tin và Truyền thông không có chức năng thẩm định, đánh giá về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án.
Nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo bị cáo Phạm Đình Trọng thành lập Tổ thẩm định; tổ chức họp với MobiFone và AVG ngày 2/10/2015 để thống nhất giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng theo nguyên trạng (gồm cả 2 khoản đầu tư ngoài ngành).
Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ mới có ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án chưa được thẩm định, đánh giá tổng thể; Thủ tướng Chính phủ chưa có ý kiến về việc sử dụng các kênh tần số đã cấp cho AVG nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo bị cáo Trương Minh Tuấn ký Quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone; chỉ đạo bị cáo Lê Nam Trà ký các Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG ngay trong năm 2015.
Mặc dù không kiểm tra, xem xét thực tế AVG có trao đổi làm việc với MobiFone không nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn phê duyệt đồng ý tại phiếu trình của Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Thông tin và Truyền thông) ngày 5/3/2015 nội dung “Công ty AVG đã trao đổi làm việc với MobiFone và thống nhất sẽ chuyển nhượng cổ phần của AVG cho MobiFone”; đưa giao dịch này thuộc danh mục “Mật” của Nhà nước.
Bộ Thông tin và Truyền thông không có chức năng thẩm định dự án đầu tư nhưng bị cáo Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo và ký quyết định số 194 thành lập Tổ thẩm định dự án, đầu tư dịch vụ truyền hình tại MobiFone.
Đối với bị cáo Trương Minh Tuấn, Hội đồng xét xử nhận định, với trách nhiệm là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, bị cáo Trương Minh Tuấn đã đồng ý với đề xuất của bị cáo Phạm Đình Trọng và theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son, bị cáo Trương Minh Tuấn đồng ý đưa giao dịch MobiFone mua cổ phần của AVG vào danh mục “Mật” của Nhà nước và ký văn bản gửi Bộ Công an để thống nhất.
Bị cáo Trương Minh Tuấn đã tham gia chỉ đạo Tổ thẩm định, ký một số văn bản liên quan đến dự án. Mặc dù biết Dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG phải tuân theo quy định của Luật 67/2014/QH13 và Luật số 69/2014/QH13 và thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là của Thủ tướng Chính phủ; nhưng bị cáo Trương Minh Tuấn vẫn thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son, ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone khi chưa có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định về giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án; dẫn đến việc MobiFone tổ chức thực hiện dự án, ký các Thỏa thuận, Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước.
Trong nhóm hành vi này, bị cáo Nguyễn Bắc Son (với thẩm quyền là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) có vai trò chỉ đạo xuyên suốt từ quá trình giới thiệu cho đến khi thực hiện việc thanh toán.
Bị cáo Trương Minh Tuấn (với tư cách là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) và bị cáo Phạm Đình Trọng (với tư cách là Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông) là những người tham mưu, triển khai thực hiện tích cực các chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Sau khi hoàn thành việc bán 95% cổ phần AVG cho MobiFone, bị cáo Phạm Nhật Vũ (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) đã đưa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, bị cáo Trương Minh Tuấn 200.000 USD, Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone) 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc MobiFone) 500.000 USD. Bị cáo Phạm Nhật Vũ khai đưa tiền cho 4 bị cáo này là vì họ có vai trò quyết định đối với việc AVG bán cổ phần cho MobiFone.
Số tiền Phạm Nhật Vũ đưa cho từng người phụ thuộc vào vị trí chức vụ và tính quyết định của từng cá nhân trong quá trình thực hiện việc mua bán cổ phần trong thương vụ này.
Quá trình điều tra, cả 4 bị cáo trên đều đã thừa nhận hành vi này. Ba bị cáo: Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đã cùng gia đình khắc phục hoàn toàn số tiền đã nhận hối lộ.
Xác định đây là tình tiết giảm nhẹ cho 3 bị cáo này nên Hội đồng xét xử đã cân nhắc, giảm nhẹ một phần hình phạt cho 3 bị cáo.
Riêng bị cáo Nguyễn Bắc Son xác định số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ là tiền bất hợp pháp nên bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nhiều lần viết đơn xin nộp lại.
Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Bắc Son không nhận được sự phối hợp của gia đình trong việc nộp lại số tiền nhận từ Phạm Nhật Vũ.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son đề nghị được sử dụng số tiền 591.902.772 đồng trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm đứng tên Nguyễn Bắc Son tại Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) để trả lại một phần số tiền đã chiếm đoạt.
Tại phiên tòa, trong phần luận tội và đề nghị mức án, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Bắc Son tử hình về tội “Nhận hối lộ”.
Quá trình tranh tụng và nghị án, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp tiền, khắc phục hoàn toàn số tiền 3 triệu USD mà bị cáo Son nhận từ bị cáo Phạm Nhật Vũ.
Xét tình tiết giảm nhẹ này, Hội đồng xét xử cho rằng không cần thiết phải áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son như đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị.
Hội đồng xét xử kết luận, trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Bắc Son giữ vai trò đứng đầu, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án.
Sự chỉ đạo của bị cáo Son mang tính quyết liệt, buộc cấp dưới phải thực hiện. Bị cáo Son phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả đã xảy ra cho nhà nước và xã hội.
Bị cáo Son là người được hưởng lợi nhiều nhất so với các bị cáo khác từ thương vụ mua bán trái pháp luật này, với số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn là 3 triệu USD. Do vậy, bị cáo Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu trong số các bị cáo trong vụ án này.
Về hình phạt bổ sung, Hội đồng xét xử xác định không cần thiết phải áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo trong vụ án này./.Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Thường trực Ban Bí thư nói về 6 điều rút ra từ vụ án AVG
13:01' - 27/12/2019
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, qua các vụ án kinh tế, tham nhũng trong thời gian qua chúng ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong xử lý vụ việc.
-
Kinh tế và pháp luật
Vụ MobiFone mua AVG: Các bị cáo nói lời sau cùng tại phiên tòa
11:28' - 24/12/2019
Sáng 24/12, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), các bị cáo đã nói lời sau cùng tại phiên tòa.
-
Kinh tế và pháp luật
Vụ MobiFone mua AVG: Bị cáo Nguyễn Bắc Son từ chối tiếp tục đối đáp
19:30' - 23/12/2019
Tại phiên tòa xét xử Vụ MobiFone mua AVG, trong phần đối đáp, Viện Kiểm sát đã nêu việc luật sư Phạm Công Hùng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Bắc Son) cho rằng cơ quan điều tra đã “bưng bít thông tin”.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế và pháp luật
Bắt nguyên Phó Chủ tịch UBND xã hai lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản
16:59' - 11/05/2025
Công an tỉnh Đắk Lắk vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối tượng Bạch Biên Hòa, nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
-
Kinh tế và pháp luật
Google bị kiện tại Italy do hành vi chống cạnh tranh
14:04' - 11/05/2025
Moltiply, nền tảng so sánh giá của Italy, đã đệ đơn kiện đòi Google bồi thường thiệt hại 2,97 tỷ euro (3,13 tỷ USD).
-
Kinh tế và pháp luật
Mexico kiện Google vì đổi tên Vịnh Mexico thành Vịnh Mỹ
07:00' - 11/05/2025
Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum tuyên bố nước này đã đệ đơn kiện Google sau khi công ty công nghệ thay đổi tên Vịnh Mexico thành "Vịnh Mỹ" (Gulf of America) trên ứng dụng bản đồ Google Maps.
-
Kinh tế và pháp luật
Đã xác định danh tính tài xế gây tai nạn trên đường Kim Giang
17:50' - 10/05/2025
Công an thành phố Hà Nội cho biết, bước đầu xác định là N.B.A trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội là người điều khiển ô tô vào thời điểm xảy ra vụ việc.
-
Kinh tế và pháp luật
Bắt khẩn cấp nhóm đối tượng khai thác khoáng sản trái phép quy mô lớn
08:10' - 10/05/2025
Công an tỉnh Phú Thọ đã ra lệnh bắt, giữ người trong trường hợp khẩn cấp về hành vi “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.
-
Kinh tế và pháp luật
Cựu Giám đốc nền tảng tiền điện tử Celsius bị kết án tù
07:00' - 10/05/2025
Nhà sáng lập và cựu Giám đốc điều hành (CEO) của nền tảng giao dịch tiền điện tử Celsius đã phá sản, ông Alexander Mashinsky, bị kết án 12 năm tù vì tội gian lận.
-
Kinh tế và pháp luật
BÌnh Định: Người dân ngăn cản hoạt động khai thác cát hợp pháp
21:30' - 09/05/2025
Mặc dù trúng đấu giá, hoàn tất các thủ tục pháp lý và đóng tiền đầy đủ cho Nhà nước nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không thể khai thác cát do một số người dân tại Hoài Ân, tỉnh Bình Định ngăn cản.
-
Kinh tế và pháp luật
Sản xuất hàng chục nghìn chai nước hoa giả bằng máy đánh trứng
19:54' - 09/05/2025
Công an tỉnh Bình Phước đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can trú tại thành phố Đồng Xoài về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
-
Kinh tế và pháp luật
Mập mờ nguồn gốc sữa: Doanh nghiệp "thoắt ẩn thoắt hiện”
18:36' - 09/05/2025
Trong quá trình xác minh một số thực phẩm chức năng mua được trên thị trường, nhóm phóng viên TTXVN đã kiểm tra thực tế và liên hệ với chính quyền để tìm địa chỉ sản xuất nhưng đều không tìm thấy.