Vượt sóng ra biển lớn: Bài 2 - Loại bỏ những mảng tối trong thu hút FDI

11:56' - 02/09/2018
BNEWS Đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế là không thể phủ nhận, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh những dấu ấn tích cực, khu vực FDI vẫn còn bộc lộ những hạn chế.

Loại bỏ những mảng tối

Sự liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Loại bỏ những mảng tối

Mặc dù, bên cạnh những thành công đã đạt được trong thu hút FDI nhưng GS.TSKH Nguyễn Mại cũng chia sẻ, Luật Đầu tư nước ngoài 1987, không thể tránh khỏi những thiếu sót, hoặc hạn chế mà trong quá trình thực hiện mới nảy sinh”. Năm 1990, Việt Nam đã lần đầu tiên phải sửa đổi Luật.

Sau đó, liên tục có các đợt sửa đổi Luật trong năm 1992, 1996, 2000, 2005, rồi năm 2014, để có các quy định phù hợp hơn với diễn biến kinh tế thế giới và Việt Nam. Thế nhưng, vai trò của Luật Đầu tư nước ngoài 1987 là vô cùng to lớn.

Đóng góp của khu vực FDI vào nền kinh tế là không thể phủ nhận, song các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, bên cạnh những dấu ấn tích cực, khu vực FDI vẫn còn bộc lộ những hạn chế như: sự liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo, tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhất là đối với ngành công nghiệp ô tô, điện tử.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, nhược điểm chính của FDI hiện nay chính là tác động lan toả. Ông khẳng định, tại Việt Nam, tác động lan toả chưa được như kỳ vọng, thể hiện trong việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hạn chế trong việc tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đánh giá chung của các nhà kinh tế, Việt Nam có 21% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 30%, ở Malaysia là 46%. Như vậy, Việt Nam kém xa các nước xung quanh về mặt này.

Bên cạnh đó, có rất nhiều dự án FDI đầu tư vào Việt Nam với mục đích tận dụng nguồn lao động giá rẻ, sử dụng máy móc công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; trong đó, có những sự cố môi trường nghiêm trọng như trường hợp của Formosa Hà Tĩnh, Vedan Đồng Nai; bên cạnh việc sử dụng tài nguyên, nhất là đất đai còn lãng phí.

Cùng với đó, có không ít các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam vướng vào nghi án chuyển giá, trốn thuế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Đặc biệt, theo GS.TSKH Nguyễn Mại, nhiều dự án FDI chưa phù hợp với quy hoạch phát triển ngành và vùng kinh tế.

FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển.

Hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý của khối doanh nghiệp này chưa đạt như kỳ vọng; đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng.

Về cơ cấu đầu tư, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp và kết cấu hạ tầng của nền kinh tế còn rất ít, đầu tư từ các nước phát triển như Hoa Kỳ và EU vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng…

Theo TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, việc nhìn thẳng vào sự thật còn có nhiều tồn tại trong thu hút và sử dụng FDI thời gian qua để thấy rõ các nguyên nhân, tìm giải pháp để loại bỏ các mảng tối trong bức tranh FDI là một đòi hỏi cấp thiết đối với quản lý nhà nước về FDI trong giai đoạn tới.

Coi trọng nhưng không hy sinh mọi giá

Trong giai đoạn hiện nay, vấn đề chất lượng nguồn vốn FDI đang được đặt lên hàng đầu. Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Xu hướng của dòng vốn toàn cầu đang tiếp tục diễn ra. Xu hướng này cho thấy đối với Việt Nam trong giai đoạn tới, với sự chỉ đạo, điều hành của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân, Việt Nam có nhiều lợi thế để thu hút FDI.

Được đánh giá là quốc gia hấp dẫn thu hút FDI với những ưu thế nổi trội như: vị trí thuận lợi, chính trị ổn định, dân số đông, thị trường tiêu thụ rộng lớn.

Giá nhân công của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá rẻ hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.

Đặc biệt, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chính sách thu hút FDI của Việt Nam khá thuận lợi, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới có chính sách đầu tư không nhất quán, liên tục “đóng- mở”, thì Việt Nam luôn duy trì chính sách “cởi mở” trong thu hút đầu tư.

Đây là một trong những “điểm cộng” quan trọng giúp Việt Nam nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trên thế giới.

Tuy nhiên, để phát huy những mặt tích cực và hạn chế những tồn tại của dòng vốn FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh để lựa chọn, thu hút các dự án FDI chất lượng cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như những biến đổi của khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn, sẽ xác định những lĩnh vực, ngành nghề và đối tác cần ưu tiên thu hút FDI.

“Việt Nam phải tập trung ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao của các tập đoàn xuyên quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ thông tin và các lĩnh vực dịch vụ mà Việt Nam có tiềm năng và lợi thế so sánh. Đó cũng phải là các dự án thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, low-carbon và phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam cũng sẽ ưu tiên thu hút các dự án có sức lan tỏa, gắn kết với khu vực doanh nghiệp trong nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại, Việt Nam không nên thu hút thêm dự án FDI sản xuất xi măng, sắt thép, lọc hóa dầu, hạn chế bằng cách chọn lựa nhà đầu tư và công nghệ hiện đại thực hiện một số dự án nhiệt điện than, khí; đồng thời khuyến khích bằng chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn các tập đoàn kinh tế lớn vào các dự án điện mặt trời, điện gió, điện tái tạo và trong tương lai gần là điện thủy triều.

Để nâng cao tính lan tỏa của khu vực FDI, GS.TSKH Nguyễn Mại đề xuất, đối với một số dự án mà doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài thì khuyến khích thực hiện bằng hình thức “doanh nghiệp liên doanh” để thông qua quan hệ hợp tác cùng có lợi nhằm chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp, nâng cao trình độ lành nghề của đội ngũ công nhân, kỹ sư và cán bộ Việt Nam.

“Trong khi vẫn coi trọng thu hút FDI từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cần coi trọng hơn vốn đầu tư từ các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới trong ngành và lĩnh vực công nghệ cao để tạo ra sản phẩm mới có giá trị gia tăng lớn và chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Do đó, cần điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư theo hướng gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội ở từng vùng kinh tế, từng địa phương”, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết.

Dưới góc độ quản lý, TS. Phan Hữu Thắng cho rằng, cần nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước về FDI và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức thừa hành. Những tồn tại của FDI được nhắc đến đều có thể xuất phát từ sự yếu kém về quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước.

Chính vì thế, khắc phục các tác động xấu của FDI để tiếp tục sử dụng vốn FDI hiệu quả hơn trong giai đoạn tới là yêu cầu bắt buộc đối với quản lý nhà nước về FDI.

Ông Đặng Xuân Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia cũng cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề chất lượng nguồn vốn FDI đang được đặt lên hàng đầu.

Việt Nam không thể vì số lượng mà hy sinh chất lượng, đó là quan điểm rất rõ ràng. Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo là không thể vì tăng trưởng mà hủy hoại môi trường, không thể vì phát triển nhanh mà quên đi yếu tố bền vững. Tất cả những điều này hiện nay đang quán triệt thực hiện.

“Còn giải pháp đưa ra trong thời gian tới, với quan điểm là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý về FDI, chúng ta sẽ tập trung vào các giải pháp về thị trường, tức là các giải pháp để phù hợp với kinh tế thị trường”, ông Quang nhấn mạnh.

Bằng những nỗ lực không ngừng trong cải cách của Chính phủ, sự thân thiện cởi mở của người dân Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng rằng, với chính sách cởi mở của Việt Nam, trong thời gian tới, các doanh nghiệp đã đầu tư tiếp tục mở rộng đầu tư và phát huy hiệu quả, ngày càng phát triển.

Những nhà đầu tư chưa có dự án đầu tư, nhanh chóng tìm cơ hội đầu tư, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mình, tham gia đóng góp phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam./.

>>> Vượt sóng ra biển lớn: Bài 1 FDI - "Đầu kéo" cho phát triển

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục