Xu hướng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới

16:24' - 25/07/2017
BNEWS Trong số các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, chỉ có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản, còn các ngân hàng khác gần như “án binh bất động”.
Xu hướng lãi suất ngân hàng trên thế giới. Ảnh minh họa: Forbes

Các chuyên gia của Ngân hàng Barclays mới đây đã đưa ra nhận định rằng xu hướng lãi suất âm tại các quốc gia phát triển, đặc biệt là Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Nhật Bản có thể kéo dài thêm vài năm nữa, do các nền kinh tế này tiếp tục phải ứng phó với tăng trưởng ì ạch và lạm phát thấp. Trong khi đó, đà phục hồi kinh tế tốt hơn ở Mỹ và Vương quốc Anh có thể là căn cứ tốt để hai nước này tăng lãi suất nhanh hơn.

Trên thực tế, trong số các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, chỉ có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đưa ra quyết định bước ngoặt là nâng lãi suất cơ bản, thậm chí họ đã nâng lãi suất hai lần kể từ đầu năm đến nay, còn các ngân hàng khác gần như “án binh bất động”.

Để cùng đánh giá về xu hướng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cũng như hiệu ứng của công cụ tài chính này đối với kinh tế toàn cầu, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết các công cụ tài chính nào đã được Fed thực hiện hiệu quả trong thời gian qua nhằm đưa nền kinh tế Mỹ bước đi vững vàng trên con đường hồi phục?

TS Nguyễn Đức Độ: Khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra năm 2008, Chính phủ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có rất nhiều giải pháp. Về phía Chính phủ Mỹ, họ thực hiện giải pháp tái cấp vốn cho các ngân hàng lớn để tránh đổ vỡ, còn Fed ngoài việc giám sát còn có hai chính sách quan trọng. Một là hạ lãi suất xuống 0-0,25%. Tuy nhiên đây là lãi suất ngắn hạn. Hai là để tác động đến lãi suất dài hạn thì có một chính sách khác, đó là nới lỏng định lượng hay còn gọi là QE.

Chính sách này được thực hiện bằng việc Ngân hàng Trung ương mua vào trái phiếu dài hạn của Chính phủ cũng như của các doanh nghiệp trên thị trường, đặc biệt là chứng khoán thế chấp bất động sản.

Hai chính sách này dẫn đến lãi suất ngắn hạn và dài hạn ở Mỹ hạ. Với những con nợ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính thì gánh nặng trả nợ cũng bớt đi và lãi suất thấp cũng thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư. Và sau một thời gian thì chính sách này mang lại kết quả tích cực, đó là tình hình kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại dù tốc độ phục hồi không được như lần trước.

TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính. Ảnh: Báo Nhân dân

PV: Sau hơn một tháng có hiệu lực, ông đánh giá thế nào về quyết định tăng lãi suất của Fed vào ngày 14/6 ? Liệu đây có phải là bước đi hơi vội vàng hay không?

TS Nguyễn Đức Độ: Quan điểm này có phần đúng nhưng cũng chưa thật chính xác. Lạm phát đúng là một trong những chỉ số quan trọng để Fed đưa ra chính sách lãi suất của họ. Thế nhưng lạm phát không phải là tất cả. Hiện tại lạm phát của Mỹ ở dưới 2% và dưới mức mục tiêu.

Cuối năm ngoái và đầu năm nay, lạm phát tăng và đã vượt mức 2%, nhưng trong mấy tháng gần đây, lạm phát đã giảm và hiện vào khoảng 1,5%. Tuy nhiên, Fed còn quan tâm đến các vấn đề như giá tài sản. Khi lãi suất thấp thì tiền chảy vào các thị trường tài sản rất mạnh.

Vừa rồi chúng ta thấy các chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 tăng tương đối mạnh và liên tục tăng. Giá chứng khoán ở Mỹ đã được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là đắt đỏ. Nếu như chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng và giá chứng khoán tăng và đến lúc nào đó nếu bong bóng chứng khoán vỡ có thể để lại những hậu quả nhất định.

Nhiều người cho rằng chu kỳ tăng lãi suất của Fed vẫn tiếp tục, nhưng với mức lạm phát như vừa rồi thì chu kỳ này nên chậm lại. Bản thân Chủ tịch Fed Janet Yellen cũng cho rằng nếu có tăng lãi suất thì họ cũng không tăng mạnh nữa.

PV: Thị trường tài chính và chứng khoán thế giới đã chứng kiến những thay đổi như thế nào qua ba lần Fed tăng lãi suất cứ ba tháng một lần từ tháng 12 năm ngoái đến nay, thưa ông ?

TS Nguyễn Đức Độ: Cuối năm ngoái, thị trường chờ đợi Fed tăng lãi suất. Xác suất thị trường đánh giá gần 100% khả năng Mỹ tăng lãi suất và khi Fed tăng lãi suất thì các biến số khác cũng chạy theo thị trường đó, chẳng hạn lãi suất dài hạn có nhích lên.

Thế nhưng kể từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, khi Fed tăng thêm hai lần lãi suất nữa thì phản ứng của thị trường không đồng thuận lắm. Chẳng hạn như Fed tăng lãi suất thì lãi suất dài hạn có xu hướng giảm nhẹ và đồng USD trên thị trường có cũng giảm.

Điều này cho thấy kỳ vọng của thị trường có thể khác với kỳ vọng của Fed và họ có thể coi lần tăng lãi suất gần đây của Fed là không phù hợp cho lắm và trước sau thì Fed cũng phải dừng lại. Họ không tiếp tục đặt cược vào đồng USD lên giá nữa.

PV: Theo ông đâu là những rào cản khiến nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới chần chừ chưa tăng lãi suất?

TS Nguyễn Đức Độ: Phần lớn các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có 2 mục tiêu (mục tiêu kép). Thứ nhất là ổn định lạm phát ở mức mục tiêu, thông thường là 2%. Mục tiêu thứ hai là tạo dựng việc làm và hỗ trợ tăng trưởng ở mức tối đa. Hai mục tiêu này có lúc mâu thuẫn nhau có lúc không.

Trong thời gian qua ở Nhật Bản cũng như ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), lạm phát thấp và tăng trưởng cũng thấp.

Chính vì vậy chính sách nới lỏng định lượng và giữ lãi suất ở mức âm để kích thích tăng trưởng và lạm phát cùng lúc đạt được cả hai mục tiêu như kỳ vọng của các ngân hàng trung ương.

Tăng trưởng thấp và lạm phát thấp vẫn là nguyên nhân khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục nới lỏng định lượng.

Trong khi đó, tình hình ở Anh lại hơi khác. Tăng trưởng của Anh năm 2016 và trong thời gian gần đây có khá hơn, đạt trên 2%. Lạm phát của Anh trong tháng 5 lên tới 2,9% và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng tính tới chuyện nâng lãi suất, thế nhưng họ lại lo ngại chuyện Brexit. Hiện tại, tác động của Brexit như thế nào rất khó đoán.

Có những dự đoán rằng các nhà đầu tư có thể chuyển đến nơi khác thay vì đến Anh, đó cũng là những rủi ro. Rồi vấn đề đàm phán thuế với EU như thế nào để hai bên đều có lợi cũng còn chưa rõ ràng.

Quý I vừa rồi, kinh tế Anh chỉ tăng trưởng 0,3% và lạm phát tháng 6 vừa qua giảm xuống 2,6% từ mức 2,9% trước đây. Tất cả những yếu tố này khiến họ không muốn tăng lãi suất nữa.

PV: Với xu hướng đối lập về lãi suất giữa một bên là Mỹ và một bên là các nền kinh tế lớn khác, chúng ta có thể đánh giá tổng quan thế nào về sự phục hồi của kinh tế thế giới trong thời gian qua?

TS Nguyễn Đức Độ: Trong thời gian qua, phần lớn các ngân hàng trung ương như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu hay Anh đều giữ lãi suất ở mức thấp và lý do là tăng trưởng dù có phục hồi nhưng vẫn yếu.

Sau khủng hoảng, kinh tế Mỹ thường phục hồi rất mạnh nhưng bây giờ ở mức chậm, thể hiện ở năng suất lao động giảm xuống 0,5% trong khi mức trung bình cả giai đoạn là 2% và vấn đề già hóa dân số cũng ảnh hưởng tới lực lượng lao động.

Một khi kinh tế tăng trưởng yếu và sức ép lạm phát không quá lớn thì ngân hàng trung ương sẽ vẫn chọn chính sách tiền tệ nới lỏng.

PV: Xu hướng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn sẽ diễn ra thế nào trong năm nay và năm tới?

TS Nguyễn Đức Độ: Hiện tại có một sự đồng thuận rằng châu Âu và Nhật Bản sẽ vẫn giữ mức nói lỏng như bây giờ và không có nhiều thay đổi. Lý do này không chỉ là thị trường kỳ vọng mà bản thân các nhà hoạch định chính sách của ECB và BoJ cũng khẳng định như vậy. Ở Anh, sau khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát giảm thì có lẽ họ cũng sẽ “án binh bất động”.

Có lẽ khó đoán nhất là ở Mỹ. Hiện tại có sự đồng thuận về việc Fed sẽ không tăng lãi suất trong tháng 9 tới và nếu có tăng thì nó sẽ xảy ra vào tháng 12. Nhưng nếu có tăng trong tháng 12 thì xác suất thị trường đánh giá vẫn chỉ vào khoảng 50% và cần thêm một vài số liệu của kinh tế Mỹ để xác nhận.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ảnh: Reuters

Nếu trong quý II và quý III, số liệu lạm phát của Mỹ ở mức thấp thì có thể Fed sẽ không tăng lãi suất trong tháng 12 tới.

Trong năm tới, Fed cũng có kế hoạch tăng lãi suất, nhưng với lạm phát ở mức như hiện tại thì khả năng tăng là rất mong manh.

Năm 2016, Fed đã từng nói sẽ tăng lãi suất ba lần cuối cùng họ chỉ tăng một lần. Kịch bản năm nay của Fed còn chưa rõ ràng, nên ít khả năng Fed tăng lãi suất ba lần trong năm tới.

PV: Liên quan đến Việt Nam, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất hai lần từ đầu năm đến nay đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự đoán trước và chủ động ứng phó như thế nào?

TS Nguyễn Đức Độ: Khi Fed tăng lãi suất họ có sẵn lịch trình. Mặc dù không phải lúc nào Fed cũng bám sát lịch trình này nhưng đây cũng là hướng để thị trường và các nền kinh tế khác trên thế giới dựa vào để xây dựng kịch bản ứng phó.

Việt Nam đã chuẩn bị tương đối tốt cho đợt Fed tăng lãi suất vào cuối năm ngoái. Khi Fed tăng lãi suất thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những điều chỉnh về chính sách tỷ giá vì đồng USD cuối năm ngoái tăng khá mạnh.

Thế nhưng trong nửa đầu năm nay thì mọi chuyện không như kỳ vọng. Chúng ta kỳ vọng Fed tăng lãi suất thì đồng USD sẽ tăng giá nhưng trên thế giới thì đồng USD lại giảm giá.

Tôi cho rằng hiện tại với triển vọng Fed có tăng lãi suất thì sẽ tăng chậm và đồng USD có khả năng đã đạt đỉnh từ cuối năm ngoái và nó sẽ không tăng mạnh trở lại nữa thì chúng ta sẽ không chịu sức ép từ tỷ giá nhiều. Đây là những điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất VND theo chỉ đạo của Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn ông!

>>>Chính sách lãi suất của Fed có bị chi phối bởi trái phiếu USD của Trung Quốc?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục