WB, IMF cảnh báo những rủi ro tăng trưởng kinh tế của Indonesia

16:52' - 16/03/2016
BNEWS Trong báo cáo mới nhất, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm 2016 thấp hơn so với mức đưa ra trước đó.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ "Jakarta Post" (Bưu điện Jakarta) ngày 16/3 cho biết trong báo cáo mới nhất, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đều đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm 2016 thấp hơn mức đưa ra trước đó.

Cụ thể, WB hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này từ 5,3% (được đưa ra từ tháng 12/2015) xuống còn 5,1%, trong khi IMF thiếu lạc quan hơn, đưa ra mức dự báo giảm từ 5,5% xuống 4,9%.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, giải thích cho điều chỉnh lần này, WB và IMF đều nhận định rằng những yếu tố bất lợi của tình hình kinh tế thế giới như sự suy thoái của kinh tế Trung Quốc, giá cả hàng hóa thấp, việc Mỹ bình thường hóa chính sách tiền tệ… ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Indonesia.

Trưởng Đại diện IMF tại Indonesia Luis E. Breuer cho rằng việc nền kinh tế Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia - tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này. Số liệu thống kê cũng cho thấy, xuất khẩu tháng 1/2016 của Indonesia sang Trung Quốc chỉ đạt 1,83 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc xuất khẩu sụt giảm và giá cả hàng hóa thấp sẽ khiến tài khoản vãng lai của Indonesia bị thâm hụt sâu hơn, gây áp lực lớn lên dự trữ ngoại hối và tỷ giá hối đoái.

Về yếu tố trong nước, IMF và WB cho rằng nguồn thu chính phủ của Indonesia sẽ thấp trong năm nay do những yếu tố sau: giá cả hàng hóa thấp, giá dầu thế giới giảm cũng như việc chính phủ áp dụng chính sách thuế thấp so với các nước trong khu vực. Để cải thiện vấn đề này, IMF đề xuất, trong thời gian tới, Chính phủ Indonesia có thể tăng dần thu thuế đối với mặt hàng thuốc lá, ôtô và nhiên liệu.

Trong khi đó, báo “Jakarta Global” dẫn nhận định của Ban điều hành IMF cho biết chính sách thắt chặt tiền tệ của Indonesia vào năm 2015 đã giúp nước này giữ được mức lạm phát và dự kiến con số này sẽ ở mức 3-5% trong năm 2016.

IMF đánh giá cao việc Indonesia cắt giảm trợ cấp năng lượng vào năm 2015, nhưng cảnh báo giá dầu thấp ảnh hưởng tới nguồn thu của chính phủ. Điều này đặt ra yêu cầu phải đa dạng hóa các nguồn thu để Jakarta có thể tiếp tục tạo nguồn tài chính cho cơ sở hạ tầng và đầu tư xã hội nhằm thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục