Vụ sập cầu ở Mỹ: Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại cảng Baltimore bị đảo lộn

15:59' - 27/03/2024
BNEWS Vụ sập cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ) vào sáng 26/3 theo giờ địa phương gây đảo lộn hoạt động của cảng Baltimore sầm uất nhất nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, thảm họa sập cầu Francis Scott Key (còn gọi là cầu Key Bridge) ở thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ) vào sáng 26/3 theo giờ địa phương gây đảo lộn hoạt động của cảng Baltimore sầm uất nhất nước này. Các công ty vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và có thể là cả người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm nhận được tác động kéo dài trong nhiều tuần nữa.

 

Tờ New York Times nhận định các nhà chế tạo xe hơi, khai thác than đá sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, bởi cảng Baltimore là một trong những điểm xếp dỡ hàng quan trọng nhất tại Mỹ. Ngay sau khi xảy ra sự cố tàu chở hàng đâm vào một kết cấu của cầu gây sập, các công ty chuyên về vận tải hàng hóa cho nhà cung ứng và cho các cửa hàng gấp rút điều động xe tải đến các cảng khác ở Bờ Đông để nhận hàng được điều hướng từ cảng Baltimore. Trong khi đó, các tàu chở hàng khác vẫn đang phải xếp hàng chờ để được cập cảng Baltimore.

Việc cảng Baltimore buộc phải đóng cửa làm gia tăng thêm phức tạp đối với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị tác động bởi khủng hoảng kéo dài nhiều tháng tại kênh đào Panama do mực nước thấp và tại kênh đào Suez do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào tàu hàng trên Biển Đỏ. Riêng ngành công nghiệp ô tô hiện phải đối mặt với thách thức mới về chuỗi cung.

Theo ông Sina Golara, Giáo sư trợ giảng về quản lý chuỗi cung ứng tại Đại học bang Georgia, năm ngoái, có khoảng 570.000 ô tô được nhập khẩu vào Mỹ qua cảng Baltimore. Theo ông Golara, đây là con số rất lớn, tương đương với gần 25% lượng xe hơi mới tồn kho tại Mỹ. Cảng này cũng đứng thứ 17 tại Mỹ về năng lực xếp dỡ hàng hóa. Giới chuyên gia dự đoán có thể mất vài tuần để có thể mở cửa trở lại hành lang vận chuyển dẫn với cảng Baltimore.

Tuy nhiên, Giáo sư Jean Paul Rodrigue thuộc Đại học A&M Texas tại thành phố Galveston cho rằng, các công ty vận tải rất năng động và chỉ cần 2-3 ngày để thay đổi luồng tuyến. Lý do là Baltimore không phải là cảng lớn đối với tàu container. Nhiều cảng khác có thể san sẻ việc tiếp nhận hàng hóa với tàu hàng trước đây thường ra vào cảng Baltimore.

Nhưng với các tàu hàng khác, tình hình khó khăn hơn. Giới phân tích dự đoán việc đóng cửa cảng Baltimore sẽ gây đứt gãy lớn đối với hoạt động xuất khẩu than của Mỹ. Năm ngoái, có khoảng 23 triệu tấn than được xuất qua cảng này. Thị trường toàn cầu không bị ảnh hưởng lớn, nhưng Mỹ sẽ thiếu hụt năng lực xuất khẩu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục