Xói mòn niềm tin tiêu dùng - Rủi ro lớn đối với kinh tế Mỹ (Phần 1)

05:30' - 26/09/2019
BNEWS Các chuyên gia nhận xét nếu lòng tin của người tiêu dùng bị tổn thương sẽ vô cùng đáng ngại bởi 2/3 nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào tiêu dùng. Cùng với đó, niềm tin của doanh nghiệp cũng đang suy giảm.
Xói mòn niềm tin tiêu dùng - Rủi ro lớn đối với kinh tế Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không ngừng leo thang kể từ năm 2018, hai bên liên tục tung đòn áp thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa của nhau. Xung đột thương mại giữa hai bên làm dấy lên mối quan ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng như tình hình kinh tế toàn cầu. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng gây biến động trên các thị trường.

Theo CNBC, ông Bruce Richards, Giám đốc điều hành của hãng quản lý tài sản Marathon, nhận định rằng nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ là sự xói mòn lòng tin của người tiêu dùng.

Bà Callahan Erdoes, Giám đốc điều hành J.P. Morgan Asset Management, công ty con của Tập đoàn Tài chính J.P. Morgan Chase (Mỹ), nhận định rằng “rất nhiều tiền đang đổ vào trái phiếu”. Bà Erdoes cho rằng bất chấp những cơn gió ngược mà các nhà đầu tư đang phải đối mặt, họ có nguy cơ mất đi lợi nhuận dài hạn vì hiệu quả đầu tư thấp.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu đã giảm mạnh trong năm nay do các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục nới lỏng chính sách nhằm hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững. Đáng chú ý là sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/9 đã hạ lãi suất lần thứ hai trong năm 2019.

Phát biểu với CNBC, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Sarah Bloom Ruskin, cho rằng sự bất ổn của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và có thể kéo theo sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ. 

Bà Ruskin nhận định rằng trên thực tế, một trong những yếu tố kìm hãm kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới là sự bất ổn do căng thẳng thương mại gây nên, và rất khó có thể dự báo được kết quả cuối cùng. 

Trích dẫn một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà kinh tế của Fed về sự bất ổn dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại như thế nào, bà Raskin cho rằng tăng trưởng kinh tế chậm không nhất thiết do cuộc chiến thương mại, hay thuế quan dẫn đến kinh tế giảm tốc, mà chính sự bất ổn xung quanh cuộc chiến thương mại là nguyên nhân của sự giảm tốc.

Đồng quan điểm với bà Ruskin, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng New York Mellon, ông Shamik Dhar nhận định rằng “các mức thuế mà chúng ta chứng kiến cho đến nay không đủ lớn để giải thích cho sự suy giảm của thương mại toàn cầu. Các công ty và nhà đầu tư lo ngại nhiều kịch bản tồi tệ sẽ xảy ra, do đó họ đã và đang cắt giảm đầu tư”.

Giám đốc điều hành của công ty Pacific Investment Management Co (Pimco), Emmanuel Roman mới đây đưa ra dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ trải qua một thời kỳ khó khăn vào đầu năm 2020. 

Phát biểu tại Hội nghị Delivering Alpha do đài CNBC và tạp chí Istitutional Investor tài trợ, ông Roman nêu rõ: “Chúng tôi nhận thấy nền kinh tế Mỹ đang giảm tốc”, và lưu ý rằng trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ chỉ ở mức trên 1% một chút do tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Ông Roman lưu ý rằng ngoài cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, các vấn đề khác trên thế giới, bao gồm cả việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, và căng thẳng địa chính trị gia tăng tại Saudi Arabia cũng khiến triển vọng kinh tế Mỹ trở nên ảm đạm. Ông Roman nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng. 

Theo ông, người tiêu dùng là điểm sáng của nền kinh tế Mỹ, song lĩnh vực sản xuất đã suy giảm, kinh tế Mỹ lâm vào tình cảnh khó khăn. Ông Roman nói: “Các bạn sẽ chứng kiến nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm trong 6 tháng đầu năm 2020, song 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc hơn”.

Chỉ số S&P 500 được coi là “đại diện” của nền kinh tế vì nó tập hợp 500 công ty hoạt động trong các ngành công nghiệp và trên tất cả các lĩnh vực khác nhau của Mỹ. 500 cổ phiếu thành phần khiến cho giá trị chỉ số này liên tục thay đổi và biến động không ngừng. 

Trong khi đó, Pimco là một trong những hãng quản lý tiền tệ lớn nhất thế giới, hiện đang quản lý 1.800 tỷ USD. Do đó, những dự báo của hãng này kết hợp với chỉ số S&P 500 là cơ sở dữ liệu có giá trị nghiên cứu về thực trạng kinh tế Mỹ hiện nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục