Xu hướng định hình ngành bán lẻ tương lai

10:37' - 02/07/2017
BNEWS Jack Ma - ông chủ của "người khổng lồ" trong lĩnh vực thương mại điện tử Alibaba - đã từng đưa ra khái niệm “bán lẻ kiểu mới”.
Jack Ma - ông chủ của "người khổng lồ" trong lĩnh vực thương mại điện tử Alibaba. Ảnh: TTXVN

Jack Ma - ông chủ của "người khổng lồ" trong lĩnh vực thương mại điện tử Alibaba - đã từng đưa ra khái niệm “bán lẻ kiểu mới” hướng đến loại bỏ sự khác biệt giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống thông qua các dịch vụ trọn gói từ mua sắm đến thanh toán và giao hàng.

Khái niệm trên của Jack Ma phản ánh một xu hướng mới trong ngành bán lẻ, khi các “đại gia” thương mại điện tử Trung Quốc đang chú ý đến các cửa hàng bán lẻ, và nỗ lực kết hợp các trải nghiệm mua sắm trực tuyến và truyền thống thông qua áp dụng công nghệ dữ liệu lớn.

Gần đây, Alibaba đã tiến hành một loạt thương vụ trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống, trong đó có thỏa thuận hoán đổi cổ phần với tập đoàn Suning Commerce Group và một thỏa thuận sáp nhập với chuỗi bán lẻ Intime.

Hồi tháng Năm vừa qua, “gã khổng lồ” này đã mua 18% cổ phần của Lianhua Supermarket, qua đó trở thành cổ đông lớn thứ hai của chuỗi siêu thị đang vận hành hơn 3.600 cửa hàng tại 19 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng đầu tư vào các cửa hàng truyền thống cho phép các doanh nghiệp thương mại điện tử tích hợp tốt hơn các dữ liệu thu thập được nhằm tạo ra các hồ sơ khách hàng chi tiết hơn.

Hema Xiansheng, một chuỗi cửa hàng bán đồ thực phẩm tươi sống được Alibaba đầu tư, chỉ chấp nhận thanh toán trực tuyến tại các cửa hàng truyền thống của mình.

Với một hệ thống hậu cần khá hoàn thiện, Hema cho phép khách hàng đặt hàng trực tuyến và giao hàng trong vòng 30 phút sau đó. Ông Hou Yi, người sáng lập Hema Xiansheng, cho rằng “bán lẻ kiểu mới, về mặt bản chất, là một chiến lược thích nghi với sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng”.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Trung Quốc, hình thức mua sắm trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ tại nước này, với tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến lên tới 2.470 tỷ NDT trong 5 tháng đầu năm 2017, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu bán hàng trực tuyến chỉ chiếm 13,2% tổng doanh số bán lẻ trong cùng kỳ.

Tình trạng này cho thấy Alibaba và các doanh nghiệp thương mại điện tử khác đang có một thị trường mua sắm truyền thống “màu mỡ” song gần như chưa được khai thác.

Theo báo cáo của công ty phân tích dữ liệu Analysys, "bán lẻ trực tuyến đang đóng một vai trò chủ đạo trong việc tái định hình ngành bán lẻ”. Analysys dự báo sẽ chứng kiến nhiều sự kết hợp chiến lược giữa các nhà bán lẻ trực tuyến và các cửa hàng truyền thống trong tương lai.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử Trung Quốc cũng đang chú ý đến việc nâng cấp chất lượng sản phẩm để phục vụ các loại hình tiêu thụ mới nhằm mở rộng thị phần, trong bối cảnh người tiêu dùng nước này ngày càng giàu có và sành sỏi.

Theo một báo cáo do “ông lớn” thương mại điện tử JD.com và Analysys phối hợp thực hiện, người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng lý trí hơn khi mua sắm trực tuyến, và có xu hướng tập trung nhiều hơn đến trải nghiệm mua sắm, thay vì chỉ quan tâm đến giá rẻ.

Nắm bắt được xu thế này, các doanh nghiệp đã ứng biến nhanh chóng. MIJIA, một trang web mua bán trực tuyến do nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc Xiaomi cầm chịch, đã bày bán các sản phẩm được chọn lọc, đặc biệt là các thiết bị gia dụng và thiết bị điện tử thông minh, nhằm đáp ứng nhu cầu của các khách hàng muốn mua các sản phẩm chất lượng cao.

Tmall, một trong những nòng cốt của đế chế Alibaba, trong năm nay đã thay đổi "khẩu hiệu" của mình từ "Mua sắm trên Tmall là đủ" thành "Đến với Tmall để có một cuộc sống lý tưởng", qua đó cho thấy một sự chuyển hướng sang các sản phẩm chất lượng.

Giới phân tích nhận định rằng các doanh nghiệp thương mại điện tử của Trung Quốc đang dần tiến lên trên chuỗi cung ứng bằng cách tự mình sản xuất các sản phẩm chất lượng cao. Đây sẽ là một xu hướng bán lẻ trực tuyến quan trọng trong tương lai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục