WTO: Nhiều dấu hiệu phục hồi khả quan của thương mại thế giới

09:04' - 11/04/2024
BNEWS WTO dự báo tăng trưởng thương mại thế giới có thể đạt 2,6% trong năm nay và 3,3% vào năm 2025.

Nhật báo Les Echos cho biết áp lực lạm phát liên quan đến giá năng lượng tăng cao sau xung đột ở Ukraine đã làm giảm nhu cầu sản xuất sản phẩm của châu Âu. Thương mại toàn cầu năm ngoái đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu phục hồi hứa hẹn một tương lai sáng sủa hơn.

 

Lần đầu tiên kể từ năm 2020 khi giảm 5%, thương mại thế giới lại chìm trong sắc đỏ vào năm ngoái. Nếu tính về khối lượng, thương mại giảm 1,2% theo số liệu được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 10/4.

Một năm trước đó, tổ chức này dự kiến tăng trưởng 1,7% trước khi giảm xuống 0,8% vào tháng 10 năm ngoái. Sự sụt giảm trong thương mại thậm chí còn ngoạn mục hơn về mặt giá trị. Tính bằng USD, kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình toàn cầu giảm 5% vào năm 2023, đạt 24.010 tỷ USD.

Châu Âu phải chịu trách nhiệm phần lớn về thành tích kém cỏi này do phải chịu hậu quả của xung đột tại Ukraine. Điều này hầu như không có gì đáng ngạc nhiên vì các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) chiếm 37% thương mại thế giới. Mặt khác, nếu xét về mặt giá trị, xuất khẩu của châu Âu tăng thêm 2% thì nhập khẩu lại giảm 14%.

Nhà kinh tế trưởng của WTO, Ralph Ossa, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Tư: “châu Âu đã giảm 1,7 điểm phần trăm về tăng trưởng nhập khẩu toàn cầu và giảm 1 điểm phần trăm tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu”.

Cuộc xung đột ở Ukraine và hậu quả lạm phát của nó đã ảnh hưởng đến hoạt động thương mại của châu Âu. Giá tăng đã hạn chế nhu cầu tiêu dùng hàng hóa sản xuất, đặc biệt là những mặt hàng có hàm lượng nhập khẩu cao. Nó có tác động rõ rệt hơn đến thu nhập và tiêu dùng hộ gia đình ở các nước châu Âu do cú sốc năng lượng so với các nền kinh tế khác.

Các nhà kinh tế của WTO cũng lưu ý rằng mức tiêu thụ dịch vụ tăng lên sau đại dịch COVID-19, cũng làm chuyển hướng một số khoản chi tiêu trước đây vốn được dành cho sản xuất hàng hóa.

Ngoài ra, bất đồng thương mại giữa các nền kinh tế lớn cũng là một nguyên nhân hiển nhiên.

Nhìn về phía trước, WTO hết sức lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu. WTO dự báo tăng trưởng thương mại thế giới có thể đạt 2,6% trong năm nay và 3,3% vào năm 2025. Lạm phát sẽ giảm dần, cho phép thu nhập thực tế của hộ gia đình tăng trưởng trở lại ở các nền kinh tế phát triển.

Xu hướng này sẽ kích thích tiêu thụ các sản phẩm sản xuất. Ngay từ đầu năm đã có những dấu hiệu phục hồi. Theo WTO, nếu những dự báo này trở thành hiện thực, châu Á sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng thương mại vào năm 2024 và 2025.

Mặc dù vậy, WTO vẫn cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn của sự bấp bênh, thiếu ổn định, do những căng thẳng địa chính trị hiện nay. Cuộc xung đột ở Trung Đông đã làm chệch hướng các tuyến hàng hải giữa châu Âu và châu Á. Bất đồng gia tăng giữa các nền kinh tế lớn có thể dẫn đến sự phân mảnh thương mại lớn hơn.

Hơn nữa, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ có thể làm tổn hại đến sự phục hồi của thương mại thế giới. Do đó thế giới đang đối mặt với một tương lai có thể sáng sủa hơn, nhưng không chắc chắn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục