WB: Các nước phát triển cần đảm bảo thị trường mở

07:34' - 13/04/2022
BNEWS Ngoài cuộc khủng hoảng nhân đạo trước mắt do xung đột, sự gián đoạn nguồn cung đã đẩy giá cả tăng cao và khiến tình trạng bất công trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass ngày 12/4 cho biết căng thẳng Nga-Ukraine đã tạo ra một phản ứng dây chuyền lên nền kinh tế thế giới, khiến giá năng lượng và lương thực tăng cao, làm tình trạng đói nghèo nghiêm trọng thêm và gia tăng lo ngại về nợ.

Đối mặt với “khủng hoảng chồng khủng hoảng”, ông Malpass kêu gọi các nước phát triển hãy đảm bảo mở cửa thị trường, dỡ bỏ các hàng rào thương mại và đảo ngược các chính sách tập trung tài sản. 

 

Theo Chủ tịch WB, cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang nỗ lực vực dậy sau khủng hoảng đại dịch COVID-19, dù các biện pháp phong toả phòng dịch mới ở Trung Quốc đã gây ra những bất trắc về phục hồi.

Phát biểu tại một sự kiện ở Vácsava (Ba Lan), ông Malpass cho biết: “Chưa bao giờ có nhiều nước cùng rơi vào suy thoái như hiện nay, chịu đựng cảnh thiếu vốn, thiếu việc làm và thiếu lương thực. Trong khi đó, lạm phát tiếp tục tăng”.

Ông cho biết thêm rằng ngoài cuộc khủng hoảng nhân đạo trước mắt do xung đột, sự gián đoạn nguồn cung đã đẩy giá cả tăng cao và khiến tình trạng bất công trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn”.

Ukraine là một nguồn cung ngũ cốc quan trọng cho thế giới trong khi Nga là một nhà sản xuất năng lượng và phân bón. Theo ông Malpass, xung đột đã “gây tình trạng khan hiếm năng lượng, phân bón và lương thực”. Trong khi đó, hạn hán nghiêm trọng tại Nam Phi đang khiến tình hình lương thực thêm phần tồi tệ.

Chủ tịch WB nhấn mạnh: “Giá lương thực tăng 1% thì 10 triệu người sẽ rơi vào cảnh nghèo đói. Tình trạng suy dinh dưỡng sẽ tăng”. Ông cũng cảnh báo về gánh nặng nợ nần tăng cao ở các nước đang phát triển, hiện đã tăng mạnh “lên mức cao nhất trong 50 năm”.

Ông nhấn mạnh rằng hầu hết các thị trường đang nổi và các nền kinh tế đang phát triển không được chuẩn bị tốt để đối mặt với các cú sốc nợ sắp tới, đồng thời kêu gọi các nước phát triển đảm bảo thị trường mở.

Chủ tịch WB nói: “Hầu hết các hàng rào thuế quan chỉ bảo vệ các đặc quyền đặc lợi, bất chấp phần còn lại của thế giới và làm gia tăng bất công”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục