Xăng giảm 4 lần, cước vận tải khó giảm theo

16:07' - 20/08/2015
BNEWS Theo thông tin từ Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội, với mức giảm giá xăng như 4 lần vừa qua với tổng cộng 2.200 đồng/lít, hiện chưa có doanh nghiệp taxi nào có ý định giảm giá cước. Các doanh nghiệp vẫn đang cân nhắc mức giảm và chờ đợi tín hiệu tiếp theo từ thị trường xăng dầu.

Theo thông tin từ Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội, với mức giảm giá xăng như 4 lần vừa qua với tổng cộng 2.200 đồng/lít, hiện chưa có doanh nghiệp taxi nào có ý định giảm giá cước. Các doanh nghiệp vẫn đang cân nhắc mức giảm và chờ đợi tín hiệu tiếp theo từ thị trường xăng dầu.  

Ảnh minh họa (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Lý giải vấn đề này, đại diện doanh nghiệp taxi, ông Đinh Văn Sáu, chủ tịch Công ty Taxi Hương Lúa cho biết, hiện giá cước của Hương Lúa ở mức khá thấp là 10.200 đồng cho 20km đầu tiên, từ km thứ 21 trở đi, cước sẽ là 9.000 đồng. Ở 4 lần giá xăng tăng mạnh, doanh nghiệp vẫn không tăng giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Vì vậy, ở lần giảm giá này, doanh nghiệp cũng không có tín hiệu tăng giá. Thời gian tới, nếu giá xăng dầu có mức giảm tiếp tục khoảng 700-800 đồng/lít, taxi Hương Lúa sẽ cân đối chi phí để giảm giá cước vận tải. 

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Công ty Taxi Nguyên Minh cho biết, doanh nghiệp cũng chưa có động thái giảm giá cước sau khi giá xăng giảm vừa qua. So với những lần tăng giá mạnh tổng cộng 5.000 đồng/lít, thì mức giảm giá xăng tổng cộng hơn 2.000 đồng/lít vẫn là thấp. Thêm nữa, việc điều chỉnh cước cũng rất tốn kém: từ điều chỉnh đồng hồ, đăng ký kê khai giá… sẽ mất khoảng 1 triệu đồng/xe. Hiện nay, đơn vị đang cân nhắc mức giảm khoảng 500 đồng/km. Công ty tiếp tục chờ đợi thông tin thêm về giá xăng dầu thời gian tới, nếu có động thái giảm mạnh tiếp theo, doanh nghiệp sẽ tiến hành giảm giá cước.  

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, thực hiện điều chỉnh giá cước phải tính theo chu kỳ và dựa trên mức biến động mạnh của giá xăng dầu. Hơn nữa, hiện các doanh nghiệp vẫn đang phải gánh trên vai nhiều chi phí như giá điện, bến bãi, cầu đường...  

Một xe khách chạy tuyến Mỹ Đình-Hà Tĩnh phải chịu chi phí qua các trạm BOT lên tới 20 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền lớn trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay. Vì vậy, việc giá xăng giảm liên tục sẽ giúp giảm áp lực chi phí đầu vào lên doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ chưa giảm giá cước ngay, mà cân nhắc mức giảm của giá xăng trong những kỳ tới, nếu đủ mạnh, sẽ tiến hành điều chỉnh giá cước./.      

Đức Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục