Xu hướng giá dầu và tác động đối với châu Á

05:00' - 19/08/2020
BNEWS Liệu giá dầu có tiếp tục chu trình hồi phục trong những tháng tới khi tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp?

Giá dầu đã chịu tác động mạnh bởi nhu cầu yếu trong khi nguồn cung tăng lên từ đầu năm 2020. Giá “vàng đen” đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 4/2020 và hồi sinh một phần nhờ nhu cầu đi lên và nguồn cung bị hạn chế.
Chuyên gia phân tích thị trường tài chính Prashant Pande thuộc Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) trụ sở tại Singapore cho rằng sự hồi phục của giá dầu có thể đã lên tới đỉnh. Triển vọng mờ mịt của nhu cầu dầu mỏ trong bối cảnh đại dịch COVID-19, sản lượng dầu mỏ tiếp tục gia tăng và các kho tích trữ đã ở mức cao kỷ lục sẽ tiếp tục kéo giá dầu đi xuống trong những tháng tới.
Trong giai đoạn từ tháng 1-7/2020, giá dầu thế giới diễn biến theo ba giai đoạn. Giai đoạn một từ tháng 1-4/2020, đại dịch COVID-19 dẫn tới tình trạng phong tỏa tại nhiều quốc gia, qua đó tác động nghiêm trọng tới nhu cầu dầu mỏ. Trong khi đó, các nước OPEC và các đồng minh (gọi là OPEC+) đã không thể nhất trí cắt giảm sản lượng, khiến nguồn cung vượt cầu, dẫn tới sự sụt giảm của giá dầu mỏ.
Giai đoạn hai trong tháng 5-6/2020, giá dầu mỏ thế giới hồi phục mạnh khi OPEC+ cắt giảm sâu sản lượng trong bối cảnh một số nền kinh tế bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, tái mở cửa nền kinh tế. 
Giai đoạn ba diễn ra sau đó chứng kiến giá dầu trong tình trạng “đình trệ”, không thể đạt mức đỉnh mới sau hội nghị của OPEC+ với thỏa thuận tiếp tục cắt giảm sản lượng. Nguyên nhân một phần do làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai xuất hiện, đặc biệt là tại Mỹ.
Chuyên gia Prashant Pande cho rằng nhìn về tương lai, các rủi ro đối với giá dầu mỏ đang ở chiều hướng tiêu cực. Nhu cầu dầu mỏ dự báo sẽ tiếp tục ở mức thấp hơn mức trước đại dịch COVID-19. Trong khi đó, nguồn cung từ OPEC+ và các nhà sản xuất khác sẽ tăng khi họ nối lại sản xuất sau khi giá dầu hồi phục gần đây. 
Một nhân tố khác có thể kéo giá dầu đi xuống là nguồn dầu mỏ tích trữ cao trong nửa đầu năm 2020. Theo dự báo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và OPEC, nguồn tích trữ này có thể đủ cho 6 quý.
Tất nhiên, cũng có khả năng giá dầu sẽ tăng nếu như nhu cầu bỗng dưng tăng đột biến hoặc có những dấu hiệu tích cực nào đó trên thị trường. Ngoài ra, sự suy yếu kéo dài của đồng USD có thể cũng sẽ giúp giá dầu tăng so với mức giá hiện nay. 
Dù vậy, chuyên gia Prashant Pande cho rằng, với sự không chắc chắn về đại dịch COVID-19 ở quy mô toàn cầu, những động lực để thúc đẩy giá dầu tăng là rất khó tìm thấy trong những tháng tới.
Giá dầu thấp đã mang lại tác động tích cực cho hầu hết các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và phần lớn các quốc gia ASEAN. Giá dầu thấp cũng giúp các nước cải thiện cán cân thanh toán, duy trì mức lạm phát thấp hơn và giảm gánh nặng tài khoá từ việc trợ cấp giá nhiên liệu. 
Dù vậy, tác động tích cực này đã bị che khuất một phần bởi sự sụp đổ của thương mại quốc tế. Giá dầu thấp cũng đóng góp cho sự giảm phát, nhưng động lực chủ yếu của giảm phát là sự sụt giảm nhu cầu do các biện pháp phong tỏa. 
Chuyên gia Prashant Pande cho rằng giá dầu mỏ thấp mang lại sự giải tỏa nhất định cho hầu hết các nền kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, trong trường hợp không có nhiều khả năng xảy ra song cũng không loại trừ là giá dầu mỏ tăng trong những tháng tới, các nền kinh tế khu vực sẽ phải đối mặt với các nguy cơ từ tình trạng lạm phát đình đốn trong bối cảnh thất nghiệp cao và nhu cầu sụt giảm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục