Xã hội hóa để phát triển hạ tầng sân bay

18:02' - 06/12/2018
BNEWS Hầu hết lượng khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không, nếu thị trường hàng không không đủ tính cạnh tranh, việc sụt giảm khách du lịch là tất yếu.

Theo ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân, ngành du lịch đã tăng trưởng 2 lần trong nhiều năm qua đóng góp 7,5% GDP và đóng góp gián tiếp 22,5% GDP của Việt Nam. Nhưng trong 42 năm, Việt Nam chỉ xây dựng thêm 2 sân bay mới.

Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt . Ảnh:ViEF

Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt cho hay, từ năm 1975 đến nay, Việt Nam mới chỉ xây mới hoàn toàn và đưa vào hoạt động duy nhất sân bay Phú Quốc , sắp tới thêm một sân bay là Vân Đồn. Còn lại, các sân bay khác đều được cải tạo từ sân bay quân sự cũ với quỹ đất hạn chế, khả năng mở rộng thấp.

“Đến nay, Việt Nam mới có 21 sân bay như vậy tổng công suất phục vụ của các sân bay là 75 triệu khách mỗi năm, chỉ bằng một sân bay Suvarnabhumi của Thái Lan hay Changi của Singapore. Đây là những con số đáng lo ngại. Trong khi đó, năm 2017, hệ thống sân bay phục vụ 95 triệu khách trên thực tế và dự kiến năm nay sẽ là 105 triệu khách. Đó là lý do các sân bay Tân Sơn Nhật, Nội Bài... luôn nằm trong tình trạng quá tải kéo dài trong khi việc cải tạo sân bay lại quá chậm. Giao thông quanh khu vực sân bay cũng vì vậy mà bị quá tải. Điều này tạo hình ảnh xấu cho ngành du lịch Việt Nam", ông Lương Hoài Nam nói thêm.

Hầu hết lượng khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không, nếu thị trường hàng không không đủ tính cạnh tranh, việc sụt giảm khách du lịch là tất yếu. Việt Nam dù thực hiện chính sách tự do hàng không nhưng vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Việt Nam mới có ba hàng hàng không phục vụ vận chuyển du lịch, điều này dường như là chưa đủ. Trong khi đó, việc xin giấy phép hoạt động hàng không ở Việt Nam rất khó, quá trình cấp phép rất lâu. Ông Nam nói thêm.

Ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân. Ảnh: Thùy linh/BNEWS/TTXVN

Về vấn đề này, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết so với một số nước du lịch phát triển như Thái Lan thì số hãng hàng không của Việt Nam hiện chỉ bằng một phần ba, chưa nói đến chất lượng phục vụ. Do đó, ông cho rằng Việt Nam nên tạo cơ hội phát triển thêm nhiều hãng hàng không mới. Việc cấp phép cho Bamboo là một ví dụ điển hình cho thấy chính phủ đã mở cửa cho các hãng hàng không mới. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt cho người dân trong nước và khách du lịch tới Việt Nam.

Việt Nam hiện giữ tỷ lệ cho doanh nghiệp nước ngoài sở hữu trong doanh nghiệp hàng không tương đối thấp so với các nước trong khu vực, chỉ khoảng 30%. Trong khi một số nước đã nới tới 100% như Campuchia hay Myanmar là 49%. Theo ông Kiên, tỷ lệ này nên được mở rộng hơn để tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường.

Đưa ra đề xuất khắc phục vấn đề này, ông Lương Hoài Nam cho rằng Nhà nước nên khuyến khích, tạo điều kiện xã hội hóa hạ tầng sân bay tại Việt Nam, để khối tư nhân tham gia vào việc xây dựng và khai thác ngành hàng không, xây mới sân bay để đẩy nhanh tốc độ phát triển ở lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Ông Tony Fernandes, người sáng lập kiêm Tổng giám đốc Hãng hàng không giá rẻ AirAsia cũng chia sẻ, tại Malaysia có sân bay dành riêng cho giá rẻ, hoặc nhà ga cho hàng không giá rẻ, thi công nhanh quy vòng vốn cao, xây nhanh thì đơn giản và hiệu quả. Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất về du lịch, hơn nữa Việt Nam lại có nhiều tiềm năng về du lịch. Vì vậy, Việt Nam nên xây thêm nhà ga, sân bay có chi phí thấp. Đây sẽ là hướng đi tạo bước nhảy vọt cho Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục