Xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp để phát triển bền vững

18:13' - 17/03/2023
BNEWS Việc xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, thiết thực, phải tiến hành thường xuyên, lâu dài, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao vị thế và thương hiệu.
Việc xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, thiết thực, phải tiến hành thường xuyên, lâu dài, kiên trì, từ đó giúp doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hiệu quả, bền vững cũng như nâng cao vị thế và thương hiệu.
Đây là ý kiến chung của đại diện nhiều doanh nghiệp tham gia hội thảo lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Đề án và Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy Khối “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương” (Đề án) chiều 17/3 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Trung Hiếu cho biết, hội thảo nhằm đánh giá thực trạng, kết quả việc tổ chức, triển khai thực hiện các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Qua đó, góp phần làm sáng rõ giá trị khoa học - thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa văn kiện Đại hội XIII của Đảng và triển khai hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11/2021).
Tại hội thảo, ông Trần Quang Dũng, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, ngày 15/5/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết số 281-NQ/ĐU về “công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp” (Nghị quyết 281). Ngày 3/7/2019, Tổng Giám đốc PVN đã ban hành Kế hoạch cụ thể hoá Nghị quyết 281 và hơn 50 văn bản chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 281.
Đến nay, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn, PVN đã định hình được hệ giá trị cốt lõi, hoàn thiện cẩm nang văn hoá dầu khí, ban hành Lược sử ngành dầu khí Việt Nam, Sổ tay văn hoá PVN và Bộ nhận diện thương hiệu mới.
PVN đã thống nhất nhận thức từ lãnh đạo đến người lao động về vai trò quyết định của văn hoá doanh nghiệp đối với chiến lược phát triển; trong đó, điểm nổi bật là “quản trị biến động” trong 3 năm qua đã trở thành văn hóa trong quản trị doanh nghiệp của PVN, tạo nên những thành tích ấn tượng, là động lực cho tăng trưởng, là bài học kinh nghiệm, để PVN phát triển bền vững, khẳng định thương hiệu tập đoàn kinh tế năng lượng chủ lực của đất nước. Giá trị thương hiệu của PVN hiện tại đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng gần gấp 1,5 lần năm 2021 và gấp 2 lần năm 2019, duy trì vị trí trong Top thương hiệu giá trị nhất Việt Nam.
Với những nỗ lực đã thực hiện, trong lần xét công nhận đầu tiên, căn cứ bộ tiêu chí của Hiệp hội phát triển văn hoá Việt Nam xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được tôn vinh là một trong số 10 "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam" năm 2021. Tiếp nối kết quả đạt được đã có 6 đơn vị được công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh năm 2022, chiếm 25% tổng số doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh cả nước.
Để kịp thời ứng phó và vượt qua những thách thức trong công tác lãnh đạo xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Đảng bộ PVN, ông Trần Quang Dũng nhấn mạnh: cần xác định văn hóa đi trước, định hướng tạo đà cho tái tạo kinh doanh, thúc đẩy, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật; nâng cao vị thế và uy tín của PVN. Đồng thời, tập trung dành nguồn lực thích đáng về con người, cơ sở vật chất, điều kiện hoạt động để triển khai thực hiện văn hóa doanh nghiệp.
Là đơn vị sớm triển khai xây dựng và thực hiện văn hoá doanh nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Xuân Hoàng cho biết, Đề án xây dựng và phát huy văn hóa doanh nghiệp của BIDV được triển khai từ năm 2009.
Theo đó, BIDV xác định nguồn nhân lực và văn hoá doanh nghiệp là một trong ba trụ cột phát triển, là động lực hoạt động để toàn hệ thống đạt được các mục tiêu đã đề ra. Trên cơ sở đề án xây dựng và phát huy văn hoá doanh nghiệp, năm 2009, BIDV đã xây dựng 2 bộ quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử được thiết kế trên nguyên tắc đảm bảo môi trường hoạt động thân thiện và minh bạch.
Các văn bản này không chỉ đơn thuần là cam kết mà còn định hướng các giá trị, là cơ sở để chỉ dẫn và xây dựng các chương trình hành động của BIDV; đồng thời góp phần điều chỉnh hành vi ứng xử của mỗi cán bộ nhằm đảm bảo lợi ích của BIDV.
Để văn hóa doanh nghiệp thực sự trở thành sức mạnh nội sinh tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp, công tác xây dựng và thực hành văn hóa doanh nghiệp cần được lãnh đạo các cấp quán triệt, thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ; chú trọng phát huy tinh thần “lãnh đạo nêu gương” trong xây dựng và triển khai văn hóa doanh nghiệp.
Bày tỏ thống nhất với Đề án và dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ Khối, tại hội thảo, các đảng ủy của doanh nghiệp, ngân hàng, đơn vị thuộc khối đã đánh giá thực trạng, nêu rõ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp. Cùng đó, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ghi nhận những ý kiến đóng góp, ông Lê Văn Châu, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cho biết thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước đã cho nhiều kinh nghiệm quý giá, trong đó có kinh nghiệm: “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hóa”.
Vì vậy, hội thảo thống nhất cần thiết phải ban hành một Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương về Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Khẳng định việc nghiên cứu, xây dựng và lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề này có ý nghĩa rất quan trọng để góp phần xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp thật sự hùng mạnh và một nền kinh tế thịnh vượng, bền vững; thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng và Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ Khối đặt ra.
Bên cạnh đó, các cấp ủy, tổ chức đảng trong khối cần bám sát đặc điểm, yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và thực hiện văn hóa doanh nghiệp trong thời gian tới. Trước tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay, hơn lúc nào hết công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị về đạo đức chính trị, trong đó nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, phải được xác định là nhiệm vụ cấp thiết và phải tiến hành thường xuyên, lâu dài./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục