Xe điện là xu hướng tất yếu của thế giới, Việt Nam đang thực hiện thế nào?

15:31' - 03/09/2021
BNEWS Hiện nay tại Việt Nam, chưa có doanh nghiệp nào ngoài VinFast đang tiến hành hoạt động sản xuất, lắp ráp xe điện. Các xe điện hóa tại Việt Nam số lượng ít, nhưng chủ yếu là nhập khẩu.

Ngày 3/9, Báo Giao thông phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) tổ chức Hội thảo "Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam" diễn ra theo hình thức trực tuyến công nghệ thực tế ảo 3D (Virtual Event).

* Xe điện Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới?

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho hay, ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp bách toàn cầu. Ở nhiều quốc gia, các dòng xe điện hóa được coi là giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí. Nhiều nước đã đưa ra lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang kỷ nguyên xe xanh, xe điện, xe tự lái.

Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào các hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Với dân số gần 100 triệu dân, trong khi số lượng xe điện còn rất hạn chế nên Việt Nam được coi là một thị trường tiềm năng cho các loại phương tiện xanh, thân thiện với môi trường.

Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ: “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường như xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện..., đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” và “phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông”.

Hiện nay, một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ô tô, xe máy tại Việt Nam đã bắt đầu thử nghiệm, sản xuất và ra mắt các loại xe thân thiện với môi trường như: xe hybrid, xe máy điện, ô tô điện, tiến tới là xe tự lái.

Thực tế trên đặt ra vấn đề quản lý nhà nước thông qua các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn và xây dựng các quy định quản lý, các cơ chế chính sách để phát triển loại phương tiện này.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh cho hay, xe điện hóa gồm có 4 dòng chính là: xe lai hay hybrid (HEV), xe hybrid sạc ngoài (PHEV), xe điện chạy pin (BEV) và xe điện nhiên liệu Hydro (FCEV). Đến cuối năm 2020, đã có 10 triệu xe điện trên toàn thế giới với doanh số tăng 41% so với năm trước.

Còn tại Việt Nam hiện nay, số lượng xe điện hóa đến năm 2019 mới chỉ 140 xe, năm 2020 tăng lên 900 xe và hết quý I/2021 là 600 xe, tất cả đều là xe nhập khẩu và gần như toàn bộ là xe hybrid, xe plug-in hybrid và xe điện chạy pin chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Sản xuất ô tô điện đến nay mới chỉ có VinFast đã xuất xưởng ô tô Bus, dự kiến ra mắt thị trường ô tô con chạy điện vào cuối năm 2021.

Nói về thực trạng xe điện tại Việt Nam, ông Phạm Tuấn Anh cho hay, do mức thu nhập trung bình thấp, thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc, phạm vi hoạt động của xe điện còn hạn chế. Chính sách ưu đãi đối với ô tô điện, cơ cấu nguồn điện và sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực trong việc thu hút các dự án sản xuất xe điện như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc.

Ý kiến khác cho rằng, chiến lược và quy hoạch phát triển ô tô mới nhất được ban hành từ năm 2014. Nhưng, ở thời điểm đó chưa có sự xuất hiện nhiều của xe điện nên chưa có một hoạch định chiến lược cụ thể. Số lượng tiêu chuẩn Việt Nam và quy chuẩn Việt Nam đối với xe điện vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ so với hệ thống tiêu chuẩn đang lưu hành trên thế giới nên cần phải bổ sung.

Mặc dù vậy, xu hướng xe điện ngày càng định hình rõ trong vài năm gần đây và bằng chứng là VinFast đã ra mắt sản phẩm ô tô và xe máy, Toyota cũng ra mắt Corolla Cross. Dưới góc nhìn của nhà sản xuất, bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển Trạm sạc Pin VinFast cho hay, từ tháng 4/2021, doanh nghiệp đã bắt đầu ra mắt thị trường các sản phẩm xe điện.

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm, trong năm 2021, VinFast quy hoạch trên 63 tỉnh thành 2.121 vị trí với gần 40.000 cổng sạc tại bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, công sở, chung cư… Đây là những hạ tầng cốt yếu để xe điện hoạt động.

Đặc biệt Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, có cơ hội vượt lên dẫn trước ở lĩnh vực này trong khu vực. Hơn nữa, căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước lân cận. Trong khi đó, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đang chạy đua để thu hút đầu tư, ngay cả Singapore, vốn đã ngừng sản xuất ô tô gần 30 năm nay, hiện cũng đã có dự án phát triển ô tô điện.

Với những lợi thế đó, đây được coi là cơ hội “Vàng” cần kịp thời nắm bắt, nếu chậm trễ, để một hai năm nữa, khi các nước trong khu vực đã hoàn thiện nền tảng pháp lý và hạ tầng trước, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội hiếm hoi có một không hai này.

* Xây dựng các chính sách để phát triển

Để khuyến khích sản xuất, sử dụng xe ô tô điện, Bộ Công Thương đề xuất áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe điện chạy pin (BEV) và xe điện nhiên liệu hydro (FCEV) ở mức thấp nhất; thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hybrid (HEV) và xe hybrid sạc ngoài (PHEV) sẽ ở mức cao hơn so với xe BEV và FCEV áp dụng theo lộ trình giữ nguyên như hiện tại. Sau đó, tăng dần để khuyến khích sử dụng xe BEV, FCEV, giảm dần ưu đãi cho xe HEV và PHEV.

Bên cạnh đó, xây dựng các chính sách ưu đãi thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện, tập trung vào các dòng xe chưa sản xuất tại các quốc gia trong khu vực, hướng vào thị trường xuất khẩu…

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước để giảm chi phí đầu tư, đặc biệt là các chi phí về nghiên cứu và phát triển; mua bán, chuyển giao công nghệ - cho các dự án sản xuất, lắp ráp ô tô điện có quy mô lớn.

Cùng với đó, phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện như: trạm sạc điện, hạ tầng giao thông, quỹ đất để bố trí trạm sạc…; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để cung cấp điện sạch cho các trạm sạc điện.

Ngoài ra, có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ để cung cấp linh kiện, phụ tùng cho sản xuất, lắp ráp xe điện; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về xe điện, trạm sạc xe điện; đào tạo nguồn nhân lực cho nghiên cứu phát triển và sản xuất xe điện.

Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị, cần ban hành lộ trình và các mục tiêu cụ thể phát triển xe điện; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng cho ô tô điện; quy hoạch hệ thống các trạm sạc điện; có các chính sách khuyến khích nhà sản xuất và người sử dụng xe ô tô điện.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý thuế, ông Trương Bá Tuấn, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng, với một thị trường ô tô có quy mô còn nhỏ, đang được chia ra cho quá nhiều phân khúc và chủng loại xe thì sẽ rất khó cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô khai thác được các lợi thế về quy mô. Từ đó, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh với các sản phẩm ô tô nhập khẩu.

Việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ cho sản xuất, sử dụng ô tô thân thiện môi trường nói chung, xe ô tô điện nói riêng phải có tầm nhìn dài hạn và được gắn với các nguyên tắc của thị trường, phù hợp với đặc thù về điều kiện, bối cảnh kinh tế - xã hội trong nước.

Hiện nay, các chủ trương và định hướng về thúc đẩy sử dụng các loại xe thân thiện với môi trường đã được xác định trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam phải có các chính đồng bộ, phù hợp để thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường.

Theo đó, có các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô điện và các dòng xe thân thiện với môi trường; chính sách thuế nhập khẩu và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác và có định hướng tiêu dùng./.

Xem thêm:

>>Việt Nam trước cơ hội “Vàng” phát triển ngành xe điện

>>Sắp diễn ra hội thảo “Hạ tầng cho xe điện tại Việt Nam”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục