Xây dựng, quảng bá thương hiệu thể thao cần được xem là chiến lược

20:26' - 28/08/2018
BNEWS Việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cần phải được xem là chiến lược trọng tâm của ngành thể thao, từ việc đầu tư ngân sách, đến tổ chức thực hiện.
Khách tham quan Triển lãm quốc tế sản phẩm thể thao Việt Nam (VIETNAM SPORT SHOW). Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Triển lãm quốc tế sản phẩm thể thao Việt Nam (VIETNAM SPORT SHOW) sẽ diễn ra từ ngày 15 - 18/11 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Hà Nội (ICE).

Đại diện Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinexad), nhà tổ chức Triển lãm, cho biết, triển lãm lần này thu hút gần 300 doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự và “trình làng” các sản phẩm của hầu hết các bộ môn thể thao như dụng cụ, máy móc, thiết bị dành cho thể thao chuyên nghiệp/cá nhân; hệ thống phòng tập đa chức năng, sân tập, bể bơi, sàn thi đấu; dịch vụ quản lý, nhượng quyền trung tâm thể thao; thực phẩm bổ sung dành cho người chơi thể thao, công nghệ, thiết bị đo chỉ số sức khỏe; vật dụng trang bị dành cho thi đấu/cá nhân; thời trang thể thao…

Với diện tích hơn 3.000m2 trưng bày, Triển lãm lần này có những tên tuổi nổi bật về cung cấp hạ tầng, trang thiết bị cho thể thao chuyên nghiệp như Sodex Toseco, Mizuno, Động Lực, Delta… hay các sản phẩm thời trang thể thao và thiết bị thể thao dân dụng như Anta, 361 Sport, Alzado, Attivo, Bigfun…

Sự kiện lần này có các hoạt động như giới thiệu sản phẩm mới và tạo hiệu ứng cho các nhãn hàng đang xây dựng thương hiệu; các chương trình ưu đãi đặc biệt, chăm sóc khách hàng hấp dẫn; giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác lớn trong xây dựng trung tâm thể thao, các hình thức nhượng quyền, tìm kiếm đại lý phân phối.

Ông Alann Bouvot -Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sodex Toseco cho biết Sodex Sport mong muốn đồng hành, đẩy mạnh và phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng thể thao chuyên nghiệp cho các Trung tâm huấn luyện thể thao, các khu dịch vụ thể thao nghỉ dưỡng, thể thao công cộng… với các tiêu chí an toàn, chất lượng theo tiêu chuẩn và kỹ thuật của Châu Âu.

BigFun -một doanh nghiệp được biết đến với 16 trung tâm vui chơi có mặt tại 11 tỉnh thành- tham gia Triển lãm với mục tiêu “lấp đầy” những hoạt động có ích cho trẻ nhỏ thay vì bị ảnh hưởng bởi các thiết bị điện tử như hiện nay.

Thống kê cho thấy, từ khóa tìm kiếm liên quan đến thể thao trên Google Việt Nam xếp hạng khá cao trong các hạng mục tìm kiếm, cho thấy đây là lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn của người dùng trong nước.

Còn theo một nghiên cứu khác về các xu hướng thảo luận nổi bật nhất trên mạng xã hội, chủ đề “thể thao” được xếp thứ 2 khi chiếm tới 18% thị phần thảo luận; chỉ đứng sau âm nhạc với 20%.

Triển lãm lần này có những tên tuổi nổi bật như Sodex Toseco, Mizuno, Động Lực, Delta... Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Điểm thú vị là ngay cả chủ đề Điện ảnh vốn tưởng như dễ khai thác, dễ gắn yếu tố PR cho các nhãn hiệu lại cũng đứng sau “Thể thao”, với 17% thị phần thảo luận.

Chính những yếu tố đó đã khiến “Thể thao” đang ngày càng trở thành một mảnh đất tiềm năng cho các doanh nghiệp khai thác hoạt động tài trợ thương hiệu.

Hiện tại, gần 20% dân số Việt Nam chơi thể thao, tương đương khoảng 18 triệu người và con số này đang dần tăng lên. Đồng thời, nhiều cuộc thi được tổ chức trong nước và thi đấu quốc tế đạt thành tích cao càng khuyến khích xu hướng luyện tập thể dục thể thao ở tất cả các lứa tuổi.

Sức hấp dẫn của lĩnh vực thể thao là có thật, nhưng khi đề cập về thương hiệu thể thao Việt Nam, chính những nhà quản lý chuyên môn cũng phải thừa nhận, lĩnh vực này còn bị bỏ ngỏ.

Do đó, việc xây dựng, quảng bá thương hiệu cần phải được xem là chiến lược trọng tâm của ngành thể thao, từ việc đầu tư ngân sách, đến tổ chức thực hiện./.

>>> Xây dựng thương hiệu trong thời đại kỹ thuật số

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục