Xây dựng Luật Hóa chất sửa đổi trong năm 2024

20:43' - 12/01/2024
BNEWS Chiều 12/1/2024, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Bước sang năm 2024, Cục Hóa chất sẽ tập trung xây dựng dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) theo đúng kế hoạch và thời hạn được giao.

 

Ngoài ra, Cục sẽ xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Quy chuẩn QCVN 05A:2020/BCT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm, dự kiến trình trước ngày 30/9/2024. 

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040; Triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo "Chương trình phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045", trình Chính phủ phê duyệt năm 2024.

"Đẩy mạnh công tác triển khai Chương trình làm việc với một số Sở Công Thương về việc thực hiện quản lý hóa chất tại địa phương; tăng cường thanh tra chuyên ngành, kiểm tra trong lĩnh vực hóa chất. Năm 2024, dự kiến tổ chức 03 cuộc thanh tra chuyên ngành, 36 cuộc kiểm tra, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2024", ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất thông tin.

Ngoài ra, đơn vị sẽ thực hiện hiệu quả các thủ tục hành chính đã được công bố trong danh sách thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực phụ trách để hoàn thành các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, triển khai việc thống kê, công bố thủ tục hành chính trên Cơ sở dữ liệu quốc gia một cách chính xác, kịp thời; tập trung rà soát lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới lĩnh vực hóa chất thuộc ngành công thương để xây dựng, đề xuất, kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định, phù hợp công nghệ sản xuất, tình hình phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế trong lĩnh vực quản lý hóa chất; tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác quản lý hóa chất (như giữa Cục Hóa chất với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tổng cục Hải quan...); tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế về lĩnh vực hóa chất để hoàn thiện hệ thống pháp lý về quản lý hóa chất của Việt Nam.

Liên quan đến phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, ông Vương Thành Chung, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất cho biết, thời gian qua, Cục Hóa chất đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thái Bình và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Chương trình diễn tập ứng phó sự cố hóa chất năm 2023 tại Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình.

Công tác tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất với quy mô lớn cho thấy sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại phù hợp trong ứng cứu sự cố hóa chất và đặc biệt là năng lực ứng phó hiệu quả và sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng cơ sở, các cơ sở hoạt động hóa chất lân cận và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.

"Thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh diễn tập ứng phó sự cố tại các địa phương, cụ thế triển khai tại 3 miền với quy mô lớn, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền triển khai trên diện rộng sẽ hiệu quả thiết thực hơn. Cục Hóa chất khuyến khích các địa phương cùng phối hợp triển khai diễn tập ứng phó với sự cố hóa chất, đặc biệt đối với các tỉnh công nghiệp lớn và trong đó có ngành công nghiệp hóa chất phát triển"- ông Vương Thành Chung đề xuất.

Chia sẻ thêm, bà Nguyễn Thanh Loan, Trưởng phòng Phát triển công nghiệp hóa chất cho hay, cần nhìn nhận đúng hơn về vai trò của công nghiệp hóa chất, việc đầu tư các khu công nghiệp hóa chất tập trung góp phần thúc đẩy sự phát triển hiệu quả về hoạt động hóa chất. Đây cũng là cơ sở cho sự phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả cho ngành công nghiệp hóa chất tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Hóa chất, tính đến ngày 31/12/2023, Cục Hóa chất đã lập đề nghị xây dựng Luật Hóa chất (sửa đổi) và trình Chính phủ theo đúng tiến độ được giao. Ngày 18/12/2023, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã họp và ban hành Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 về Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó Luật Hóa chất (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 8 (tháng 10/2024).

Về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 726/QĐ-TTg ngày 16/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện Quyết định nêu trên, ngày 30/6/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký, ban hành Công văn triển khai thực hiện Chiến lược gửi Bộ, ngành, các cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố, tập đoàn, các công ty hoạt động trong lĩnh vực hóa chất. Đến thời điểm hiện tại một số tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược như: Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Long An, Quảng Bình.

"Cục Hóa chất đã triển khai xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược và ngày 29/12/2023, Cục đã gửi bản dự thảo Kế hoạch trên xin ý kiến của các đơn vị liên quan. Ngoài ra, Cục Hóa chất đang triển khai thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất và xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp hóa chất tập trung"- đại diện lãnh đạo Cục nêu.

Đáng chú ý, các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 do Cục quản lý đang được thực hiện qua hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia gồm có: Khai báo hóa chất nhập khẩu 88.276 hồ sơ; cấp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất 644 hồ sơ; Cấp Giấy phép xuất, nhập khẩu tiền chất công nghiệp 12.420 hồ sơ; cấp Giấy phép xuất, nhập khẩu tiền chất thuốc nổ 260 hồ sơ, cấp Giấy phép xuất, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp 76 hồ sơ.

"Việc thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã mang lại những hiệu quả nhất định, tiết giảm thời gian, nhân công, chi phí và tăng độ hài lòng của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất", lãnh đạo Cục Hóa chất nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục