Xây dựng Trung tâm thông tin phản ứng nhanh về thị trường cá tra

16:31' - 29/03/2017
BNEWS Ban quản lý Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA) đề xuất xây dựng Trung tâm thông tin phản ứng nhanh về thị trường thủy sản nói chung và cá tra nói riêng.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Sau 4 năm triển khai tại các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngày 29/3, tại Tp.Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với các đối tác tổng kết dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA).

Đây là dự án do Liên minh Châu Âu (EU) hỗ trợ thông qua chương trình EU SWITCH-Asia triển khai từ tháng 4/2013 – 3/2017 với mục tiêu nâng cao tính cạnh tranh của ngành cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và thúc đẩy sản xuất có trách nhiệm cá tra tại Việt Nam.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo dự án SUPA, sau 4 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ cho hơn 50 doanh nghiệp, 120 vùng nuôi, 130 hộ gia đình, 12 hợp tác xã và thu hút gần 3.000 lượt người tham dự các chương trình đào tạo, hội thảo kỹ thuật.

Dự án đã nghiên cứu tư vấn, tập huấn nhằm nâng cao tỷ lệ nuôi sống, giảm chi phí thức ăn và tác động đến môi trường trong khâu ươm và nuôi cá, góp phần cắt giảm 7-10% chi phí sản xuất trong khâu ươm nuôi; hỗ trợ kỹ thuật cho 33 vùng nuôi và hợp tác xã đạt các chứng nhận thủy sản bền vững quốc tế.

Đối với các doanh nghiệp chế biến, dự án cũng đã hỗ trợ nâng cao năng lực và tư vấn về vấn đề sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho hơn 70 nhà máy, giúp cắt giảm trung bình 18-20% điện năng, 26-30% nước, qua đó cắt giảm 2-5 tỷ đồng chi phí sản xuất cho mỗi nhà máy và cắt bỏ hơn 21.000 tấn CO2 phát thải hàng năm cho 54 nhà máy chế biến cá tra.

Ông Lê Xuân Thịnh, điều phối viên Dự án SUPA cho biết, dự án đã kết hợp với các chuyên gia tổ chức các phiên đồng sáng tạo cùng với người tiêu dùng Châu Âu và Việt Nam giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam tạo ra 20 sản phẩm mới chủ yếu từ phụ phẩm cá tra giúp nâng cao, “đẩy” chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Điều này giúp ngành cá tra khắc phục nhược điểm sản phẩm đơn điệu, giá trị gia tăng không cao của các doanh nghiệp trước đó.

Là một trong những doanh nghiệp tham gia vào dự án, đại diện Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đánh giá cao kết quả Dự án SUPA mang lại cho doanh nghiệp.

Nhờ dự án SUPA, Vĩnh Hoàn đã sử dụng hiệu quả và tiết kiệm 7% điện năng, gần 30% lượng nước và diện tích cá tra đạt chứng nhận ASC đã tăng gấp đôi từ 70 ha ban đầu.

Dù là một trong những ngành hàng có quy trình sản xuất hiện đại, hầu hết các diện tích nuôi trồng đều đạt chứng nhận quốc tế và sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường khó tính nhất hiện nay như EU, Mỹ… thế nhưng cá tra Việt Nam vẫn liên tục gặp phải vấn đề bị truyền thông nước ngoài bôi xấu.

Điều này không chỉ diễn ra trong thời gian gần đây mà đã kéo dài gần 10 năm nay ở nhiều quốc gia, nhất là ở khu vực châu Âu.

Theo ông Lê Xuân Thịnh, sở dĩ các thông tin bôi nhọ hình ảnh cá tra vẫn còn tồn tại lâu nay ở thị trường EU là do việc phản hồi thông tin của ngành còn chậm, phản ứng yếu ớt và mang nặng hình thức. Khi có sự cố xảy ra, thường mất rất nhiều thời gian để thu thập thông tin, xin phép cơ quan quản lý…

Đến khi phản hồi lại thì thông tin xấu đã tác động mạnh đến tâm lý người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay thì thông tin xấu sẽ lan truyền đến người tiêu dùng nhanh hơn.

Thông tin phản hồi bằng ngôn ngữ nước ngoài, nhất là nước nhập khẩu vẫn còn khá hạn chế, chủ yếu chỉ mới dừng lại ở ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh – ông Thịnh phân tích.

Trên thực tế, nhu cầu tiêu thụ cá tra ở châu Âu vẫn khá cao. Kết quả điều tra tại thị trường Cộng hòa Áo và 11 nước châu Âu của Quỹ Bảo vệ thiên nhiên quốc tế (WWF) mới đây cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng Áo về sản phẩm cá tra rất cao.

Có tới 86% người biết sản phẩm cá tra; 1/3 số người được điều tra cho biết thường mua và tiêu thụ sản phẩm này; 1/2 số người tiêu dùng mua và tiêu thụ cá tra vì hương vị; 1/3 mua vì giá hợp lý; gần 1/4 số người khẳng định muốn thử loài cá này lần nữa.

Những người tiêu dùng còn lại thì hoài nghi rằng cá tra có hương vị không ngon bằng loài sản phẩm thủy sản khác và một số người lo ngại về việc cá tra nuôi sử dụng kháng sinh.

Ông Mag Karim, đại diện WWF tại Áo khẳng định, khách hàng châu Âu sẵn sàng trả giá cao với sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường.

Tuy nhiên, sản phẩm cá tra tại thị trường này còn nhiều thách thức. Do đó, sản phẩm cá tra Việt Nam cần cải thiện chất lượng hơn nữa, chứng minh là sản phẩm tự hào của quốc gia vì có tính bền vững, chất lượng cao.

Chiến dịch truyền thông hình ảnh cũng cần đẩy mạnh hơn nữa để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng châu Âu.

Để chấm dứt tình trạng bôi xấu hình ảnh cá tra ở thị trường này, Ban quản lý Dự án SUPA đề xuất xây dựng Trung tâm thông tin phản ứng nhanh về thị trường thủy sản nói chung và cá tra nói riêng.

Trung tâm này sẽ hoạt động theo cơ chế nhà nước và doanh nghiệp để quảng bá và phản ứng nhanh với các trường hợp bôi nhọ cá tra cũng như thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

>> Cá tra Việt và cuộc chiến giữ hình ảnh ở thị trường EU

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục