Xây dựng thương hiệu lúa gạo: Cần những "viên gạch" đầu tiên
Thế nhưng, dù đã được xúc tiến triển khai xây dựng thương hiệu gạo, đến nay Việt Nam vẫn chưa có một thương hiệu gạo nào ra đời.
* Làm thương hiệu từ thị trường nội địa
Việt Nam có tổng diện tích sản xuất lúa gần 4 triệu ha, mỗi năm cho sản lượng hơn 25 triệu tấn gạo; trong đó, lượng gạo phục vụ cho chế biến và xuất khẩu đạt hơn 7 triệu tấn, số còn lại phục vụ cho nhu cầu an ninh lương thực quốc gia và tiêu thụ trong nước.
Qua đó cho thấy, nội địa là một thị trường chủ đạo trong tiêu thụ lúa gạo. Vì vậy, việc khởi đầu, nền tảng chính là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam vững mạnh tại thị trường nội địa, để vươn ra thế giới.
Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang), thị trường tiêu thụ gạo trong nước là rất lớn; trong đó người tiêu dùng có quyền lựa chọn sản phẩm và thương hiệu gạo ngon cho mình. Chính vì thế, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo phải được chú trọng ngay ở thị trường nội địa, để tất cả người tiêu dùng Việt Nam biết đến.
Từ đó, họ sẽ giúp cho thương hiệu lớn mạnh, khẳng định vị thế của sản phẩm từ trong nước. Để thương hiệu vững mạnh, chính doanh nghiệp phải thể hiện vai trò kết nối giữa người tiêu dùng với nông dân để họ truy xuất nguồn gốc sản phẩm chất lượng dễ dàng, gần gũi.
Các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo khác cũng cho rằng, xây dựng thương hiệu lúa gạo trước tiên là xây dựng thương hiệu lúa gạo quốc gia để người tiêu dùng nhận ra đây chính là sản phẩm của Việt Nam, dù tiêu thụ trong nước hay xuất khẩu. Còn thương hiệu của từng doanh nghiệp riêng biệt sẽ thể hiện song song với thương hiệu lúa gạo quốc gia trên bao bì sản phẩm.
Bên cạnh đó, quy trình xây dựng thương hiệu lúa gạo đóng vai trò quan trọng không kém, muốn xây dựng thương hiệu lúa gạo phải trải qua hai điều kiện cần và đủ.
Đó chính là quy trình chọn sản phẩm như chất lượng được người tiêu dùng chấp nhận, có khả năng sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường và có khả năng cạnh tranh.
Điều kiện thứ hai là xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho sản phẩm đó, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chia sẻ.
* Đặt mục tiêu về xây dựng thương hiệu
Khi sản phẩm gạo của Việt Nam được thị trường trong nước thừa nhận và ưa chuộng cũng là đã khẳng định sản phẩm đó có thương hiệu. Vì vậy, các doanh nghiệp phải đặt những “viên gạch” đầu tiên trong quá trình xây dựng thương hiệu.
Theo ông Lê Thanh Khiêm, Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, để thương hiệu lúa gạo của một quốc gia vững mạnh, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự xây dựng thương hiệu của chính mình, hoàn thiện từng bước trong quá trình tạo thương hiệu; trong đó nền tảng chính là sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với nông dân.
Khi doanh nghiệp chế biến gạo có được nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao thì thương hiệu mới được tin dùng, lựa chọn và đứng vững.
Để đạt được điều này, chính những nông dân phải nhận thức được rằng họ sản xuất ra sản phẩm đạt chất lượng cao mới được tiêu thụ, thu nhập ổn định, doanh nghiệp mới vững mạnh. Từ đó, thương hiệu gạo đó mới vươn ra thị trường thế giới được.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, song song với việc lựa chọn sản phẩm đạt chất lượng của từng doanh nghiệp thì thiết kế logo cho thương hiệu cũng chính là một trong những quy trình xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam.
Logo của thương hiệu gạo quốc gia sẽ giúp sản phẩm gạo Việt Nam được nhận biết trên thị trường thế giới. Bản thân các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo cũng phải tự đưa ra ý tưởng rồi bổ sung lẫn nhau để tạo một logo chung.
Để dễ dàng thống nhất việc thiết kế này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đóng vai trò chủ đạo điều hành hoàn thiện logo, chậm nhất chỉ được kéo dài sang tháng 2/2017.
Không những vậy, khi thực hiện quy trình xây dựng thương hiệu, đi vào thực tiễn thì mới phát hiện sai sót để sửa chữa.
Điều này cũng đồng nghĩa, thương hiệu gạo Việt Nam muốn "chạy" vững vàng ra thị trường thế giới, bản thân từng doanh nghiệp, từng nông dân phải "đi" những bước đầu tiên, có vấp ngã thì mới rút kinh nghiệm để hoàn thiện những giai đoạn tiếp theo.
Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không xây dựng thương hiệu giúp cho doanh nghiệp mà chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp về cơ chế, chính sách để hoàn thiện.
Do đó, xây dựng thương hiệu gạo không phải nói cao, nói xa, mà phải làm từ từ để rút kinh nghiệm, doanh nghiệp phải tự thân vận động, xây dựng nên thương hiệu gạo của quốc gia./.
Tin liên quan
-
Hàng hoá
Điều chỉnh giảm sản lượng xuất khẩu gạo trong quý 2/2016
20:36' - 07/06/2016
Cho đến cuối tháng 4/2016, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao hơn so với các nguồn cung khác, thậm chí cao hơn cả Thái Lan.
-
Hàng hoá
Thị trường ngách: Điểm đến của hạt gạo Việt Nam
06:48' - 06/06/2016
Những thị trường nhỏ hay gọi là thị trường “ngách” mà xưa nay bị lãng quên lại đang là điểm đến an toàn cho hạt gạo Việt Nam thay vì những thị trường lớn với tiêu chuẩn cao.
-
Kinh tế Việt Nam
Không có chuyện phát hiện được gạo lạ ở Quảng Trị
16:34' - 01/05/2016
Ngày 1/5, ông Nguyễn Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy hải sản tỉnh Quảng Trị khẳng định không có chuyện phát hiện được gạo lạ ở chợ Đông Hà như báo chí đã đưa tin.
-
Hàng hoá
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam
14:30' - 26/04/2016
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 4 ước đạt gần 2,97 tỷ USD. Tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2016 hơn 10 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ.
Tin cùng chuyên mục
-
Xe & Công nghệ
Nhu cầu xe điện cũ tăng mạnh tại Hàn Quốc
11:23' - 18/11/2024
Trong khi nhu cầu về xe điện đang giảm trên thị trường ô tô mới, doanh số bán ô tô điện đã qua sử dụng lại ngày càng tăng.