WB: Đổi mới giáo dục đại học là chìa khóa để nâng cao năng suất

18:43' - 08/08/2022
BNEWS Việc đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để nâng cao năng suất của Việt Nam và giúp hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035.

Tại họp báo với chủ đề "Giáo dục để tăng trưởng" công bố Báo cáo cập nhật tháng 8/2022 về tình hình kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức chiều ngày 8/8 tại Hà Nội, bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức từ 2 - 3% mỗi năm.

 

Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, muốn tăng năng suất lao động, chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục - một phần quan trọng của gói các đầu tư và cải cách cần thiết. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn.

Báo cáo ghi nhận rằng, việc đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khóa để nâng cao năng suất của Việt Nam và giúp hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Để đạt tỷ lệ nhập học đại học bình quân tương đương ở các nền kinh tế thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần tuyển sinh 3,8 triệu sinh viên vào các cơ sở giáo dục đại học, gần gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019.

Bình luận về những thành tựu của Việt Nam về khả năng tiếp cận, tỷ lệ nhập học và kết quả học tập giáo dục sau phổ thông, ông Michael Drabble, Chuyên gia kinh tế giáo dục cao cấp WB nhận định, trong 25 năm qua, Việt Nam đã mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và nâng cao tỷ lệ nhập học giáo dục trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục sau phổ thông.

Trẻ em ở Việt Nam ngày nay có nhiều cơ hội tốt nghiệp giáo dục tiểu học với khả năng đọc hiểu và làm toán thành thạo.

Thành công đó của Việt Nam có được là nhờ Chính phủ chi tiêu khá cao cho giáo dục, tập trung vào yếu tố công bằng, thu hút và hỗ trợ giáo viên có trình độ, đầu tư vào giáo dục tiền tiểu học, áp dụng chiến lược các hình thức đánh giá, song song với những đổi mới qua các quyết định dựa trên bằng chứng.

Sau khi điều chỉnh về thời lượng học tập, số năm học ở trường bình quân của Việt Nam là 10,2 năm, đứng thứ hai sau Singapore trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việt Nam cũng có chỉ số vốn nhân lực (HCI) cao; trong đó, thể hiện vốn nhân lực tương quan mà một đứa trẻ sinh ra hiện nay có thể đạt được vào năm 18 tuổi.

Chỉ số này còn thể hiện năng suất lao động của thế hệ tiếp theo so với mốc chuẩn chung về giáo dục phổ thông và sức khỏe toàn diện.

Tuy nhiên, thời gian tới, Việt Nam cần cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục sau phổ thông và kết quả của hệ thống giáo dục sau phổ thông phải tương xứng với các quốc gia đi trước trong khu vực Đông Á. Đến năm 2019, Việt Nam có khoảng 1,7% dân số được học đại học (tương đương 1,67 triệu sinh viên).

Trong khi đó Malaysia có 4% dân số (khoảng 1,3 triệu sinh viên) và Hàn Quốc có 3,8% dân số (khoảng 2 triệu sinh viên) nhập học đại học trong cùng năm đó. Về lâu dài, để tương xứng với tỷ lệ tuyển sinh của quốc gia thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần tạo điều kiện tuyển sinh được khoảng 3,8 triệu sinh viên, hơn gấp đôi số sinh viên được tuyển sinh năm 2019.

Tương tự, tỷ lệ nhập học ròng (GER) 21 cấp giáo dục sau phổ thông của Việt Nam là 28,6% năm 2019, thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc (trên 98%), Trung Quốc (trên 53%) và Malaysia (43%), đồng thời thấp hơn rõ rệt so với tỷ lệ nhập học (GER) bình quân 55,1% của các quốc gia  thu nhập trung bình cao.

Đồng thời, kết quả giáo dục đại học, được đo bằng tỷ lệ tốt nghiệp gộp (GGR)22 chỉ đạt 19% (263.000 sinh viên tốt nghiệp đại học trong giai đoạn 2016-2019). Cuối cùng, đầu ra nghiên cứu của Việt Nam thấp hơn so với mức bình quân của các quốc gia Đông Á.

Trong năm 2019, đầu ra nghiên cứu của Việt Nam tương đương với Philippines và Indonesia, nhưng thấp hơn nhiều với các quốc gia đi trước như Malaysia và Trung Quốc.

Nhìn vào số liệu cơ cấu lao động đang làm việc tại Việt Nam, bên cạnh thực trạng là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, còn tồn tại sự bất hợp lý về cơ cấu lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chiếm cao hơn lao động có trình độ trung cấp, sơ cấp; thể hiện trình trạng thừa thầy, thiếu thợ.

Thêm nữa, chi phí tài chính cho việc học đại học cũng ngày càng lớn và lợi suất kinh tế giảm dần nếu theo học đại học là những lý do khiến cho nhu cầu trở nên yếu đi. Ngoài ra hệ thống còn có những bất cập khác như không cung cấp được những kỹ năng mà chủ sử dụng lao động cần có, đầu tư từ ngân sách còn thiếu, thể chế quản trị giáo dục đại học còn yếu và manh mún...

Báo cáo nghiên cứu cũng chỉ ra nguyên nhân dẫn tới hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam chưa đạt kết quả như mong muốn là do cả yếu tố cung và cầu. 

Nhiều gia đình và nhiều học sinh có ý định theo học sau phổ thông nhưng phải đối mặt với chi phí cơ hội cao nếu muốn theo đuổi tấm bằng của chương trình giáo dục sau phổ thông và suất sinh lời của giáo dục sau phổ thông lại giảm dần do liên quan tới chuyện thành công về xuất khẩu nhờ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. 

Học sinh sinh viên cũng có thể vướng phải rào cản để theo học đại học do chi phí tài chính gia tăng và tỷ lệ chi phí mà các hộ gia đình phải gánh chịu ngày càng lớn.

Trong khi đó, hệ thống giáo dục sau phổ thông chưa có khả năng đáp ứng nhu cầu kỹ năng trên thị trường lao động. Nhà nước cũng chỉ mới cung cấp khoảng 80% chương trình giáo dục sau phổ thông còn giáo dục đại học của Việt Nam vẫn chưa được đảm bảo đủ kinh phí.

Tình trạng thiếu vốn gây cản trở quá trình mở rộng và cải thiện chất lượng giáo dục sau phổ thông cũng như phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Cho dù đã có một vài cải thiện về năng lực đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, nhưng tình trạng thiếu vốn của Chính phủ dành cho nghiên cứu và phát triển trong các trường đại học đang cản trở những tiến triển có thể đạt được....

Thông qua báo cáo nghiên cứu, đại diện WB cũng đưa ra những khuyến nghị chi tiết nhằm cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục đại học, nâng cao chất lượng và sự phù hợp trong giảng dạy, nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn lực; trong đó có khuyến nghị về mở rộng áp dụng công nghệ số, nâng cao vai trò của khu vực tư nhân, và hài hòa hệ thống văn bản pháp quy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục