WB cảnh báo Dải Gaza và Bờ Tây đối mặt với khủng hoảng kinh tế chưa từng có

08:46' - 22/10/2024
BNEWS Dải Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng của Palestine đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Trung Đông - Bắc Phi, bà Roberta Gatti nhận định rằng Dải Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng của Palestine đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, sau khi WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Đông-Bắc Phi vào tuần trước.

 

Sau một năm kể từ khi chiến sự ở Gaza nổ ra, nền kinh tế của dải đất này đã bị tàn phá nặng nề. Theo WB, nền kinh tế của Gaza đã giảm 86% trong quý II/2024. Hồi đầu năm nay, WB và Liên hợp quốc (LHQ) đánh giá tổng thiệt hại về các cơ sở hạ tầng quan trọng ở Gaza ước vào khoảng 18,5 tỷ USD.

WB cho hay nền kinh tế của Bờ Tây cũng đã giảm 23% trong quý II vừa qua, do các hạn chế di chuyển, sự suy giảm trong tiêu dùng cũng như khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Theo định chế tài chính đa phương toàn cầu này, Chính quyền Palestine thiếu hụt tài chính lên tới 1,86 tỷ USD trong năm 2024.

Báo "The National News" của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) ngày 21/10 dẫn đánh giá của bà Gatti cho rằng "khủng hoảng kinh tế ở Gaza và Bờ Tây là cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay". Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực Trung Đông-Bắc Phi được công bố mới đây, WB cho rằng cuộc khủng hoảng nhân đạo sẽ để lại những hậu quả lâu dài ở Gaza.

Tình trạng mất an ninh lương thực ở Gaza đã trở nên rất nghiêm trọng, với 15% trong số 2 triệu dân Gaza đang phải đối mặt với nạn đói. Ngoài ra, 90% trẻ em dưới hai tuổi và 95% phụ nữ đang mang thai hoặc phụ nữ đang cho con bú phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực cùng cực.

WB cũng cho rằng cuộc xung đột ở Gaza đã tạo ra một "bóng đen rộng lớn" bao trùm lên triển vọng kinh tế của khu vực. Tuần trước, WB đã hạ 0,5 điểm phần trăm mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Đông trong năm 2024, do căng thẳng ngày càng leo thang ở Gaza cũng như việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô. Nhìn chung, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực được dự báo sẽ tăng 2,2% trong năm nay.

Nhà kinh tế trưởng Gatti nhận xét Trung Đông đang phải đối mặt với triển vọng tăng trưởng mong manh, trong bối cảnh những căng thẳng địa chính trị khu vực vẫn diễn biến phức tạp. Theo một phân tích, thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia rơi vào xung đột trong khu vực có thể cao hơn trung bình 45% nếu không có xung đột. Tổn thất này tương đương với giá trị tiến bộ của 35 năm. Bà Gatti cho rằng đây là một con số rất lớn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục