WEF: Các công ty lo ngại về khả năng kinh tế toàn cầu suy yếu kéo dài

20:38' - 19/05/2020
BNEWS Các khoản nợ dồn lại vì các gói giải cứu có thể làm suy yếu hệ thống tài chính của các chính phủ và doanh nghiệp, cũng như kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm.
Trong báo cáo được công bố ngày 19/5, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho biết tình trạng suy yếu kinh tế toàn cầu kéo dài cùng với số doanh nghiệp phá sản tăng mạnh do đại dịch COVID-19 là mối lo ngại lớn nhất đối với các công ty trên thế giới

WEF đã tiến hành khảo sát 347 nhà quản trị rủi ro doanh nghiệp về những mối quan ngại lớn nhất của họ trong 18 tháng tới, sau khi đại dịch COVID-19 làm đình trệ hoạt động sản xuất trên diện rộng và buộc các nước trên thế giới phải tung ra các gói cứu trợ quy mô lớn.

Những người tham gia khảo sát đã xác định nguy cơ có khả năng thành hiện thực nhất là thời kỳ suy thoái kéo dài, số công ty phá sản tăng vọt tỷ lệ thuận với các vụ mua bán-sáp nhập, cùng với tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ.

Bên cạnh đó, các khoản nợ dồn lại vì các gói giải cứu có thể làm suy yếu hệ thống tài chính của các chính phủ và doanh nghiệp, cũng như kéo chậm đà tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tình trạng suy thoái trên một quy mô chưa từng thấy kể từ cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930 đang buộc chính phủ các nước phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để đảm bảo sự phục hồi kinh tế kịp thời, cũng như tạo đà tăng trưởng theo hướng "lành mạnh hơn".

Ngoài ra, báo cáo của WEF cũng cho thấy các nhà quản trị quan ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng thứ hai của dịch COVID-19, bên cạnh những mối đe dọa khác như tấn công mạng và lừa đảo khi họ đang chuyển dịch hoạt động lên môi trường trực tuyến.

Trao đổi với báo giới, Giám đốc điều hành WEF Saadia Zahidi cho biết, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm bộc lộ những bất cập trong quá khứ. Song bà cũng nhận định cuộc khủng hoảng này là có một cơ hội đặc biệt mà thế giới có thể tận dụng để xây dựng lại nền kinh tế theo hướng tốt hơn, bền vững hơn, kiên cường và toàn diện hơn. 

Hồi tháng Một, khi dịch COVID-19 mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc và chưa lan rộng ra thế giới, báo cáo rủi ro hằng năm của WEF cho thấy biến đổi khí hậu là mối lo ngại lớn nhất đối với các công ty trong 10 năm tới. Tuy nhiên, báo cáo cũng đề cập tới những lo ngại về việc hệ thống y tế trên khắp thế giới không được chuẩn bị tốt để ứng phó với một đại dịch./.

>>>Điều tồi tệ nhất đối với kinh tế Nhật Bản vẫn đang ở phía trước

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục