Vững vàng nơi đầu sóng

09:28' - 16/06/2016
BNEWS Với Trường Sa nói riêng, giữa biển khơi mênh mông sóng nước, những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, những đảo nổi, đảo chìm như những lá chắn vững chắc hướng từ biển.

Với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa, biển đảo nước ta là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh của đất nước.

Với Trường Sa nói riêng, giữa biển khơi mênh mông sóng nước, những hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, những đảo nổi, đảo chìm như những lá chắn vững chắc hướng từ biển.

Đảo đá Lớn A cách Cam Ranh, Khánh Hòa 301 hải lý, có lòng hồ dài, là chỗ dựa cho tàu thuyền của ngư dân mỗi khi vào tránh trú bão cũng như là nơi cung cấp các nhu yếu phẩm, cứu hộ cứu nạn và cấp phát thuốc miễn phí, sơ cứu dân gặp nạn trên biển.

Tranh thủ thời gian để chăm sóc rau. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Chính trị viên đảo Đá Lớn A, Đại úy Hoàng Văn Sinh bày tỏ, ra đảo này từ Tết năm nay, trước anh đã từng đóng quân từ đảo Tốc Tan, Đá Tây rồi đến Đá Đông và nay là Đá Tây A. Và cũng 3 năm anh không ăn Tết ở nhà.

Từ khi xác lập chủ quyền vào năm 1988 đến nay, cán bộ chiến sỹ trên đảo luôn kiên trì bám biển, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió và khẳng định chỗ dựa vững chắc cho ngư dân mỗi khi vào đảo.

Vừa thực hiện nhiệm vụ cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cán bộ chiến sỹ đảo Đá Tây A còn đẩy mạnh trồng rau xanh, đánh bắt hải sản để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

Sinh Tồn là 1 trong 5 đảo giải phóng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa vào ngày 28/4/1975. Đảo có âu tàu để ngư dân ta đánh bắt hải sản có thể vào tránh trú bão, gắn với dự án làng chài phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đây cũng là nơi khám điều trị cho hàng trăm lượt quân và ngư dân, cung cấp nước ngọt và các vật dụng sinh hoạt để ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản trong khu vực.

Nhìn dãy nhà khang trang nằm dưới những tán bàng vuông, chúng tôi mới hiểu vì sao các hộ dân đang sinh sống tại đây lại gắn bó với mảnh đất này đến thế. Chính họ là nguồn động viên, là hậu phương vững vàng cho cán bộ chiến sỹ cầm chắc tay súng, bảo vệ toàn vẹn vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Niềm vui đang đến với gia đình anh Nguyễn Văn Hạnh ở đảo Sinh Tồn. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Hộ anh Nguyễn Văn Hạnh có cô con gái đầu lòng 4 tuổi và con trai mới 6 tháng tuổi quê ở Cam Ranh, Khánh Hòa tự nguyện ra đảo từ giữa năm 2013.

Đút từng thìa bột cho cậu con trai nhỏ, anh vừa chia sẻ, ngoài thời gian tham gia làm lực lượng dân quân xã anh còn đi biển giúp vợ cải thiện bữa ăn gia đình, đồng thời tích cực tăng gia sản xuất để đảm bảo bữa ăn trong nhà lúc nào cũng có rau xanh, thứ được coi là quý hiếm trên đảo.

Cùng thời điểm ra đảo Sinh Tồn như hộ anh Nguyễn Văn Hạnh, vợ chồng chị Phan Thị Thương thì từ Ninh Hòa, Gia Lai đến. Trước khi ra đảo anh chị cũng đã có một cô con gái 5 tuổi và đến đảo thì sinh thêm cô con gái thứ hai vô cùng xinh xắn và đáng yêu, nay đã được 2 tuổi.

Chị Thương tâm tự: “chồng thì đi biển còn tôi ở nhà nội chợ, chăm con, vừa tranh thủ trồng trọt và chăn nuôi con gà, con vịt. Chúng tôi ra đảo là để an cư lập nghiệp và chia sẻ khó khăn với cán bộ chiến sỹ nơi đảo xa. Bây giờ thì vợ chồng tôi thấy viên mãn với cuộc sống trên đảo rồi. Về đất liền có khi còn dễ bị bệnh ấy”.

Các chiến sỹ tận dụng mọi chỗ để trồng rau xanh. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn, Trung tá Lương Quốc Anh, kiêm Chủ tịch UBND xã chia sẻ, quân và dân trên đảo đã khắc phục khó khăn về thời tiết, bằng nội lực chủ động tăng gia, chăn nuôi, đánh bắt, khai thác hải sản, tự túc được rau xanh trong các bữa ăn.

Còn tại đảo Tốc Tan B, Chính trị viên Trần Huy Phụng cho biết, vào mùa mưa, rau xanh trồng ở đảo đủ cung cấp cho các bữa ăn của chiến sỹ. Mùa hè thì lượng rau cung cấp có dè xẻn hơn vì nắng hạn.

Ngoài Vườn rau thanh niên rộng, cán bộ chiến sỹ trên đảo còn tích cực chăn nuôi gà vịt, lợn để tạo nguồn cung cấp thực phẩm tươi đưa vào các bữa ăn, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội.

Tính chung cả đảo Tốc Tan, 6 tháng đầu năm nay đã trồng được 860kg rau xanh, đánh bắt 649kg cá tươi và chăn nuôi 272kg thịt các loại.

Núi Le A nằm ở khu vực 3 của quần đảo Trường Sa, cách đất liền 332 hải lý. Nhờ chủ động tăng gia sản xuất nên đảo đã bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn định lượng thường xuyên cho cán bộ chiến sỹ đóng quân tại đây.

Tại đảo Thuyền Chài A, chiến sỹ ra đa Đinh Văn Sơn, quê Thanh Hóa, sinh năm 1984 đã có thâm niên 14 năm quân ngũ; trong đó có 7 năm ra đảo và đón 8 cái Tết trên đảo. Từ khi lấy vợ chưa năm nào được ăn tết cùng vợ con quê nhà.

Anh chia sẻ: “Ở đâu thì cũng là công tác. Chúng tôi may mắn tuy đi xa nhưng có hậu phương vững chắc nên tuy Trường Sa có sóng gió nhưng những người lính Trường Sa đến từ nhiều vùng miền của đất nước như tôi vẫn yên tâm bám biển, bám đảo.”

Giàn bí trên đảo An Bang. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

An Bang là đảo có khí hậu khắc nghiệt nhất. Chỉ có 3 loại cây tồn tại được trên đảo là bàng vuông, bàng ta và phong ba vì thế đã có câu ca “Ruồi vàng, bọ chó, gió An Bang”, nhưng đây lại là đảo có nguồn rau xanh trồng nhiều nhất trong số các đảo ở Trường Sa. Rau xanh được trồng trong các thùng nhựa và thường xuyên phải di chuyển mỗi khi gió đổi hướng.

“Khắc phục sự khắc nghiệt của thời tiết, đảo còn lai tạo thành công giống rau muống hạt thành rau muống nước phát triển tốt, không tốn giống mà cho năng suất cao, bảo đảm đủ lượng rau xanh trong bữa ăn cho bộ đội”, Bếp trưởng Trịnh Văn Hiếu nói.

Tốt nghiệp Trung cấp hậu cần Sơn Tây, Trịnh Văn Hiếu sinh năm 1976 ra đảo đã được 6 năm, từ Song Tử Tây và đến nay là An Bang. Công việc hàng ngày của anh bắt đầu từ 3h30, chuẩn bị bữa sáng cho cán bộ chiến sỹ và kết thúc vào 18h30.

Để cải thiện bữa ăn hàng ngày, ngoài việc thay đổi thức ăn trong mỗi bữa ăn, cán bộ chiến sỹ còn chăn nuôi lợn, gà, vịt, tiết kiệm nước tắm giặt để lấy nước tưới cho rau.

Tăng gia sản xuất và chăn nuôi là niềm vui của các chiến sỹ trên đảo. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Mỗi một hòn đảo được đặt chân đến, chúng tôi đều cảm nhận được những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt sạm đen vì gió biển.

Tôi hiểu rằng, đằng sau những ánh mắt, nụ cười, hơi ấm từ cái bắt tay, những vòng tay ôm chặt của cán bộ, chiến sỹ không muốn rời là tinh thần thép đã được tôi luyện qua bao sóng gió khắc nghiệt của biển cả.

Ở nơi ấy, các anh đã vượt qua tất cả những khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần, quyết tâm bám biển, bám đảo, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc./.

>>> Xem tiếp: EVN đề xuất đảm bảo cung cấp điện tại các đảo ở Trường Sa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục