WB: Tăng trưởng kinh tế Trung Đông-Bắc Phi năm nay sẽ thấp như trước COVID-19

15:19' - 16/04/2024
BNEWS Theo dự báo của WB, khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA) có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp "tương tự giai đoạn trước đại dịch COVID-19".

Ngày 15/4, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo tình hình kinh tế khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA), trong đó dự báo các quốc gia ở khu vực này có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp "tương tự giai đoạn trước đại dịch COVID-19", trong bối cảnh bất ổn ngày càng tăng do cuộc xung đột ở Dải Gaza và các nền kinh tế trong khu vực thiếu cải cách cơ cấu.

Phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi dẫn báo cáo của WB nhận định Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của MENA trong năm 2024 sẽ chỉ tăng 2,7%, cao hơn mức tăng 1,9% của năm 2023, nhưng thấp so với mức tăng trưởng trung bình của thế giới. Theo báo cáo, tăng trưởng GDP năm nay của các nước xuất khẩu và nhập khẩu dầu trong khu vực MENA sẽ đạt tốc độ chậm hơn so với năm 2022 - thời điểm giá dầu cao thúc đẩy đà tăng trưởng ở các nước xuất khẩu dầu mỏ.

 

Đối với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), WB hạ dự báo tăng trưởng GDP của khối này trong năm 2024 xuống còn 2,8%, thấp hơn mức dự báo 3,6% đưa ra trước đó. Tuy nhiên, WB nâng dự báo tăng trưởng của GCC trong năm 2025 từ 3,8% lên 4,7% do kỳ vọng về hoạt động mạnh mẽ của khu vực phi dầu mỏ và các mức cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện sẽ giảm dần vào cuối năm nay.

Trong khi hạ dự báo tăng trưởng của Saudi Arabia năm 2024 từ 4,1% xuống 2,5%, WB nâng dự báo tăng trưởng của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) từ 3,7% lên 3,9%.  Đối với Ai Cập  - quốc gia chịu ảnh hưởng khá nặng nề từ cuộc xung đột ở Gaza và căng thẳng ở Biển Đỏ, WB hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong tài khóa 2023-2024 từ 3,5% xuống 2,8%. Tài khóa 2024-2025, kinh tế Ai Cập được dự báo sẽ tăng trưởng 4,2%, cao hơn mức dự báo 3,9% đưa ra trước đó.

Theo WB, hầu hết các hoạt động kinh tế ở Dải Gaza đã đình trệ, theo đó GDP ghi nhận mức giảm tới 86% trong quý IV/2023. Kinh tế của Bờ Tây cũng rơi vào suy thoái do khủng hoảng xảy ra đồng thời ở cả khu vực công và tư nhân. Tác động kinh tế của cuộc xung đột Gaza đối với phần còn lại của MENA vẫn "tương đối hạn chế, nhưng sự không chắc chắn đã gia tăng".

Liên quan căng thẳng ở Biển Đỏ, WB cho rằng ngành hàng hải thế giới đã phải đối mặt với những cú sốc do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen, khiến các hãng vận tải biển chuyển hướng khỏi Biển Đỏ. Tuy nhiên, bất kỳ sự gián đoạn kéo dài nào đối với hoạt động vận chuyển qua Kênh đào Suez có thể làm tăng giá hàng hóa trong khu vực và trên toàn cầu.

Báo cáo của WB cũng cảnh báo gánh nặng nợ ngày càng lớn ở khu vực MENA, chủ yếu tại các nước nhập khẩu dầu, đồng thời nêu bật những thách thức kinh tế đối với các nước xuất khẩu dầu trong khu vực do những thay đổi về cơ cấu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu và nhu cầu ngày càng tăng đối với các nguồn năng lượng tái tạo.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục