Vụn Art: Nét văn hóa trong từng sản phẩm quà tặng

15:01' - 02/02/2022
BNEWS Tặng quà từ lâu đã là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt. Tặng quà giúp con người thể hiện tình cảm, tấm lòng, sự biết ơn và mong muốn xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp.

Quà tặng ngày nay không hẳn chỉ còn xét trên giá trị sản phẩm mà qua đó thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc, sự tri ân, tinh thần, nét văn hóa… của mỗi cá nhân, con người Việt Nam. Chỉ qua những sản phẩm giản đơn như túi xách, bức tranh, áo…, Vụn Art đang nỗ lực gửi gắm giúp người tặng quà những ý nhĩa nhân văn sâu sắc đó.

 

Từ những mảnh vải vụn bằng lụa Vạn Phúc tưởng như không còn giá trị sử dụng, khi được kết hợp với sự nhẫn nại, khéo léo, sáng tạo của những người thợ khuyết tật đã tạo nên những bức tranh độc đáo, đầy màu sắc mang đậm tính nghệ thuật và văn hóa trên các sản phẩm.

Những bức tranh của Vụn Art được khai thác từ chủ đề tranh dân gian Việt Nam, với những giá trị chứa đựng tâm hồn, văn hoá, con người Việt. Hay những tác phẩm của một số danh họa thế giới, phục vụ du lịch và giao thoa văn hóa. Các sản phẩm của Vụn Art thường được các đơn vị lựa chọn để tri ân đến những đối tác, khách hàng của mình.

Trong một căn phòng rộng chừng hai chục mét vuông, hơn chục con người đang cắt dán, đính những mảnh lụa bé xíu tạo nên những bức tranh hay tôn thêm vẻ đẹp cho các sản phẩm bằng vải.

Trông họ như những nhân công thực thụ nhưng thực tế lại là những người khuyết tật được anh Lê Việt Cường, Giám đốc Hợp tác xã Vụn (Vụn Art) tuyển dụng từ khắp các địa phương.

Xuất phát cũng là một người khuyết tật nên anh Cường không từ chối bất cứ người khuyết tật nào đến thử học việc tại cơ sở. Trong thời gian học nghề, các bạn không làm ra thành phẩm nhưng vẫn được Vụn Art lo ăn, ở và tiền hỗ trợ hàng tháng.

Nhưng những người khuyết tật đến đây đều phải ý thức rằng mình đến để học, làm việc và có thu nhập. Dù thu nhập không cao nhưng đây cũng là một môi trường giúp họ có thêm động lực, ý trí vươn lên trong cuộc sống, anh Cường chia sẻ.

Nhận thấy nhu cầu của thị trường, ngoài tranh ghép vải Vụn Art đã phát triển thêm những dòng sản phẩm mới phục vụ đời sống, du lịch, quà tặng như: túi vải, áo phông, ví vải… đủ sức đáp ứng về chuyên môn và kỹ thuật cho những đơn hàng quốc tế. Vụn Art còn ký kết hợp đồng với một số công ty du lịch đưa khách nước ngoài đến thăm quan trải nghiệm tại Làng lụa Vạn Phúc.

Các hoạt động trải nghiệm thu hút khá tốt cả khách du lịch và trẻ em đến thử tài ghép tranh. Các bé sẽ rèn luyện được sự kiên nhẫn, tính kiên trì và tỉ mỉ. Mỗi một bức tranh lại mang tới cho bé một câu chuyện thú vị.

Các sản phẩm của Vụn Art được tạo ra từ bàn tay của những người khuyết tật nhưng đã được thành phố Hà Nội thẩm định đánh giá OCOP 4 sao – hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu.

Theo anh Lê Việt Cường, đầu ra và sự sáng tạo trong sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất. Bán sản phẩm ra thị trường cần, nhưng hiện tại vẫn đi theo hướng bán sản phẩm mình có, cơ sở đang mong muốn chuyển đổi để tiếp cận thị trường tốt hơn. Tuy nhiên, cơ sở còn hạn chế về nguồn lực cả về tài chính và con người, đặc biệt là đội ngũ thiết kế, marketing….

Do là sản phẩm thủ công nên giá rất khó có thể cạnh tranh bởi các sản phẩm sản xuất hàng loạt nên kênh bán hàng chính là cho các đơn vị, doanh nghiệp. Anh Cường phải chủ động đi giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm các đơn hàng và hợp tác xã của anh cũng đã có những đơn hàng cho xuất khẩu.

Nhưng dịch COVID-19 khiến khách du lịch gần như không có trong 2 năm qua, đơn hàng cũng giảm sút. Cũng bởi dịch nên các sự kiện cũng ít đi, các đơn hàng từ doanh nghiệp hay xuất khẩu cũng trở nên hiếm hoi. Thành lập được hơn 4 năm nhưng đã mất 2 năm dịch bệnh, những nỗ lực của những người khuyết tật lại trở nên khó khăn và gian truân hơn.

“Lao động là những bạn thiểu năng, tự kỷ nên chỉ biết làm việc theo thói quen. Nếu ngừng, họ sẽ quên hết và sẽ phải đào tạo lại từ đầu. Vì thế hàng tháng, tôi vẫn phải trả lương cho nhân viên và nhập nguyên liệu cho các bạn làm việc”, anh Cường tâm sự.

Từng có doanh thu hơn 200 triệu đồng/tháng để tái đầu tư và nguồn thu nhập của hơn 20 người khuyến tật nơi đây, nhưng dịch COVID-19 khiến hợp tác xã có tháng chẳng thu được đồng nào mà vẫn phải chi phí khoảng 150 triệu đồng/tháng để duy trì công việc, hỗ trợ các bạn trong sinh hoạt, cuộc sống. Dịch bệnh thực sự đã đe dọa đến tính bền vững của mô hình kinh doanh như Vụn Art.

Vụn Art đã xoay sở, tìm cách cá nhân hóa từng món hàng rồi đem bán trên sàn thương mại điện tử trong nước, qua kênh online để người tiêu dùng, du khách biết đến sản phẩm nhiều hơn hoặc nhờ sự giúp đỡ của Bộ Công Thương để xuất sang Mỹ, bán trên Amazon… Tuy kết quả chưa được như mong muốn nhưng anh Cường vẫn tiếp tục tự nhủ khi mỗi lần nhìn thấy các bạn khuyết tật vẫn miệt mài làm việc để có thêm động lực để cố gắng.

Anh Cường cũng suy nghĩ về những hướng đi mới như chuyển từ bán hàng truyền thống sang online, tận dụng và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, cá nhân hoá từng sản phẩm… Anh cũng phải tính toán lại thu - chi, cơ cấu lại mô hình kinh doanh. Anh Cường mong muốn Nhà nước có nhiều chính sách tốt hơn để hỗ trợ những đơn vị siêu nhỏ như Vụn Art để họ có việc làm, có cơ hội để nâng cao tay nghề.

Vụn Art và những nhân công của mình luôn cố gắng hoàn thiện và đổi mới sản phẩm, đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu để mọi khách hàng đều hài lòng khi nhận được sản phẩm. Vụn Art cũng luôn nhận được nhiều sự tin yêu của rất nhiều khách hàng và luôn là nơi dang tay đón nhận những hoàn cảnh khó khăn do khuyết tật đến học tập, lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục