WB: Nguồn kiều hối của các nền kinh tế đang phát triển sụt giảm vì COVID-19

17:48' - 30/10/2020
BNEWS Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính lượng kiều hối chuyển về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dự kiến giảm 7% xuống còn 508 tỷ USD trong năm nay.

Trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh bị đình trệ trên toàn thế giới, các nền kinh tế đang phát triển đang đối mặt với sự sụt giảm nguồn thu quan trọng từ các lao động làm việc ở nước ngoài.

Theo một báo cáo được công bố ngày 29/10, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính lượng kiều hối chuyển về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dự kiến giảm 7% xuống còn 508 tỷ USD trong năm nay.

Lượng kiều hối này sẽ tiếp tục giảm 7,5% trong năm 2021 do các biện pháp phòng chống dịch và kinh tế giảm tốc, qua đó làm giảm nguồn tiền mà lao động di cư có thể gửi về cho gia đình. 

Xét tổng thể, các khu vực được dự đoán sẽ chứng kiến lượng kiều hối sụt giảm mạnh là châu Âu và Trung Á (đều giảm 16%), tiếp sau là Đông Á (11%) và Thái Bình Dương (4%).

Cũng theo WB, mặc dù dự báo trên khả quan hơn chút ít so với dự báo hồi tháng 4, khi WB ước tính lượng kiều hối năm nay sẽ giảm tới 20%, song mức giảm dự kiến 14% trong hai năm 2020 và 2021 vẫn là một "đòn giáng mạnh" vào nguồn thu kiều hối của các nước đang phát triển.

Trước đó, WB cho biết lượng kiều hối đổ về các nước này năm ngoái đạt 554 tỷ USD, vượt xa các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Báo cáo chỉ ra mặc dù lượng kiều hối đã phục hồi phần nào trong tháng 6, từ mức giảm mạnh trong tháng 4 và 5, song tình hình này có thể không duy trì được lâu do sự phục hồi này có được dường như nhờ một số lao động di cư rút tiền tiết kiệm để gửi về nhà.

Theo báo cáo, lao động di cư là đối tượng có nguy cơ cao mất thu nhập, bởi họ có xu hướng tập trung tại các vùng thành thị và làm việc trong các ngành dịch vụ vốn đang chịu tác động nặng nề nhất do suy thoái kinh tế như nhà hàng, khách sạn, bán hàng, du lịch, vận tải và sản xuất.

Trao đổi với báo giới, ông Mamta Murthi, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển nhân lực của WB, nhận định tác động của đại dịch COVID-19 rộng khắp khi nhìn qua "lăng kính" di cư bởi nó ảnh hưởng tới cả người di cư lẫn gia đình họ vốn sống dựa vào các khoản tiền gửi về.

Tại một số nước như Tonga, Haiti hay Liban, nguồn thu từ các khoản tiền do lao động di cư chuyển về chiếm khoảng 25%, thậm chí gần 35% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Do đó, ông nhấn mạnh các quốc gia cần nỗ lực duy trì "dòng kiều hối"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục