Xây dựng nhà nước kiến tạo: Nhà nước không làm thay dân

07:03' - 22/07/2016
BNEWS Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo.
PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN

Trong thời gian gần đây, trên các sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, vấn đề xây dựng một “Nhà nước kiến tạo phát triển” được bàn luận rất sôi nổi. BNEWS xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề này.

Để triển khai thực hiện thành công những nhiệm vụ phát triển kinh tế -  xã hội được Đại hội XII của Đảng đề ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tập trung chỉ đạo việc phát triển doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, xem xét loại bỏ quy định các quy định không hợp lý, các rào cản, các loại “giấy phép con”… đang cản trở sự hình thành và phát triển doanh nghiệp…

Tất cả nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho doanh nghiệp thuộc mọi hình thức sở hữu cùng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập đến việc cần xây dựng một Nhà nước kiến tạo phát triển, phục vụ và liêm chính.
Vậy Nhà nước kiến tạo phát triển là gì? Tại sao cần đặt vấn đề xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển trong điều kiện tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế hiện nay?
Về mặt học thuật, vấn đề chức năng của Nhà nước từ lâu đã được các học giả phân tích, khái quát từ lịch sử lâu dài phát triển xã hội loài người. Trong lĩnh vực kinh tế, một trong những vấn đề trung tâm là xác định rõ vai trò của Nhà nước trong phát triển kinh tế, hay chức năng kinh tế của Nhà nước trong quản lý sự phát triển kinh tế -  xã hội.

Nhà nước tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo và đóng góp cho xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN

Ý tưởng về mô hình Nhà nước như vậy vẫn tiếp tục được các nhà nghiên cứu bổ sung, phát triển trên cơ sở những phân tích, tổng kết thực tiễn sinh động và phong phú của phát triển kinh  tế thế giới hiện đại.

Khi nói tới mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển, có ý kiến còn nêu về ba đặc tính tiền phong: (i) Từ chức năng kiểm soát sang quản trị và kiến tạo; (ii) Nhà nước sẽ mạnh khi mỗi người dân cảm thấy đây là thiết chế đại diện cho mình; và (iii) Quản trị rủi ro (hơn là giải quyết sự việc khi đã rồi). (Xem: Nguyễn Chính Tâm: Thông điệp của Thủ tướng và bước ngoặt 2014. http://www.hanoifood.vn/Thong-diep-cua-Thu-tuong-va-buoc-ngoat-2014-n6671.html).
Ở Việt Nam, trên trang baodientu.chinhphu.vn nhân dịp đầu năm mới 2014, có đăng bài “Thông điệp năm mới của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”, trong đó có đoạn viết: “Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển.

Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Chỉ khi dân giầu thì nước mới mạnh.

Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Và chỉ như vậy mới có thể xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”.

Rõ ràng là, tư tưởng về việc xây dựng một nhà nước có chức năng kiến tạo phát triển và phải làm tốt chức năng này cho phù hợp với điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế là phù hợp với xu thế chung và đáp ứng nhu cầu của thực tiễn.
Trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá thể chế để chuyển sang nền kinh tế thị trường “hiện đại, hội nhập quốc tế, có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch” như Đại hội XII của Đảng đã khẳng định, có thể thấy chức năng kiến tạo phát triển của Nhà nước trong giai đoạn này được thể hiện qua những nội dung chính yếu sau.
Một là, quản lý tốt quá trình chuyển đổi, đảm bảo tính định hướng thị trường được thực hiện một cách vững chắc, minh bạch và hiệu quả. 30 năm đổi mới là một khoảng thời gian dài đối với việc thiết lập nguyên tắc cơ bản của thể chế kinh tế thị trường.

Nửa cuối thế kỷ trước, với khoảng thời gian ấy, một số nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á quanh ta (Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore…) đã trở thành nền kinh tế mới công nghiệp hóa, năm 1986 Hàn Quốc đã trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gồm các nước có nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới.

Thể chế kinh tế thị trường đã chứng tỏ những ưu việt chưa có thể chế nào thay thế tốt hơn, nên chức năng kiến tạo phát triển, của Nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi là đảm bảo “để cho” và “làm cho” thể chế kinh tế thị trường “vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch”.
Hai là, thúc đẩy phát triển kinh tế bằng cách tạo lập những điều kiện thể chế kinh tế phù hợp để mọi người người dân, doanh nghiệp có thể tự do lựa chọn các loại hình, lĩnh vực kinh doanh mà luật pháp không cấm.

Trước đây, dưới danh nghĩa thúc đẩy kinh tế phát triển, nhà nước đã thực hiện cơ chế kế hoạch hóa tập trung, can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế, loại bỏ và làm thay chức năng của thị trường. Cách làm ấy đã không đem lại kết quả như mong đợi.

Ngày nay, cùng với đổi mới và mở cửa, hội nhập, chúng ta đã hiểu rõ vẫn với mục tiêu thúc đẩy kinh tế phát triển (nhanh và bền vững), nhưng phải làm theo cách khác, - phải trên cơ sở những nguyên lý, quy luật của thị trường mà xây dựng và vận hành chính sách, phải thông qua thị trường, phát triển bản thân thị trường mà thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nói cách khác, mức độ hoàn thành chức năng kiến tạo phát triển của Nhà nước ở góc độ kinh tế về cơ bản được đo bằng chính sự phát triển của thị trường một cách trơn tru, hiệu quả.
Khi lý giải vấn đề: “Tại sao các quốc gia thất bại? - Why nations fail?” , các tác giả Daron Acemoglu và James Robinson (2012) đã lập luận rằng: sở dĩ có quốc gia thành công, ngày càng thịnh vượng và có quốc gia thất bại, không cải thiện được đáng kể tình trạng nghèo nàn, là do sự khác biệt chủ yếu về thể chế (kinh tế và chính trị). Các tác giả cho rằng, về cơ bản có thể chia thể chế kinh tế thành 2 loại khác biệt (đối ngược) nhau:
- Thể chế kinh tế có tính dung nạp - Inclusion economic institution: có đặc điểm là “khuyến khích mọi thành phần trong xã hội tham gia vào các hoạt động kinh tế, cho họ cơ hội phát huy tài năng và cống hiến.

Quyền lực được chia sẻ rộng rãi. Để làm được như vậy, xã hội cần phải đảm bảo quyền sở hữu, luật pháp không thiên vị, và cung cấp các dịch vụ công cho mọi tầng lớp để đảm bảo sự công bằng trong quá trình trao đổi, giao dịch. Ngoài ra, xã hội cũng cần khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp mới và cho mọi người cơ hội lựa chọn ngành nghề của họ”.
- Thể chế kinh tế có tính bòn rút - Extractive economic institution: có đặc điểm là “trái ngược với thể chế có tính dung nạp, thể chế có tính bòn rút (extractive) tập trung quyền lực vào một số ít người hoặc nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích này nắm phần lớn tài sản quốc gia và khai thác tài nguyên của đất nước.

Nhà nước xây dựng thể chế hỗ trợ thị trường phát triển một cách sáng tạo năng động.Ảnh: TTXVN

Đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, Đại hội Đảng lần thứ XII nêu quan điểm: “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và định hướng phát triển của Nhà nước.

Tập trung tạo dựng thể chế, cơ chế, chính sách và môi trường, điều kiện ngày càng minh bạch, an toàn, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo, đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường.

Phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ của người dân trong hoàn thiện và thực thi pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, lấy phục vụ nhân dân và lợi ích quốc gia là mục tiêu cao nhất”.
Ba là, “Nhà nước sử dụng thể chế, các nguồn lực, công cụ điều tiết, chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội, chăm lo cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo”, theo tinh thần Đại hội XII của Đảng.

Thực ra, khía cạnh xã hội này vốn là một trong những thuộc tính cơ bản của Nhà nước, - nhân danh toàn xã hội để điều hòa các mối quan hệ xã hội vì sự phát triển chung. Nhưng trong mỗi giai đoạn phát triển, do những nhân tố khách quan và chủ quan khác nhau chi phối, không phải nhà nước nào và ở bất kỳ thời điểm nào cũng đã hoàn tốt thiên chức cao cả này.

Ngày nay, cả từ góc độ lý luận lẫn thực tiễn, đều cho thấy tư tưởng về nhà nước với các đặc tính như trên đã trở thành nhận chung, phổ biến, mang tính nhân loại..
Tóm lại, có thể nói một cách ngắn gọn là, chức năng kiến tạo phát triển của Nhà nước là ở chỗ, xây dựng thể chế hỗ trợ thị trường phát triển một cách sáng tạo, năng động, phát huy được mọi nguồn lực và duy trì, nuôi dưỡng được động lực phát triển kinh tế vì sự phồn thịnh quốc gia cũng như phúc lợi cho tất cả mọi người./.
PGS TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

        

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục