Xây dựng các kịch bản điều hành giá phù hợp để kiểm soát lạm phát

20:03' - 13/10/2022
BNEWS Việc quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định từ đầu năm đến nay.
Tại hội nghị tiếp xúc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Định và các tổ chức thành viên trước thềm Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 13/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. 

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hơn 2 năm trải qua đại dịch COVID-19, kinh tế -xã hội gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt. 

Theo đó, về kiểm soát lạm phát, Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chủ động tính toán và dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá và đưa ra các giải pháp phù hợp để kiểm soát lạm phát.

Bộ trưởng cho biết, việc quản lý điều hành giá được thực hiện thận trọng, giá các mặt hàng nhà nước định giá cơ bản được giữ ổn định từ đầu năm đến nay như giá bán lẻ điện bình quân, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình giá dịch vụ sự nghiệp công.

Thời gian tới, trong quản lý, điều hành giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương từ nay đến hết năm 2022 cần chủ động triển khai các giải pháp đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 trong khoảng 4%.

Về chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế cho người dân và doanh nghiệp, theo Bộ trưởng, trong 9 tháng năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua một số chính sách giảm thuế, qua đó góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/2; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu lần 1 từ ngày 1/4và lần 2 về kịch khung thuế từ ngày 11/7…

“Việc giãn, giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí đã giúp doanh nghiệp có nguồn vốn quay vòng, vượt qua khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh”, người đứng đầu ngành Tài chính nói.

Thông tin thêm cho cử tri và nhân dân Bình Định, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, thời gian qua, Bộ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% tiết kiệm ngay từ khâu dự toán; đưa vào nền kinh tế gói hỗ trợ lên tới 347 nghìn tỷ đồng, trong đó, có 131 nghìn tỷ đồng đầu tư vào cơ sở hạ tầng; đầu tư vào y tế 14 nghìn tỷ đồng; 38 nghìn cho Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%; cho công nhân thuê nhà 6.600 tỷ đồng…

“Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ thành lập Quỹ Vắc xin phòng COVID-19, đã huy động được 11 nghìn tỷ đồng, cùng với ngân sách tiêm miễn phí cho toàn dân. Số dư hiện nay là hơn 3 nghìn tỷ đồng. Đây là rất thành công trong huy động các nguồn lực”, Bộ trưởng khẳng định. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, dự báo sắp tới, lạm phát trên thế giới sẽ tăng cao, do đó, Việt Nam sẽ tập trung nhiều giải pháp phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, giữ giá đồng tiền, đảm bảo đời sống của nhân dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. 

Về ý kiến cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm rà soát, điều chỉnh chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức, sớm nâng mức lương, tăng mức hỗ trợ cho đối tượng không chuyên trách; tăng chế độ phụ cấp và xem xét chính sách đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên ngành y tế, nhất là những người có kinh nghiệm, thâm niên trong ngành..., Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có giải đáp cụ thể.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới sẽ trình cấp có thẩm quyền thực hiện: từ 01/07/2023, tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%). Tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng ngân sách nhà nước đảm bảo khoảng 12,5% (cùng với mức điều chỉnh tăng 7,4% đã thực hiện năm 2022 thì cơ bản tương đương mức tăng lương cơ sở). Tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%. Từ ngày 1/1/2023, điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Nhân chuyến tiếp xúc cử tri của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại tỉnh Bình Định, Thời báo Tài chính Việt Nam và Trường Đại học Tài chính - Marketing đã trao tặng 100 triệu đồng cho Hội Khuyến học tỉnh Bình Định./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục