Xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 vốn đầu tư trên 5.000 tỷ đồng

15:47' - 19/08/2020
BNEWS Ngày 19/8, tại thành phố Vĩnh Long, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Long và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức thi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2.

Ngày 19/8, tại thành phố Vĩnh Long, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp UBND tỉnh Vĩnh Long và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức thi công xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 (thi công kết cấu phần dưới cầu chính dây văng cầu Mỹ Thuận 2). Dự án có tổng mức đầu tư 5.003 tỷ đồng; trong đó chi phí xây dựng và thiết bị là 3.389,6 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, tuyến đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã triển khai thi công và tuyến Mỹ Thuận-Cần Thơ đang được triển khai. Khi hai tuyến cao tốc trên đưa vào khai thác thì cầu Mỹ Thuận hiện tại sẽ ùn tắc, không đáp ứng được nhu cầu lưu lượng xe tăng nhanh.

Do đó, việc đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu sẽ làm giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 1A; đồng thời kết nối các khu công nghiệp, đô thị, trung tâm kinh tế trọng điểm và các đầu mối giao thông quan trọng như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Mỹ Tho, thành phố Vĩnh Long và Cần Thơ.

Dự án sẽ góp phần phát triển hệ thống vận tải đa phương thức (logistics) như: đường sắt, cảng biển, sân bay… nâng cao năng lực vận tải trên hành lang Bắc-Nam phía Đông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là tại cửa ngõ các đô thị lớn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật lưu ý, trong quá trình triển khai dự án, Ban Quản lý dự án 7, các đơn vị tư vấn giám sát và nhà thầu tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước, tập trung các nguồn lực để quản lý, thực hiện dự án; tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ, mỹ thuật, an toàn vệ sinh lao động và vệ sinh môi trường. Đồng thời, UBND hai tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ, bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án các gói thầu còn lại trong thời gian sớm nhất để thi công đồng loạt.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long Lê Quang Trung, việc kết nối giao thông Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước hiện chủ yếu qua tuyến Quốc lộ 1A. Trong khi đó, tuyến quốc lộ này đang quá tải và xuống cấp, tình trạng ùn tắc giao thông thường xảy ra vào các dịp lễ, Tết. Việc đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 để kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ sẽ tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đáp ứng sự mong đợi lâu nay của nhân dân.

Giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải) Nguyễn Chung Khánh cho biết, dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là một dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.

Dự án được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nhằm mục đích kết nối hai tuyến đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận và Mỹ Thuận-Cần Thơ để hoàn thiện tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ theo quy hoạch, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, kết nối các đường trục chính đã và đang được đầu tư xây dựng tại khu vực Tây Nam Bộ.

Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 6,61 km, điểm đầu dự án tại Km101+126, khớp nối với dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang và điểm cuối tại Km107+740, khớp nối với dự án đường cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ tại nút giao Quốc lộ 80 thuộc địa phận thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

Phần đường dẫn hai đầu cầu dài tương đương 4,7 km; trong đó phía Tiền Giang gần 4,3 km, phía Vĩnh Long là 0,4 km. Giai đoạn trước mắt phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư 6 làn xe. Đối với phần cầu chính đầu tư hoàn chỉnh 6 làn xe.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 là công trình dây văng cấp đặc biệt với nhịp chính dài 350 m và khổ thông thuyền 37,5 m, hoàn toàn do các đơn vị trong nước thực hiện thiết kế, giám sát, thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2023.

Sau khi hoàn thành, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ nối thông tuyến cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ, tạo sự gắn kết chặt chẽ thông thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long, góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistics trong khu vực.

Đồng thời, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội khu vực Tây Nam Bộ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục