Xanh hóa logistics: Không theo kịp sẽ bị bỏ lại trong tương lai

08:01' - 01/01/2025
BNEWS Phóng viên TTXVN đã trao đổi với PGS. TS Tạ Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thích ứng nhanh với logistics xanh.

Hiện nay, logistics xanh đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong quá trình xanh hóa chuỗi cung ứng và hướng đến phát triển bền vững. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngày càng ưu tiên những sản phẩm và dịch vụ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, từ đó thúc đẩy sự quan tâm đến logistics xanh. Tuy nhiên, quá trình xây dựng hệ sinh thái logistics xanh hướng đến chuỗi cung ứng bền vững vẫn gặp những hạn chế, cả về nhận thức lẫn hành động. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Tạ Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế quốc dân về xu hướng và giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp logistics Việt Nam chủ động và thích ứng nhanh với logistics xanh.

Phóng viên: Xin ông cho biết, xu hướng chuyển đổi xanh có tác động thế nào tới ngành logistics Việt Nam?

PGS. TS Tạ Văn Lợi: Thế giới có những xu hướng chuyển đổi xanh, đặc biệt châu Âu đưa ra các tiêu chí rất cao đối với trách nhiệm của các quốc gia trong việc có trách nhiệm bảo vệ cũng như xanh hóa hoạt động sản xuất, hoạt động sinh hoạt con người. Theo cam kết COP 26 thì đến năm 2050 Việt Nam sẽ đạt Netzero nên chuyển đổi xanh là tất yếu với nền kinh tế Việt Nam và tất nhiên tác động nhanh, mạnh tới ngành logistics Việt Nam. Với lộ trình và xu hướng như thế, ngành logistics phải chuyển đổi sang xanh hóa trên hai góc độ. Một là hệ thống cơ sở hạ tầng phải xanh hóa, trong đó là phương tiện giao nhận vận tải, hệ thống xây dựng phục vụ cho vận chuyển của con người cũng như hàng hóa. Hai là dịch vụ đi kèm từ dịch vụ bao gói, dịch vụ kê khai hải quan hay dịch vụ thuộc lĩnh vực logistics.

Mức độ tác động cũng sẽ tăng theo 2 mốc quan trọng là năm 2030 cam kết sẽ giảm 30% khí metan và năm 2050 sẽ đạt Netzero. Vì vậy, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ không ủng hộ những dự án, nhiên liệu, phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đồng thời, những phương pháp về bao gói, vận chuyển… phải hướng sử dụng loại không ảnh hưởng đến môi trường. Đối với doanh nghiệp cũng như các nhà cung ứng về logistics xanh cũng dần chuyển đổi các phương thức, liên kết với nhau để đạt được tiêu chuẩn của châu Âu đặt ra.

Phóng viên: Vậy theo ông, đâu điểm nghẽn đối với các doanh nghiệp logistics trong quá trình chuyển đổi xanh?

PGS. TS Tạ Văn Lợi: Hiện có gần một triệu doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics khoảng 82.000 - 83.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp làm dịch vụ giao nhận, còn ở các dịch vụ khác để doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi logistics quốc tế thì chưa nhiều. Trước đây, Việt Nam cũng xây dựng các doanh nghiệp như Vinashin, Vinalines để tham gia vào chuỗi logistics ở cấp độ quốc tế song chưa thành công, dẫn đến doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ đối diện với ba cản trở chính là vốn, kinh nghiệm quản lý và đặc biệt là công nghệ chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu sự liên kết trong việc thực hiện xanh hóa lĩnh vực logistics.

Phóng viên:Thưa ông, ngành logistics Việt Nam nên bắt đầu như thế nào để bước chân vào xu thế chuyển đổi này một cách bền vững?

PGS. TS Tạ Văn Lợi: Khi nói đến bất kỳ sự chuyển đổi nào thì phải đồng bộ từ nhà nước đến doanh nghiệp, trong đó những nội dung cơ bản cần tập trung cho việc chuyển đổi xanh lĩnh vực logistics. Đầu tiên, chiến lược chuyển đổi xanh của ngành logisctis phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2030 và tầm nhìn 2045 theo khát vọng của doanh nghiệp Việt Nam. Thứ hai là kế hoạch và cách triển khai có lộ trình, đặc biệt có biện pháp đột phá mạnh mẽ, trong đó đột phá về đổi mới sáng tạo chuyển đổi xanh ngành logistics như phát triển mạnh phương thức và hạ tầng giao thông tự nhiên về thủy nội địa, kết hợp mô hình logistics city 4 tầng gồm tầng dưới ngầm quy hoạch nước ngầm, nước thải; tầng ngầm là các phương tiện metro, đường ống…; tầng mặt đất là giao thông đường bộ, thủy tầng; trên không gồm sky train và hàng không. Thậm chí, cần ban hành tiêu chí cho các đô thị mới và các thành phố mới thống nhất trên cả nước. Còn địa phương sẽ phát triển dần theo năng lực và nhu cầu. Tuy nhiên phải có quy hoạch trước, tránh tình trạng lộn xộn thiếu tầm nhìn, chủ yếu quy hoạch tầng mặt đất và không gian trên mặt đất.

Tiếp theo là phát triển mạnh công nghệ xanh về nguyên liệu, vật liệu… trong ngành logistics như chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng sạch hydro, năng lượng mặt trời…; phát triển các công nghệ chế tạo bao bì như nylon làm từ bột cám, bột ngô, dây đay thay cho dây nilon… Và cuối cùng là cần ban hành những chính sách về mua sắm xanh, vận chuyển xanh, dịch vụ xanh… đồng bộ với chuyển đổi xanh logistics.

Phóng viên: Để thúc đẩy phát triển logistics xanh, ngành logistics Việt Nam cần những giải pháp như thế nào, thưa ông?

PGS. TS Tạ Văn Lợi: Bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ cơ quan nhà nước, Hiệp hội Logistics cần triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành logistics, trong đó nghiên cứu, tư vấn và đệ trình các kiến nghị chuyển đổi xanh cho các cơ quan ban ngành và Chính phủ chỉ đạo điều hành; tăng cường tổ chức tuyên truyền, quảng bá về chuyển đổi xanh ngành logistics và hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết, kết nối về giao thương, về công nghệ … chuyển đổi xanh ngành logistisc.

Đối với doanh nghiệp, cần rà soát, xây dựng hoặc điều chỉnh chiến lược chuyển đổi xanh hoạt động logistisc trên cơ sở điều kiện môi trường quốc tế và trong nước đang chuyển đổi xanh. Từng bước xây dựng tiêu chí kinh doanh, liên kết kinh doanh và về đối tác kinh doanh có chuyển đổi xanh nhằm duy trì sự phát triển đúng tầm nhìn và sự bền vững của doanh nghiệp, đồng thời dành vốn, công nghệ và nhân lực phù hợp thúc đẩy chuyển đổi xanh vì đó là xu thế tất yếu mà nếu không theo kịp sẽ bị bỏ lại và đóng cửa kinh doanh dịch vụ của mình trong tương lai.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục