Xây dựng chiến lược quảng bá thương hiệu Sa Pa - Fansipan

08:03' - 10/03/2021
BNEWS UBND tỉnh Lào Cai đã xây dựng Chiến lược quảng bá thương hiệu Sa Pa - Fansipan đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng hình ảnh tích cực về du lịch Lào Cai.

Lào Cai không chỉ có khí hậu ôn hòa cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn có nét văn hóa bản địa các tộc người vô cùng độc đáo. Những lợi thế đó giúp địa phương hình thành được những sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Tuy vậy, xuất phát từ một số nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, trong nhiều năm qua, những hạn chế trong xây dựng giá trị thương hiệu du lịch Lào Cai dần bộc lộ ngày càng rõ nét, ảnh hưởng đến việc phát huy có hiệu quả tiềm năng du lịch địa phương.

Để khắc phục những tồn tại đó, UBND tỉnh Lào Cai đã xây dựng Chiến lược quảng bá thương hiệu Sa Pa - Fansipan đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng hình ảnh tích cực về du lịch Lào Cai trong nhận thức của thị trường khách hàng.

Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh hiện có 6 loại hình sản phẩm du lịch chính: Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; sản phẩm du lịch văn hóa - cộng đồng; du lịch sinh thái, nông nghiệp - làng nghề; sản phẩm du lịch sự kiện; sản phẩm du lịch gắn với thể thao mạo hiểm; sản phẩm du lịch thông minh.

Bên cạnh đó, Lào Cai còn sở hữu những danh thắng, sản phẩm du lịch độc đáo mà không nơi nào trên đất nước Việt Nam có được như: Vườn Quốc gia Hoàng Liên với hệ động thực vật đa dạng phong phú độc đáo. Đỉnh Fansipan cao nhất Đông Dương được đầu tư hệ thống đường tàu leo núi và cáp treo 3 dây hiện đại bậc nhất thế giới. Ruộng bậc thang Sa Pa được xếp trong danh sách 30 địa điểm đẹp nhất hành tinh...

Với sự đầu tư đồng bộ và có trọng tâm, các sản phẩm du lịch trên đã góp phần đưa du lịch Lào Cai trong vòng 10 năm trở lại đây có những bước phát triển mạnh mẽ thể hiện ở số lượt du khách, tổng thu từ khách du lịch, quy mô cơ sở lưu trú ngày một mở rộng và nguồn nhân lực dồi dào trong ngành Du lịch của tỉnh.

Thế nhưng những địa danh, sản phẩm trên là chưa đủ để khắc họa ấn tượng đậm nét của du khách đối với thương hiệu du lịch Lào Cai. Nhắc đến du lịch Sa Pa không thể không nhắc đến du lịch cộng đồng.

Theo chị Cao Thị Hương (chủ cơ sở homestay Le Beauty, Sa Pa), du lịch cộng đồng là loại hình phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ du lịch homestay ở địa phương còn hạn chế, kiến thức về làm du lịch homestay của người dân chưa nhiều, chủ yếu bằng kinh nghiệm. Nhiều du khách cho biết, sản phẩm du lịch cộng đồng ở Lào Cai còn đơn điệu; nhu cầu khám phá, trải nghiệm chưa được đáp ứng đầy đủ, thỏa mãn...

Cũng theo chị Cao Thị Hương - nhà leo núi chuyên nghiệp đã chinh phục hầu hết những đỉnh núi cao nhất Việt Nam, ngành du lịch Lào Cai mặc dù sở hữu đỉnh núi cao nhất Đông Dương nhưng chưa thể nâng cấp sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm trên địa bàn trở thành thương hiệu hàng đầu Việt Nam.

Tại các địa bàn Vườn Quốc gia Hoàng Liên, các loại hình câu cá, xe đạp, lưu trú trên cây, dù lượn, vượt thác chinh phục đỉnh Fansipan, Ngũ Chỉ Sơn... chưa được đầu tư khai thác quy mô và chuyên nghiệp xứng tầm.

Những nhận định trên của du khách và chủ doanh nghiệp đã phần nào phản ánh hạn chế của du lịch Lào Cai thời gian qua trong việc xây dựng giá trị thương hiệu xứng tầm tiềm năng du lịch địa phương. Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên đã được tỉnh Lào Cai nhận định, đó là địa phương chưa xác định rõ giá trị cốt lõi thương hiệu du lịch để đưa ra chiến lược quảng bá hiệu quả.

Theo khảo sát của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, mức độ nhận diện thương hiệu Sa Pa - Fansipan đối với du khách những năm qua chỉ dừng lại ở mức trung bình là 41% và chỉ có 7% khách du lịch nhận diện rõ thương hiệu du lịch Sa Pa-Fansipan của Lào Cai.

Do đó, trong Chiến lược quảng bá thương hiệu Sa Pa-Fansipan, tỉnh Lào Cai định hướng, thương hiệu Sa Pa-Fansipan phải mang đến cho du khách 5 cảm nhận bao gồm: hùng vỹ, hoang sơ; khí hậu trong lành, bốn mùa khác biệt; bình yên thanh tịnh; bản sắc độc đáo, hồn nhiên, thân thiện; trải nghiệm phong phú độc đáo, sáng tạo.

Thông qua chiến lược này, Lào Cai phấn đấu đến năm 2025, thương hiệu du lịch Sa Pa - Fansipan được nhận diện rõ nét tại các thị trường trọng điểm với các giá trị, thuộc tính tiêu biểu và thống nhất.

Cụ thể, có 20% khách du lịch tại các thị trường trọng điểm nhận diện rõ thương hiệu Sa Pa - Fansipan của du lịch Lào Cai; 50% khách du lịch chịu tác động của thương hiệu du lịch Sa Pa-Fansipan trong việc quyết định đi du lịch Lào Cai; 50% khách du lịch quay lại Lào Cai và lưu trú dài ngày hơn là do tác động của quảng bá thương hiệu du lịch.

Việc đẩy mạnh quản lý và phát triển sản phẩm du lịch là một trong những nhóm giải pháp được Lào Cai xác định cần thực hiện đồng bộ và dài hạn trong thời gian tới nhằm quảng bá thương hiệu Sa Pa - Fansipan đến với du khách trong và ngoài nước một cách rộng rãi, đầy đủ hơn, tạo sự bứt phá cho du lịch địa phương. 

Trong đó, Lào Cai chú trọng cải tiến, làm mới các sản phẩm du lịch truyền thống đã quá quen thuộc với khách du lịch bằng cách khai thác tối đa các lợi thế về địa hình, khí hậu mát mẻ, các đặc sản hàng thủ công truyền thống.

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Sa Pa cho biết, trong năm 2021, Sa Pa sẽ xây dựng hai điểm du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc thiểu số: xã Mường Hoa và Tả Phìn gắn với văn hóa dân tộc Dao, Mông; đầu tư xây dựng một tuyến trekking (du lịch dã ngoại bằng hình thức đi bộ) kiểu mẫu dọc suối Mường Hoa phục vụ trải nghiệm của khách du lịch; đầu tư và phát triển thương hiệu sản phẩm Thổ cẩm Sa Pa thành quà tặng lưu niệm thay thế cho các sản phẩm thổ cẩm công nghiệp không có nguồn gốc xuất xứ tại Sa Pa nhằm vinh danh sản phẩm truyền thống, tạo việc làm và thu nhập bền vững...

Sa Pa cũng sẽ đầu tư hình thành các điểm tham quan du lịch mới trên địa bàn: Đồi chè Ô Long (Công ty Lợi Sơn Điền); Khu hoa quả sơn (Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây ôn đới), Vườn dược liệu (Viện nghiên cứu và phát triển dược liệu); Rừng trúc (Tả Phìn); Thác yên ngựa (Mường Hoa); trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên Ngũ Chỉ Sơn (xã Ngũ Chỉ Sơn), điểm du lịch xã Mường Bo, Tu Viện Tả Phìn (Hàm Rồng, Tả Phìn).

Để tăng cường quản lý phát triển sản phẩm du lịch, từ nay đến năm 2030, Lào Cai xác định đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường thông qua việc huy động nguồn lực của Nhà nước và tư nhân; tập trung vào những thị trường trọng tâm và có ảnh hưởng lớn đến doanh thu du lịch của tỉnh như thị trường khách du lịch đến từ Tây Âu (Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Đức, Anh, Hà Lan), Australia; mở rộng các thị trường gần tại Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), ASEAN.

Đối với thị trường nội địa tập trung vào đối tượng khách đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các đô thị miền Bắc, từng bước mở rộng các thị trường khác.

Lào Cai sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp trong việc lựa chọn, hỗ trợ một số địa phương xây dựng thương hiệu điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc thù và mang tính cạnh tranh cao như ở Y Tý (Bát Xát), núi Ba mẹ con (Bắc Hà), đền Bảo Hà (Bảo Yên); hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp trong quản lý chất lượng sản phẩm thúc đẩy công tác quảng bá và xúc tiến thương hiệu một cách nhanh chóng đúng trọng tâm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục