Vườn quốc gia đầu tiên đón nhận Huân chương Lao động Hạng nhất lần thứ hai

12:35' - 02/12/2022
BNEWS Vườn quốc gia Cúc Phương xác định bảo vệ rừng là gốc, là nền tảng triển khai toàn diện nhiệm vụ hướng đến mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái rừng.

Ngày 12/2, tỉnh Ninh Bình, Vườn quốc gia Cúc Phương, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Đây là lần thứ hai Vườn quốc gia Cúc Phương đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, Vườn quốc gia Cúc Phương luôn chú trọng nhiệm vụ bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng bằng các giải pháp đồng bộ từ huy động nguồn lực kinh phí; phối hợp với các địa phương để tuyên truyền vận động, hỗ trợ cộng đồng người dân vùng đệm nhằm xác định trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ rừng gắn với ổn định đời sống người dân. 

Cúc Phương cũng là vườn quốc gia điển hình của Việt Nam thực hiện thành công việc chuyển dân từ vùng lõi ra ngoài rừng để phục vụ mục tiêu bảo tồn.  Đến nay, vườn đã cơ bản đã chấm dứt nạn phá rừng làm nương rẫy, số vụ vi phạm lâm luật giảm rõ rệt, rừng được bảo vệ an toàn, không xảy ra điểm nóng phá rừng.

Đến nay Vườn quốc gia Cúc Phương trở thành một trong những đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu cơ bản cũng như triển khai các công trình nghiên cứu chuyên sâu phục vụ bảo tồn các loài quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam.

Hoạt động du lịch sinh thái và giáo dục môi trường của Vườn quốc gia Cúc Phương đã góp phần giảm chi ngân sách nhà nước, từng bước tự chủ tài chính, đóng nộp ngân sách địa phương và thu hút lao động từ cộng đồng vùng đệm, giảm áp lực lên tài nguyên rừng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, bằng nhiều giải pháp Vườn quốc gia Cúc Phương xác định bảo vệ rừng là gốc, là nền tảng triển khai toàn diện nhiệm vụ hướng đến mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái rừng. Vườn ứng dụng công nghệ thông tin trong tuần tra bảo vệ, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và giám sát đa dạng sinh học.

Vườn chủ động mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học,  hợp tác quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học; đặc biệt coi trọng nghiên cứu, cứu hộ, bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm, loài đặc hữu; đồng thời khẩn trương xây dựng Đề án du lịch sinh thái nhằm huy động đầu tư, khai thác các tiềm năng, lợi thế để tạo nguồn thu ổn định, bền vững.

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương cho biết, vườn quản lý địa bàn rộng, hiểm trở, bị chia cắt bởi các dãy núi đá vôi, xung quanh vùng đệm có tới hơn 90.000 người dân sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhiều người sống phụ thuộc vào rừng. Tuy vậy, lực lượng kiểm lâm của vườn không ngại khó, ngại khổ, luôn thực hiện tốt phương châm sát dân, bám rừng để quản lý ranh giới và bảo vệ rừng tận gốc. 

Vườn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, ứng dụng công nghệ trong tuần tra, chỉ đạo điều hành và chủ động phối hợp với hệ thống chính trị, cộng đồng cư dân và lực lượng công an địa phương nhằm tuyên truyền, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại rừng.

Nhờ đó, rừng Cúc Phương ngày càng bình yên, số loài và tần xuất xuất hiện cá thể động vật hoang dã trong rừng ngày càng tăng. Đây là dấu hiệu tốt cho hệ sinh thái ổn định, ngày càng thu hút được nhiều cá nhân, tổ chức đến học tập, nghiên cứu.

Vườn quốc gia Cúc Phương cũng luôn coi nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm. Qua 60 năm, việc nghiên cứu khoa học đã ghi nhận Cúc Phương có hơn 2.500 loài thực vật và hơn 300 loài nấm...; trong đó đã công bố 1 chi, 5 loài mới cho khoa học như: Chè hoa vàng Cúc Phương; Thu hải đường Cúc Phương; Lan Việt; Trâm Cúc Phương; Dị hùng Cúc Phương.

Vườn cũng ghi nhận sự đa dạng động vật với 669 loài động vật có xương sống; trong đó ghi nhận 3 loài đặc hữu như: sóc bụng đỏ, cá niết và thằn lằn tai Cúc Phương.  Động vật không xương sống, ghi nhận hơn 1.900 loài; trong đó có nhiều loài mới cho khoa học như nhện, chuồn chuồn Cúc Phương.

Trước áp lực của sự gia tăng dân số, phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng lâm sản quý, hiếm, ngày 27/9/2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định thành lập Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật. Đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã xây dựng vườn thực vật với diện tích 167 ha, trồng, sưu tập và bảo tồn hơn 800 loài thực vật. Đây cũng là vườn thực vật đầu tiên trong hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam. 

Về động vật, Vườn quốc gia Cúc Phương đã cứu hộ trên 4600 cá thể, sinh sản trên 650 cá thể và tái thả về tự nhiên trên 1.200 cá thể. Số đang cứu hộ, bảo tồn tại vườn là 78 loài với trên 2.700 cá thể quý hiếm. 

Song hành cùng điều tra, nghiên cứu đa dạng sinh học và bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm nêu trên, Vườn quốc gia Cúc Phương đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học. Các công trình là cơ sở khoa học và thực tiễn quí giá bổ sung lí luận về diễn thế rừng, cấu trúc rừng, đặc điểm sinh thái học loài quí hiếm, góp phần bảo tồn loài quốc gia.

Đến nay Vườn quốc gia Cúc Phương trở thành một trong những vườn đi đầu trong việc đi sâu nghiên cứu cơ bản cũng như triển khai các công trình nghiên cứu chuyên sâu phục vụ bảo tồn các loài quý hiếm của Việt Nam.

Các chương trình, dự án hợp tác quốc tế đã giúp vườn lồng ghép nguồn lực, hoạch định được chiến lược phát triển lâu dài, đồng thời đã trang bị được một số cơ sở vật chất cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao năng lực quản lí, trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học.

Trên cơ sở tiềm năng về đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, các thành tựu nghiên cứu khoa học, kết quả trong bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa cộng đồng bản địa, vườn đã tổ chức được "hệ sinh thái" du lịch với nhiều chương trình và sản phẩm.

Với chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch Cúc Phương trong giai đoạn mới, tiếp cận xu thế, Cúc Phương đã phát triển và vận hành nhiều sản phẩm sáng tạo và độc đáo thu hút học sinh, sinh viên nghiên cứu, tham quan, học tập; du khách trong nước và quốc tế./.

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục