Vụ sập cầu Ghềnh ở Đồng Nai: Chuyện về những người ngăn tàu rơi xuống sông

12:04' - 22/03/2016
BNEWS Dù trong tình huống vô cùng gấp gáp nhưng với sự tỉnh táo, phản ứng nhanh, phối hợp nhịp nhàng, những người trực gác chắn đã báo hiệu để đoàn tàu kịp dừng cách vị trí cầu bị đứt lìa hơn 200 m.
 Đường ray xe lửa bị hư hỏng nặng sau vụ sập cầu Ghềnh. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Khi đoàn tàu mang số hiệu 2542 đang đạt tốc độ khoảng 45km/h - băng băng lao về hướng cầu Ghềnh cũng là lúc những nhân viên Trạm gác chắn tàu Bửu Hòa (tại Km 1700 + 184, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) xác định được một sự việc hi hữu là cầu Ghềnh đã bị sập.

Dù trong tình huống vô cùng gấp gáp nhưng với sự tỉnh táo, khả năng phản ứng nhanh, phối hợp nhịp nhàng, những người trực gác chắn đã báo hiệu để đoàn tàu kịp dừng cách vị trí cầu bị đứt lìa hơn 200 m.

Ngày 20/3, ba nhân viên của ngành đường sắt gồm Phan Tiến Dũng, Phạm Tiến Dũng (cùng ngụ tại Khu tập thể đường sắt, thành phố Biên Hòa) và Ngô Việt Hải (ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) được giao nhiệm vụ túc trực tại Trạm gác chắn tàu Bửu Hòa.

Trước khi xảy ra vụ sập cầu, lúc 10 giờ 59 phút, tàu H5 từ hướng Bắc vào Nam vẫn di chuyển bình thường qua cầu Ghềnh. Tiếp đến, theo lịch trình, tàu mang số hiệu 2542 chạy từ Nam ra Bắc sẽ xuất phát tại ga Dĩ An lúc 11 giờ 37 phút, dự kiến khoảng 11 giờ 45 phút tàu đến cầu Ghềnh.

Anh Phan Tiến Dũng nhớ lại: Khoảng 11 giờ 38 phút ngày 20/3, chúng tôi nhận lệnh đóng chắn để cho tàu số hiệu 2542 đi qua cầu Ghềnh.

Ngay lập tức cả 3 người ra đường ngang để kiểm tra, đảm bảo cho đường thông thoáng. Chúng tôi vừa hạ chắn thì nhìn thấy một người đàn ông chạy từ hướng cầu Ghềnh lại đồng thời dùng tay thực hiện nhiều ký hiệu cảnh báo.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề và bằng linh tính, chúng tôi nhận thấy có điều bất thường. Thời khắc đó, 3 người khẩn trương thảo luận, phân công anh Ngô Việt Hải cầm cờ đỏ chạy về hướng người đàn ông, anh Phạm Tiến Dũng cầm cờ chạy nhanh về hướng tàu đang lao tới còn bản thân tôi thì đứng tại gác chắn để nhận tín hiệu từ hai người.

Khi đến gần người đàn ông, anh Hải nghe người này tri hô là cầu Ghềnh đã bị sập; trong tích tắc, anh Hải chạy về hướng anh Phan Tiến Dũng ra hiệu và hét to “dừng tàu khẩn cấp”. Nhận tín hiệu có sự cố, anh Phan Tiến Dũng dùng cờ hiệu báo cho anh Phạm Tiến Dũng chạy cấp tốc hơn để kịp thời báo cho lái tàu 2542.

Anh Hải chia sẻ: “Mọi việc kể thì dài nhưng chỉ diễn ra trong mấy phút. Thời gian cầu sập là buổi trưa, trời nắng, đường thành phố xe đông, rất ồn ào nên 3 chúng tôi hiểu nhau chủ yếu qua tín hiệu.

Lúc người đàn ông leo lên đường tàu la hét là cầu sập cả 3 người hoàn toàn không nghe thấy gì, bởi khoảng cách từ chúng tôi đến ông ấy là hơn 100 m. Kể cả tôi, dù cố hét to nhưng anh Phan Tiến Dũng cũng không nghe được, anh ấy chỉ biết tôi bảo dừng tàu khi thấy tôi hoảng hốt chạy và giơ lá cờ đỏ”.

Ở một hướng khác, nhận được tín hiệu từ đồng nghiệp báo có sự cố nghiêm trọng, anh Phạm Tiến Dũng đã dốc sức chạy với trên 100% sức lực. Khi lái tàu thấy anh phất cờ ra hiệu dừng, lái tàu lập tức hãm phanh. Anh Phạm Tiến Dũng tâm sự: "Lúc đó, tôi chỉ nghĩ nếu mình không kịp ra tín hiệu để lái tàu dừng chắc chắn tàu sẽ đâm xuống sông Đồng Nai, thiệt hại về người và tài sản vô cùng lớn".

Để ngăn tàu 2542 dừng đúng lúc, tàu không lao xuống sông Đồng Nai ngoài 3 người gác chắn còn có công rất lớn của người chạy trên đường tàu ra hiệu, báo tin - đó là ông Huỳnh Ngọc Hoàng, ấp Tân Mỹ, khu phố 4, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa.

Cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm sập 2 nhịp. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN

Theo ông Hoàng, sà lan đâm sập cầu vào khoảng 11 giờ 40 phút ngày 20/3. Lúc xảy ra sự việc gia đình ông đang ăn cơm, bất ngờ nghe tiếng ầm rất lớn phát ra từ hướng cầu Ghềnh, ông vội chạy ra bờ sông, nhìn thấy cầu bị sập, lại nghe tín hiệu có tàu đang đến nên ông tức tốc chạy về hướng trạm gác, vừa hét to cầu sập, vừa dùng tay ra hiệu cho người gác chắn.

Ông Hoàng chia sẻ: Cầu Ghềnh sập là điều không ai mong muốn, tôi rất buồn, nuối tiếc khi cây cầu hơn 100 năm tuổi đã không còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, tàu đã kịp dừng và không có thiệt hại về người khiến chúng tôi vô cùng vui mừng.

Theo anh Phan Tiến Dũng, việc 3 người dừng tàu kịp thời khi cầu Ghềnh sập có công lao rất lớn của ông Huỳnh Ngọc Hoàng. Ngoài ra, quá trình cùng nhau làm việc, 3 người hiểu nhau, phán đoán nhanh tình huống và phối hợp chặt chẽ nên đã giúp chúng tôi ứng phó tốt với sự cố vừa xảy ra.

Chia sẻ về công việc của những nhân viên gác chắn, anh Phan Tiến Dũng cho biết: Tôi công tác trong ngành đường sắt đã nhiều năm, đa số người dân cho rằng nhân viên gác chắn nhàn hạ, chỉ mỗi việc nâng chắn lên, đặt chắn xuống. Nghề của chúng tôi thực tế rất vất vả, những lúc cao điểm, mỗi ngày đêm có trên 50 chuyến tàu qua lại trạm gác, tất cả nhân viên phải có sức khỏe tốt, nhanh nhạy, mắt quan sát rộng, luôn luôn tỉnh táo; làm gác chắn chỉ sai lệch phút giây thôi là hậu quả khôn lường. Qua sự việc này, chúng tôi sẽ càng đề cao trách nhiệm nghề nghiệp, trau dồi thêm nghiệp vụ.

Sau khi dừng tàu thành công, các gác chắn đã lập tức báo cáo sự việc với cấp trên, đồng thời cả 3 nhân viên đã tới hiện trường cầu sập để góp sức tìm kiếm người không may bị rơi xuống sông Đồng Nai. Từ trưa 20/3 đến nay, dù giao thông đường sắt qua khu vực này tê liệt hoàn toàn nhưng những nhân viên vẫn làm việc bình thường.

Các anh cho rằng, dù không trực tiếp tham gia cứu hộ nhưng vẫn phải túc trực tại gác chắn để duy trì thông tin và phối hợp khi cơ quan điều tra, lực lượng chức năng yêu cầu.

Ghi nhận đóng góp to lớn của các nhân viên Trạm gác chắn tàu Bửu Hòa, ngày 21/3, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đã thưởng nóng anh Phan Tiến Dũng, Ngô Việt Hải và Phạm Tiến Dũng. Đối với ông Huỳnh Ngọc Hoàng, mọi thứ đang trôi qua bình lặng, trong khi ông xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh vì đã làm tốt bổn phận của một công dân Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục