WB hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại Đông Á và Thái Bình Dương

16:05' - 02/10/2023
BNEWS Theo báo cáo tháng Mười vừa được công bố hôm 2/10, WB dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5% vào năm 2023.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, do nhu cầu toàn cầu trì trệ, trong bối cảnh lãi suất vẫn cao và hoạt động thương mại suy giảm.

 

Theo báo cáo tháng Mười vừa được công bố hôm 2/10, WB dự báo các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 5% vào năm 2023. Con số này thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 5,1% mà cơ quan này đã dự báo vào tháng Tư. Đối với năm 2024, WB hiện dự báo mức tăng trưởng 4,5% cho khu vực này, giảm so với dự báo 4,8% đưa ra vào tháng Tư.

WB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc ở mức 5,1%, nhưng hạ ước tính năm 2024 xuống 4,4% từ mức 4,8% trước đó. Ngân hàng này trích dẫn các yếu tố cấu trúc dài hạn như mức nợ tăng cao ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản là lý do khiến WB hạ mức dự báo.

WB cho biết: “Trong khi các yếu tố trong nước có thể ảnh hưởng chủ yếu đến tăng trưởng ở Trung Quốc, thì các yếu tố bên ngoài sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến tăng trưởng ở hầu hết các nước còn lại trong khu vực”.

Mặc dù các nền kinh tế Đông Á hầu như đã phục hồi sau chuỗi cú sốc kể từ năm 2020 - bao gồm đại dịch COVID-19 - và sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhưng WB cho biết tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại. Ngân hàng này nhận thấy sự gia tăng đáng kể của nợ chính phủ nói chung, cũng như nợ doanh nghiệp, đặc biệt là ở Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

WB cảnh báo rằng mức nợ chính phủ cao có thể hạn chế cả đầu tư công và tư nhân. Nợ tăng cao có thể dẫn đến lãi suất cao hơn, điều này sẽ làm tăng chi phí vay đối với các doanh nghiệp tư nhân.

Theo tính toán của WB, nợ chính phủ trên GDP nói chung của toàn khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tăng 10 điểm phần trăm trong năm nay, liên quan đến sự sụt giảm 1,2 điểm phần trăm trong tăng trưởng đầu tư. Tương tự, nợ tư nhân trên GDP tăng 10 điểm phần trăm do sự sụt giảm 1,1 điểm phần trăm trong tăng trưởng đầu tư.

WB cũng ghi nhận mức nợ hộ gia đình tương đối cao ở Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan so với các thị trường mới nổi khác. Nợ hộ gia đình cao có thể có tác động tiêu cực đến tiêu dùng, vì thu nhập sẽ được sử dụng nhiều hơn để trả nợ, điều này có thể dẫn đến cắt giảm chi tiêu.

Hiện tại, WB cho biết chi tiêu hộ gia đình ở các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vẫn đang thấp hơn mức trước đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục