WHO cảnh báo tình trạng thiếu thuốc kháng sinh mới trên toàn cầu

12:42' - 21/09/2017
BNEWS WHO cảnh báo thế giới đang thiếu nghiêm trọng các loại thuốc kháng sinh mới được bào chế để đối phó với các mối đe dọa ngày càng lớn của tình trạng vi khuẩn kháng lại thuốc kháng sinh.

Tổ chức  Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các chính phủ và các doanh nghiệp khẩn cấp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) các loại thuốc kháng sinh mới.

Theo báo cáo công bố ngày 20/9 của WHO, hầu hết các loại thuốc hiện nay trong các phòng thí nghiệm đều là phiên bản cải tiến của các loại kháng sinh đã có, và chỉ là các giải pháp ngắn hạn, tức là có rất ít dược phẩm hiệu quả trong điều trị các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn có khả năng kháng lại thuốc kháng sinh.

WHO cho biết tình trạng vi khuẩn kháng thuốc là nguy cơ lớn nhất đe dọa sức khỏe con người. Thống kê chính thức cho thấy riêng vi khuẩn lao kháng thuốc mỗi năm đã cướp đi sinh mạng của 250.000 người trên phạm vi toàn cầu.

Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận tình trạng kháng lại thuốc kháng sinh là một vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu, sẽ hủy hoại nghiêm trọng những tiến bộ của nền y học hiện đại.

Thực tế này đòi hỏi các nước tăng đầu tư vào R&D thuốc kháng sinh mới. Ông cũng cảnh báo nếu không hành động kịp thời, nhân loại sẽ trở lại thời kỳ vô cùng nguy hiểm trước đây, khi chỉ các vết thương nhỏ hay các nhiễm trùng thông thường cũng có thể dễ dàng cướp đi sinh mạng của con người.

Theo báo cáo trên, 51 loại kháng sinh mới đang trong quá trình nghiên cứu lâm sàng để điều trị các mầm bệnh kháng thuốc kháng sinh, nhưng chỉ có 8 loại được WHO xếp vào hàng các thuốc điều trị tiên tiến có thể góp phần gia tăng giá trị của kho thuốc kháng sinh hiện nay.

WHO cho biết hiện có rất ít các loại kháng sinh sử dụng bằng đường uống đang được nghiên cứu, dù đây là cách đơn giản nhất để điều trị các bệnh nhân tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế thiếu trang thiết bị, chủ yếu ở các nước nghèo.

Hiện WHO đang phối hợp với nhiều quốc gia và đối tác để cải thiện công tác phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm. WHO cũng đồng thời cảnh báo cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng đúng cách các loại thuốc kháng sinh hiện có ở cả người và động vật. Tuy nhiên, chi phí cho các nghiên cứu bào chế các dòng kháng sinh mới không rẻ chút nào. 

Theo Tiến sĩ Mario Raviglione, Giám đốc Sáng kiến lao phổi toàn cầu của WHO, mỗi năm thế giới cần có hơn 800 triệu USD để tài trợ cho các chương trình nghiên cứu thuốc kháng virus lao phổi.

Hiện mới chỉ có các nước Germany, Luxembourg, Hà Lan, Nam Phi, Thụy Sĩ và Anh đã cam kết đầu tư hơn 67 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu này./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục