Vượt sóng ra biển lớn: Bài 1 FDI - "Đầu kéo" cho phát triển

09:40' - 02/09/2018
BNEWS Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế.

Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Sau 30 năm đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thành công nhất trong khu vực.

Có được kết quả này là cả quá trình từ xây dựng Luật Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đầu tiên ban hành tháng 12/1987, tiếp tới 3 lần sửa đổi luật này và thêm dấu ấn năm 2005 Ban hành Luật đầu tư chung, thay thế Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Đầu tư trong nước.

Tuy nhiên, năm 2014, việc sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư đã tạo một bước đột phá trong tư duy của Việt Nam bởi kể từ thời điểm đó doanh nghiệp và nhà đầu tư được làm những gì mà pháp luật không cấm.

Những dấu ấn trên cũng cho thấy, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam luôn linh hoạt trong đón nhận dòng vốn đầu tư phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

*Bước đột phá tư duy

Là một trong những nhân chứng cho thời kỳ đầu của đất nước “tiếp nhận” nguồn vốn FDI, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (VAFIE), cho biết: sau khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào cuối năm 1987, để kịp thời tiếp nhận nguồn vốn quốc tế, đầu năm 1988 Chính phủ đã giao cho Bộ Kinh tế đối ngoại nhiệm vụ thẩm định và cấp phép dự án FDI.

Tháng 3/1989, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) được thành lập, có chức năng quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, tiếp nhận các dự án FDI do Bộ Kinh tế đối ngoại đã cấp phép và bắt đầu thực hiện các công việc có liên quan đến FDI.

Ông Nguyễn Mại kể lại: “Vào tháng 10/1989, khi đang làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, tôi được cử về SCCI giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban. Khi đó, cả lãnh đạo và chuyên viên SCCI đều là “ngoại đạo” với đầu tư nước ngoài, do đó chúng tôi chủ trương tất cả cán bộ phải “vừa làm vừa học” để nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng đòi hỏi của lĩnh vực mới mẻ và phức tạp này”.

“Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng dựa trên sự học hỏi kinh nghiệm 18 luật đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác. Chỉ học hỏi cái hay, nên Luật của Việt Nam hấp dẫn. Hơn nữa, khi đó, các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia chỉ mở cửa dần dần, giới hạn đầu tư của nước ngoài là 49%, còn Việt Nam thì ngay lập tức mở cửa, chấp nhận doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Luật chỉ giới hạn tỷ lệ góp vốn tối thiểu của nhà đầu tư nước ngoài là 30%, mà không giới hạn tối đa”, ông Nguyễn Mại nói

Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên, khi Luật Đầu tư nước ngoài mới ban hành, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam còn rất ít.

Chỉ trong hơn 2 năm, kể từ năm 1988 đến tháng 5/1990, chỉ có 213 giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Khi ấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam còn dè dặt, bởi công cuộc Đổi mới của Việt Nam mới chập chững những bước đi đầu tiên.

Bắt đầu đến năm 1991, một làn sóng đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam. Theo đó, chỉ trong vòng 7 năm, đã có 2.230 dự án đăng ký đầu tư vào Việt Nam, với 16,244 tỷ USD vốn đăng ký và 12,98 tỷ USD vốn thực hiện. Trong đó, chỉ riêng năm 1997, vốn thực hiện đã đạt 3,115 tỷ USD, gấp 9,5 lần năm 1991.

GS.TSKH Nguyễn Mại nhớ lại, vào năm 1991, Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT) với 1 tập đoàn bưu chính viễn thông của Australia được ký kết với tổng vốn đầu tư khoảng 10 triệu USD, được xem là một hợp tác tốt, đặt nền móng cho Việt Nam phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Mặc dù, nguồn vốn đầu tư rất ít ỏi nhưng Australia đã đưa được những công nghệ hiện đại nhất về viễn thông vào Việt Nam. Australia còn đào tạo cho ngành bưu chính viễn thông những nhà lãnh đạo theo kiểu mới thích ứng được kinh tế thị trường; tiếp cận với công nghệ hiện đại; đồng thời, thay đổi được phương thức quản trị của VNPT theo hướng kinh tế thị trường.

"Đầu kéo" cho phát triển

Khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau hơn 30 năm “đón” vốn FDI, từ năm 1988 đến tháng 8/2018, 63 tỉnh, thành phố của cả nước thu hút 26.438 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 183,62 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông…

Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI còn góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế…

Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và từ 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Nhấn mạnh về những thành tựu đạt được, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, các số liệu thống kê quá trình phát triển nền kinh tế Việt Nam từ năm 2000 đến nay cho thấy quy mô nền kinh tế đất nước đã lớn gấp nhiều lần; trong đó, khu vực FDI góp phần to lớn.

Chẳng hạn, trong giai đoạn 1991 – 2000, vốn FDI thực hiện đạt 19,462 tỷ USD, bình quân 1,95 tỷ USD/năm thì giai đoạn 2001 - 2010 đạt 58,497 tỷ USD, bằng 3 lần thập niên trước đó và bình quân 5,85 tỷ USD/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn 2011 - 2016 đạt 84 tỷ USD, bằng 4,55 lần giai đoạn 1991- 2000 và 1,43 lần 10 năm trước đó, bình quân thu hút 12 tỷ USD/năm.

Đối với những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, đóng góp của khu vực này còn lớn hơn nhiều, làm thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của từng tỉnh, thành phố, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển và kinh doanh có hiệu quả cao.

Điển hình là Bắc Ninh, nhờ thu hút có hiệu quả FDI, chỉ trong 5 năm gần đây đã biến đổi cơ bản, từ tỉnh nông nghiệp trở thành tỉnh công nghiệp. Hiện nông nghiệp của tỉnh này chỉ còn khoảng 8%, công nghiệp và dịch vụ chiếm 82% cơ cấu kinh tế tỉnh.

Đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam, trong một chuyến thăm và làm việc với các đối tác Việt Nam gần đây, ông Kuniharu Nakamura đồng Chủ tịch Uỷ ban Kinh tế Nhật-Việt của Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren)  cho biết, đối với các doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn bởi có dân số đông, là cửa ngõ tiếp nối với ASEAN, chính trị xã hội ổn định, bền vững. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn được sang Việt Nam đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Ông Kuniharu Nakamura bày tỏ mong muốn, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện hạ tầng thể chế, khuôn khổ pháp lý để sẵn sàng đưa Hiệp định đối tác Toàn diện Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào triển khai sau khi phần Hiệp định khung đã được ký kết.

Là nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam, đại diện Tập đoàn Samsung cho biết, Samsung luôn nỗ lực cùng Chính phủ Việt Nam phát triển nền công nghiệp hỗ trợ nội địa thông qua nhiều chương trình hành động thực tế như: tổ chức hội thảo, triển lãm kết nối các nhà cung ứng địa phương, tổ chức các chuyến khảo sát để đánh giá năng lực thực tế của các nhà cung cấp Việt Nam, phối hợp tổ chức chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam…

Với mong muốn gắn kết lâu dài và bền vững với Việt Nam, Samsung là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tiên chính thức chung tay cùng chính phủ Việt Nam tổ chức các chương trình, hoạt động nhằm hỗ trợ thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Ông Gunjae Kim, Chủ tịch Công ty thuốc thú y Hwasung Co, Ltd (Hàn Quốc) cho biết, hiện có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc thuộc các  lĩnh vực đã thâm nhập và hoạt động khá lâu tại Việt Nam. Riêng lĩnh vực thuốc thú y của Hàn Quốc cũng mới nổi lên và dành sự quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam đánh giá rất cao về môi trường và các chính sách thu hút đầu tư tại đây.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành chia sẻ, các doanh nghiệp nhỏ của Vĩnh Phúc cũng bắt đầu bắt nhịp được vào dòng chảy của khu vực FDI khi hiện có nhiều doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp 1 cho các doanh nghiệp FDI, đem lại sự thay đổi trong kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, công nghệ của các doanh nghiệp.

>>> Vượt sóng ra biển lớn: Bài 2 - Loại bỏ những mảng tối trong thu hút FDI

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục