Xu hướng phát triển thế giới: Sau toàn cầu hóa là sự phân mảnh toàn cầu

05:30' - 28/05/2022
BNEWS Ai là người đặt dấu chấm hết cho toàn cầu hóa? Theo quan điểm nhìn nhận kiểu Mỹ, sự kết thúc này không đến từ các quyết định kinh tế, mà đến từ một sự lựa chọn chính trị.

Nhận định về xu hướng phát triển của thế giới, nhật báo Les Echos cho rằng quá trình toàn cầu hóa đã kết thúc, trong khi quá trình phi toàn cầu hóa đã bắt đầu hình thành từ hơn một thập kỷ trước giờ đây là sự phân mảnh của hành tinh.

Thương mại thế giới không còn như trước. Do đại dịch COVID-19, điều đó là tất nhiên. Tuy nhiên, trên hết là do ảnh hưởng của những cuộc xung đột. Larry Fink, người đứng đầu quỹ đầu tư lớn nhất nhì thế giới với hơn 10.000 tỷ USD tài sản BlackRock, đã viết rằng:

"Chiến dịch quân sự của Nga (tại Ukraine) đã đặt dấu chấm hết cho quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta đã trải qua trong ba thập kỷ qua".

* Từ toàn cầu hóa đến phi toàn cầu hoá

Có thể nói, toàn cầu hóa đã dẫn đến xu hướng chuyển dịch ngành sản xuất giữa các nước phát triển và các quốc gia mới nổi. Hàng hóa được vận chuyển thông qua các chuỗi cung ứng giúp giảm chi phí sản xuất của các công ty và thúc đẩy lạm phát.

Đổi lại, người tiêu dùng phương Tây được hưởng lợi từ các sản phẩm dồi dào và giá rẻ. Trung Quốc, Đông Nam Á và nhiều quốc gia khác đã tận dụng lợi thế của toàn cầu hóa để phát triển kinh tế và đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Tuy nhiên, cũng do toàn cầu hóa, nhiều ngành sản xuất của phương Tây đã phải đóng cửa mà không được thay thế. Thảm họa Fukushima năm 2011 đã trở thành lời cảnh báo đầu tiên về sự mong manh của mô hình này. Việc các nhà máy sản xuất phụ tùng ở khu vực này của Nhật Bản đóng cửa đã gây ra sự chậm lại trong tăng trưởng ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Trong khi đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng làm nổi bật sự phụ thuộc vào nguồn cung liên quan đến công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc hoặc đất hiếm cho phương Tây. Đại dịch COVID-19 vào năm 2020, việc kênh đào Suez bị chặn bởi một con tàu mắc cạn vào năm 2021 và căng thẳng ở Ukraine vào năm 2022 đã cho thấy những giới hạn của toàn cầu hóa.

Ai là người đặt dấu chấm hết cho toàn cầu hóa? Theo quan điểm nhìn nhận kiểu Mỹ, sự kết thúc này không đến từ các quyết định kinh tế, mà đến từ một sự lựa chọn chính trị.

Nhìn bằng góc độ khác, có thể thấy rằng quyết định thực sự mang tính chính trị đã được đưa ra vào ngày 8/11/2016 với sự thắng cử của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã thực hiện chủ trương của mình về việc đóng cửa biên giới. Kể từ đó, quan hệ thương mại trở nên căng thẳng hơn rất nhiều giữa Mỹ và Trung Quốc trước tiên, sau đó là giữa Mỹ và châu Âu… và đại dịch COVID-19 đã khiến các nước càng xa nhau hơn.

* Từ phi toàn cầu hóa đến phân mảnh

Khi Giám đốc điều hành của BlackRock Larry Fink viết cho các cổ đông của mình rằng "cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chấm dứt quá trình toàn cầu hóa như chúng ta đã biết trong 30 năm qua", ông đang đề cập đến những vấn đề rất thực tế đang được đặt ra, đó là an ninh năng lượng, chủ quyền công nghiệp và lạm phát do sự tái tổ chức trên quy mô lớn các chuỗi cung ứng. Những điều này đã tạo nên một trật tự quốc tế mới, trong đó sự phân mảnh sẽ gây ra những hậu quả mang tính cơ cấu đối với các quốc gia mới nổi.

Quá trình toàn cầu hóa rõ ràng đã dừng lại hơn một thập kỷ trước, thay vào đó là những nghịch lý của phi toàn cầu hóa. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), dự báo mức trao đổi thương mại hàng hóa sẽ tăng 3% vào năm 2022, thấp hơn mức tăng trưởng toàn cầu, có thể là 4%. Nếu quan sát kỹ hơn sẽ thấy thương mại đã tiến triển với tốc độ chậm hơn một chút so với sản xuất. Điều này cho thấy thực sự là một hình thức phi toàn cầu hóa đang hình thành.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phi toàn cầu hóa như nhu cầu sản xuất gần gũi hơn với người tiêu dùng, mức lương tăng ở các nước mới nổi, sự tập trung của các nhà sản xuất Trung Quốc vào thị trường nội địa của họ, nhận thức về sự mong manh của các chuỗi sản xuất kéo dài... khiến chủ nghĩa bảo hộ quay trở lại ở nhiều nước.

Phi toàn cầu hóa mang lại những cơ hội và cả rủi ro. Đây có thể là cơ hội để xây dựng một mô hình kinh tế bền vững hơn, dựa trên các ngành công nghiệp địa phương và chuỗi cung ứng ngắn hơn, ít tiêu tốn năng lượng hơn. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng này cũng cần được cân bằng và với sự tham gia của các quốc gia mới nổi.  Theo chuyên gia kinh tế Pháp Laurence Daziano, nếu đối với một số người, toàn cầu hóa chẳng mang lại sự vui vẻ gì, thì với nhiều người khác, xu hướng phi toàn cầu hóa cũng sẽ như vậy.

Lạm phát gia tăng sẽ khiến lãi suất tăng, điều này sẽ khiến dòng vốn đầu tư chuyển hướng sang các sản phẩm và thị trường ổn định hơn, gây bất lợi cho các nước mới nổi, vốn được coi là khu vực rủi ro hơn. Sự khan hiếm nguồn vốn tài trợ có nguy cơ làm suy yếu quá trình công nghiệp hóa của các quốc gia này. Phương Tây sẽ phải tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc, điều này cũng sẽ tạo ra một sự rạn nứt hệ thống thực sự, kèm theo những rủi ro về chiến lược, chính trị, khí hậu và tài chính ...

Xu hướng phi toàn cầu hóa cũng không có gì mới, nhưng việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine lại mang đến dấu hiệu của một thực tế khác, đó là sự phân mảnh của thế giới. Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), gần đây đã nói về "rủi ro ngày càng tăng" đó là "sự phân mảnh của kinh tế toàn cầu thành các khối địa chính trị, với các tiêu chuẩn kinh doanh và công nghệ, hệ thống thanh toán và tiền tệ dự trữ khác nhau".

Ví dụ, Nga có thể tham gia trong một khối với Trung Quốc, được thể hiện qua thỏa thuận cung cấp việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt khổng lồ giữa hai nước, được ký kết ngay sau khi xung đột bùng phát với Ukraine. Hậu quả là hàng hóa và vốn không phải là những thứ duy nhất bị ảnh hưởng. Khách du lịch, dịch vụ và dữ liệu sẽ di chuyển ít hơn từ khối này sang khối khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục