Nâng cao năng lực ứng phó phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp

15:52' - 10/04/2024
BNEWS Việc gia nhập sâu vào sân chơi thương mại toàn cầu mở ra nhiều cơ hội thị trường cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên trong bối cảnh bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trở thành đối tượng của các vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Đây là thông tin được các chuyên gia cảnh báo tại Hội thảo “Nâng cao năng lực ứng phó với rào cản phòng vệ thương mại trong bối cảnh bảo hộ thương mại gia tăng” do Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp Viện Nghiên cứu Phát triển Tp. Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 10/4.

Bà Đỗ Thị Sa, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và cảnh báo, Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Ông Huỳnh Minh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập quốc tế Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Việt Nam đã hội nhập rất nhanh vào nền kinh tế quốc tế kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó có các FTA thế hệ mới có quy mô thị trường rộng lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Việc tham gia các FTA tạo điều kiện để hàng hoá Việt Nam thâm nhập vào các thị trường thế giới. Tuy nhiên, song song với việc hiện diện ở nhiều quốc gia thì hàng hoá Việt Nam cũng gặp nhiều rào cản phòng vệ thương mại từ các nhà nhập khẩu.

“Trong thương mại quốc tế, phòng vệ thương mại là một trong những công cụ mà các quốc gia áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa của mình. Giai đoạn hiện nay khi lạm phát gia tăng, nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn suy giảm nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Chính vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại để giảm thiểu rủi ro”, ông Huỳnh Minh Vũ nêu nhận định.

 

Ông Phùng Gia Đức, Phó trưởng phòng Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại cho biết: Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Cụ thể, giai đoạn 2001-2011 là 50 vụ, giai đoạn 2012-2022 có 172 vụ (tăng gần 3,5 lần).

Riêng trong năm 2023 đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc đang trong quá trình điều tra, hoặc thuộc diện rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ… Tính đến hiện tại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 247 vụ việc điều tra liên quan đến phòng vệ thương mại.

Ông Diệp Bảo Cánh, Giám đốc Công ty sản xuất Pin năng lượng mặt trời Red Sun chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo. Ảnh: Xuân Anh -TTXVN

Xu hướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam những năm gần đây tập trung vào các vụ việc, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Riêng năm 2022, Hoa Kỳ khởi xướng 11/35 vụ việc điều tra lẩn tránh với Việt Nam (gần 1/3 tổng số vụ việc điều tra lẩn tránh thuế của nước ngoài với Việt Nam từ trước tới nay).

Ngoài ra, thị trường điều tra ngày càng mở rộng, hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng nhanh hay Mexico cũng bắt đầu điều tra do việc thực thi các FTA dẫn đến xuất khẩu tăng mạnh, cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.

Theo ông Phùng Gia Đức, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng. Hiện các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời… mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, giấy bọc thuốc lá, ghim dập... Đặc biệt, xu hướng điều tra phòng vệ thương mại cũng ngày một khắt khe và phức tạp hơn. Cụ thể, các vụ việc điều tra yêu cầu cao hơn đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra như về thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung thông tin, khó xin gia hạn, thay đổi tiền lệ trong việc xác định xuất xứ.

Trước xu thế phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, Cục Phòng vệ thương mại thường xuyên cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh và phòng ngừa nguy cơ. Theo đó, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của gần 40 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo khoảng 18 mặt hàng (đã có các sản phẩm bị điều tra như gỗ dán, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, tủ gỗ, pin mặt trời, ghim dập…).

Ông Tô Thái Ninh, Trưởng phòng Phòng Điều tra Bán phá giá và Trợ cấp, Cục Phòng vệ thương mại thông tin: Điểm khác biệt lớn nhất của vụ điều tra phòng vệ thương mại với các vụ kiện lĩnh vực khác đó là bị đơn trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại phải có nghĩa vụ chứng minh mình không vi phạm các cáo buộc của bên khởi kiện. Nếu không chứng minh được thì mặc định bị bên khởi kiện áp thuế theo suy diễn của họ.

Theo ông Tô Thái Ninh, nếu bị áp thuế cao, doanh nghiệp, ngành hàng sẽ bị mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu do không cạnh tranh được với các đối thủ. Phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực phòng vệ thương mại còn hạn chế, không đủ kinh nghiệm và nguồn lực để theo đuổi các vụ điều tra. Trong khi đó, các quy định điều tra phòng vệ thương mại thường khắt khe, yêu cầu cung cấp lượng thông tin lớn, thời gian chuẩn bị ngắn.

Do đó, khi vướng vào các vụ điều tra phòng vệ thương mại, mấu chốt quan trọng nhất để giải quyết vụ việc là doanh nghiệp phải chủ động hợp tác đầy đủ, chặt chẽ với cơ quan điều tra ngay từ đầu; bám sát quy trình điều tra, cơ quan điều tra; đoàn kết trong hiệp hội, ngành hàng để bày tỏ quan điểm, ý kiến; phối hợp với các cơ quan Nhà nước như Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại nhằm cung cấp các bằng chứng có lợi nhất mình.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Diệp Bảo Cánh, Giám đốc Công ty sản xuất Pin năng lượng mặt trời Red Sun, chia sẻ: Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và đã xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ từ năm 2010, trước khi Hoa Kỳ phát động đánh thuế với PV module từ Trung Quốc (2015).

Tuy nhiên, năm 2022 Hoa Kỳ khởi xướng điều tra về lẩn tránh thuế với PV module từ Việt Nam, Red Sun cũng nằm trong phạm vi điều tra với cáo buộc sử dụng các bộ phận và linh kiện được sản xuất tại Trung Quốc đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ.

Để chứng minh không vi phạm các cáo buộc của phía Hoa Kỳ, Red Sun đã phải tốn khá nhiều thời gian và chi phí thuê luật sư. Bài học rút ra dành cho doanh nghiệp là khi tiếp nhận thông tin điều tra cần tìm hiểu kỹ và chuẩn bị đầy đủ các thông tin, chứng từ liên quan.

Hoàn thành các yêu cầu về điều tra như bảng câu hỏi và nộp các chứng cứ liên quan trước thời hạn quy định, ít nhất từ 1- 2 ngày và đảm bảo đã nộp thành công. Thường xuyên cập nhật và hợp tác đầy đủ trong việc xử lý các yêu cầu liên quan khác. Nếu vẫn thuộc diện điều tra sau khi thực hiện các yêu cầu thì tiến hành kháng cáo và liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại để được hỗ trợ.

“Nội bộ doanh nghiệp phải có nhân viên chuyên môn tiếp nhận thông tin vụ việc, có hệ thống số liệu được lưu trữ cẩn thận, sắp xếp khoa học có thể cung cấp bất cứ lúc nào khi cần. Khi bị điều tra, nên có luật sư chuyên nghiệp, không chủ quan tự làm để tránh thiếu sót hoặc chậm trễ thời hạn quy định. Song song đó, tham gia các hiệp hội ngành hàng, liên hệ thường xuyên với cơ quan chuyên môn để trao đổi và nhờ hỗ trợ khi cần thiết”, ông Diệp Bảo Cánh khuyến nghị.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục