Xác định các trụ cột phát huy thế mạnh nông nghiệp

18:39' - 03/01/2024
BNEWS Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ngành nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ lúng túng, bị động, bất ngờ, sang chủ động, tự tin, sáng tạo để vượt qua thách thức và đạt kết quả cao.

Xác định các ngành hàng trụ cột, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, xây dựng vùng nguyên liệu lớn để thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, sản xuất phù hợp với thị trường, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, sinh thái… là hướng đi của nhiều địa phương đã chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 3/1. Hội nghị có sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao ngành nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ lúng túng, bị động, bất ngờ, sang chủ động, tự tin, sáng tạo để vượt qua thách thức và đạt kết quả cao. Chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công ở một số ngành hàng như: rau quả, lúa gạo… để lập kỷ lục mới. Vai trò, vị thế ngành nông nghiệp ngày càng được khẳng định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành tập trung đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Coi đây là động lực phát triển nông thôn sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC. Các địa phương cũng cần có kế hoạch tạo sinh kế cho người dân, chuyển đổi nghề, giáo dục pháp luật đến ngư dân vì lợi ích của chính ngư dân, cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ với quốc gia, quốc tế.

Nhìn về sản xuất lúa gạo, ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam cho rằng, ngành nông nghiệp vẫn nợ hai vấn đề là: thu nhập của nông dân còn quá thấp và nợ môi trường khi phát thải khí nhà kính còn cao.

Nhưng Việt Nam đã có Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Vì vậy đề án sẽ giải quyết được hai vấn đề trên. Đây cũng là đề án được các nước, tổ chức quốc tế rất ngưỡng mộ.

Ông Bùi Bá Bổng nêu: “Dư luận có đặt câu hỏi: đề án liệu có quá tham vọng hay liệu có khả thi không? Theo tôi, đề án hoàn toàn khả thi”.

Ông Bùi Bá Bổng lý giải, hiện Việt Nam đã sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến trong sản xuất, có bộ giống lúa rất tốt. Các kỹ thuật sản xuất lúa, Việt Nam đạt trình độ tiên tiến; sản phẩm đã xuất khẩu được các thị trường khó tính nhất. Hạ tầng sản xuất lúa cũng rất tốt, đảm bảo có thể sản xuất giảm phát thải.

Tuy nhiên, điều mà ông Bùi Bá Bổng cho rằng cần khắc phục trong sản xuất lúa gạo là liên kết sản xuất còn yếu; cả liên kết nông dân với nông dân và liên kết nông dân với doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm thí điểm thị trường tín chỉ carbon trong sản xuất lúa gạo, không nên để khi đối tác có nhu cầu mua thì ngành mới xây dựng văn bản hướng dẫn.

Là địa phương có nhiều mặt hàng nông nghiệp thế mạnh nhất nhì cả nước như: cà phê, sầu riêng, hồ tiêu…, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo 3 trụ cột là: bảo tồn, bền vững và an sinh. Trong số này, để sản xuất bền vững, Đắk Lắk tập trung 4 tăng: tăng kiểm soát hóa chất với việc giảm phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; tăng cây trồng xen, độ phủ thảm thực vật; tăng hiệu quả tưới tiết kiệm; tăng chuỗi liên kết nông dân – doanh nghiệp.

Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, Đắk Lắk đề ra 4 giải pháp: nâng cao tư duy, nhận thức cho người dân; có giải pháp tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng; áp dụng, triển khai sâu rộng công nghệ mới; tổ chức lại chuỗi sản xuất theo hướng lấy doanh nghiệp làm hạt nhân.

Từ địa phương có diện tích rừng lớn nhất cả nước, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, việc sử dụng, bảo vệ, phát triển rừng đạt nhiều kết quả tích cực. Các giải pháp về nông nghiệp được Nghệ An đưa ra chủ yếu liên quan tới bảo vệ, phát triển toàn diện rừng tự nhiên, gắn với sinh thái theo hướng khai thác dịch vụ du lịch, tín chỉ carbon...

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Văn Đệ đề xuất, tỉnh được kinh doanh tín chỉ carbon. Tỉnh đầu tư thâm canh trồng rừng, chuyển đổi nhanh rừng trồng nguyên liệu dăm gỗ sang kinh doanh gỗ lớn, ứng dụng công nghệ cao; tập trung chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ; tăng cường quảng bá, thu hút mạnh đầu tư vào Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ.

Là tỉnh có tiềm năng phát triển kinh tế biển, nhưng cũng chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã chủ động xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp sinh thái, có hiệu quả kinh tế cao.

Theo ông Lê Văn Sử, Cà Mau đã xây dựng được 30 điểm du lịch nông thôn, gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong số đó chủ yếu nằm ở 2 khu vực là lúa tôm và rừng ngập mặn. Gần đây nhất, tỉnh phát triển thêm mô hình phát triển thủy sản tại vùng bán đảo Cà Mau.

Vừa qua, Cà Mau tổ chức thành công Festival tôm gắn với diễn đàn OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cũng trong tháng 7/2023, nhân hội nghị tôm toàn cầu, tỉnh đã đón 80 nhà mua tôm quốc tế đến khảo sát, tham quan các vùng nuôi.

“Bạn bè quốc tế đến với Cà Mau không phải vì chúng tôi có sản lượng nuôi tôm lớn mà bởi những mô hình thích ứng tạo ra sản phẩm xanh, chất lượng, thích ứng biến đổi khí hậu và đã đạt nhiều tiêu chuẩn quốc tế”, ông Sử cho biết.

Ông Lê Văn Sử cho biết, tỉnh tiếp tục gia tăng diện tích nuôi tôm đạt các chứng nhận quốc tế, đồng thời mở rộng, hoàn thiện chuỗi du lịch gắn với tái tạo nguồn lợi biển.

Kiên định với cách tổ chức chuỗi giá trị gắn kết từ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến lớn, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, nông nghiệp địa phương đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu nông sản. Tỉnh tập trung vào hai lĩnh vực chính là trồng trọt (cây ăn quả, cà phê, sắn…) và chăn nuôi với đàn bò sữa.

Minh chứng sau 3 năm xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) đã đi vào hoạt động khá hiệu quả. Do đó, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển vùng nguyên liệu để thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, nhất là đầu tư nhà máy chế biến nông sản, ông Nguyên Văn Công cho hay.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông, lâm, thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng.

Năm 2024, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,5%.  Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD.

Theo đó, ngành tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đồng thời, định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục