WB cảnh báo quá trình phát triển ở những nước nghèo nhất

07:20' - 16/04/2024
BNEWS Lần đầu tiên trong thế kỷ này có đến một nửa trong số 75 quốc gia nghèo nhất thế giới có khoảng cách thu nhập ngày càng tăng so với các nền kinh tế giàu có nhất.

Ngày 15/4, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cho thấy lần đầu tiên trong thế kỷ này có đến một nửa trong số 75 quốc gia nghèo nhất thế giới có khoảng cách thu nhập ngày càng tăng so với các nền kinh tế giàu có nhất. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo quá trình phát triển ở những quốc gia nghèo nhất có nguy cơ bị đảo ngược.

 

Theo báo cáo, khoảng cách về tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người giữa các nước nghèo nhất và giàu nhất đã ngày càng gia tăng trong 5 năm qua. Chuyên gia kinh tế Ayhan Kose của WB, đồng thời là một trong những tác giả của báo cáo cho rằng đây lần đầu tiên WB chứng kiến những nước nghèo nhất ngày càng nghèo hơn. Thế giới đang trải qua sự suy thoái cấu trúc nghiêm trọng khiến WB phải gióng hồi chuông cảnh báo về nguy cơ đảo ngược quá trình phát triển.

Báo cáo cho biết quá trình phát triển của 75 quốc gia đủ điều kiện nhận trợ cấp và các khoản vay không lãi suất từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) của WB có nguy cơ thụt lùi 1 thập kỷ nếu không có những thay đổi chính sách đầy tham vọng và viện trợ quốc tế đáng kể.

Theo ông Kose, tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia IDA đã bắt đầu giảm dần từ trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Biến đổi khí hậu, bạo lực và xung đột gia tăng cũng ảnh hưởng đến triển vọng của các nước này. Đến nay, khoảng 30% số quốc gia IDA nghèo hơn so với thời điểm trước dịch bệnh.

Theo báo cáo, hơn 50% số quốc gia IDA nằm ở khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi, 14 nước ở khu vực Đông Á và 8 nước ở Mỹ Latinh và Caribe. Có 31 quốc gia ghi nhận thu nhập bình quân đầu người dưới 1.315 USD/năm, trong đó có CHDC Congo, Afghanistan và Haiti. Các nước IDA chiếm 92% dân số trên thế giới không được tiếp cận đủ số lượng thực phẩm với giá cả phải chăng.

Khoảng 50% số quốc gia IDA đang gặp khó khăn về nợ nần, nghĩa là họ không có khả năng trả nợ hoặc nguy cơ cao không trả được nợ. Báo cáo cho biết bất chấp dân số trẻ ở những nước này, một lợi ích về nhân khẩu học khi mà dân số đang già đi ở hầu hết mọi nơi khác, tài nguyên thiên nhiên phong phú và tiềm năng năng lượng Mặt Trời dồi dào, nhưng các chủ nợ tư nhân và chính phủ vẫn quay lưng lại với họ.

Theo ông Kose, cần có những chính sách đầy tham vọng để tăng cường đầu tư ở những quốc gia này, trong đó có các nỗ lực trong nước nhằm tăng cường các chính sách tài chính và tiền tệ cũng như cải cách cơ cấu để cải thiện giáo dục và tăng thu nhập trong nước.

Ông Kose cho biết thêm sự hỗ trợ tài chính đáng kể từ cộng đồng toàn cầu cũng rất cần thiết để đạt được tiến bộ và giảm nguy cơ trì trệ kéo dài, đồng thời lưu ý rằng WB  hy vọng sẽ tăng cường bổ sung vốn cho IDA vào tháng 12 tới. Sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn về chống biến đổi khí hậu, tái cơ cấu nợ và các biện pháp hỗ trợ thương mại xuyên biên giới cũng sẽ rất quan trọng.

Nhà kinh tế trưởng Indermit Gill của WB cũng cho rằng thế giới không thể quay lưng lại với các nước IDA.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục