Xu hướng phát triển tích hợp “kinh tế gia đình” và “vũ trụ ảo”

05:30' - 11/02/2022
BNEWS Đại dịch COVID-19 đã bước vào năm thứ ba, kinh tế thế giới và chuỗi sản xuất bị tác động nặng nề, mô hình kinh tế truyền thống dần thay đổi trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài.

Xu hướng tích hợp “kinh tế gia đình” và “vũ trụ ảo”

Theo tờ Thương báo của Hong Kong (Trung Quốc), do nhu cầu sinh hoạt thường nhật ngày càng phụ thuộc vào mạng Internet, cùng với việc đẩy nhanh sự phát triển của “kinh tế gia đình” (home economic) đã thúc đẩy sự ra đời của “vũ trụ ảo” (metaverse - vũ trụ ảo do máy tính tạo ra và tồn tại song song với đời thật).

Để tồn tại, các ngành công nghiệp truyền thống cũng buộc phải chuyển đổi số, điều này đã thúc đẩy nền kinh tế thế giới nhanh chóng chuyển sang nền kinh tế số và đổi mới sáng tạo công nghệ, chính phủ các nước đều muốn tiên phong bước vào con đường kinh tế mới để giành quyền chủ đạo đối với lĩnh vực phát triển kinh tế mới.    

Theo “Báo cáo phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc và toàn cầu năm 2021” do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố gần đây, chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, các sản phẩm thương mại điện tử xuyên biên giới liên quan đến “kinh tế gia đình” đón nhận sự tăng trưởng nhanh.

Trong nửa đầu năm 2020, xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến “kinh tế gia đình” tăng gần 90% so với cùng kỳ, trong đó đồ điện gia dụng, chăm sóc cá nhân, giải trí và thể thao trong nhà… ghi nhận hiệu suất vượt trội. 

Đến nửa cuối năm 2020, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm “kinh tế gia đình” tiếp tục tăng do liên quan đến nhu cầu cách ly hàng ngày, giải trí trực tuyến và đồ dùng cho thú cưng… Bên cạnh đó, đơn đặt hàng sản phẩm “kinh tế gia đình” toàn cầu quay trở lại là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2021, ước tính hàng hóa liên quan đến “kinh tế gia đình” toàn cầu đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu tổng thể hơn 10 điểm phần trăm.

Trên thực tế, trong thời kỳ dịch bệnh nghiêm trọng trên toàn cầu, người dân các nước đều cố gắng giảm thời gian ra khỏi nhà, điều này khiến cho phương thức sinh hoạt chuyển sang Internet hóa, đám mây hóa và kỹ thuật số hóa một cách vô thức, từ đó đã trực tiếp thúc đẩy sự phổ cập của “kinh tế gia đình”.

Các nền tảng thương mại điện tử thay thế cửa hàng truyền thống, nền tảng nghe nhìn trực tuyến thay thế rạp chiếu phim, cũng như thanh toán điện tử thay thế thanh toán bằng tiền mặt đã trở thành xu thế toàn cầu, hơn nữa có xu hướng phát triển nhanh. 

Nhà cung cấp dịch vụ công nghệ tài chính (fintech) hàng đầu thế giới FIS sau khi phân tích xu hướng thanh toán của 41 quốc gia phát hiện rằng, dịch COVID-19 đã đẩy nhanh mức độ phổ cập của ví điện tử trên toàn cầu, đồng thời giảm thiểu khối lượng sử dụng tiền mặt, dự đoán việc thanh toán tiền mặt ở một số khu vực có thể đối diện với số phận dần bị loại bỏ.

Internet thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới nổi

Trên thực tế, công nghệ Internet trỗi dậy vào thập niên 90 của thế kỷ trước, từng bước thâm nhập vào các khía cạnh đời sống như thương mại, thông tin, truyền thông, mạng xã hội và giải trí trong hơn 20 năm, đồng thời tạo ra thị trường thương mại khổng lồ, các thương hiệu như Amazon, Microsoft và Google… nương vào làn sóng toàn cầu hóa công nghệ Internet để trở thành những ông lớn công nghệ quốc tế. 

Xu thế toàn cầu hóa “kinh tế gia đình” ra đời từ dịch COVID-19 đã đẩy nhanh mức độ chấp nhận và nhận thức của người dân toàn cầu đối với cuộc sống số, kích thích và thúc đẩy sự hình thành và phát triển của khái niệm “vũ trụ ảo”, cùng với sự thẩm thấu và nâng cấp nhanh chóng của các công nghệ và thiết bị thông minh, nhiều khả năng “kinh tế gia đình” sẽ tích hợp với “vũ trụ ảo” trở thành ngành kinh tế mới nổi tiếp sau công nghệ Internet.  

Có thể nói rằng, dưới sự thúc đẩy của đại dịch, kinh tế thế giới và chuỗi sản xuất hiện đang phát triển nhanh sang nền kinh tế số lấy đổi mới sáng tạo công nghệ làm trung tâm, các quốc gia như Mỹ và châu Âu đều muốn giành quyền phát ngôn đối với phát triển kinh tế mới. Điều này cũng đã giải thích lý do tại sao Mỹ tích cực phối hợp với đồng minh châu Âu, kiềm chế Trung Quốc phát triển công nghệ trong những năm gần đây để củng cố địa vị thống trị kinh tế thế giới của mình.

Tuy nhiên, Trung Quốc đều có lợi thế dẫn đầu trên các phương diện như phát triển mạng 5G, trí tuệ nhân tạo (AI), tiền kỹ thuật số và phổ cập thanh toán điện tử. Theo số liệu do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) toàn xã hội năm 2021 của Trung Quốc đạt 2.786,4 tỷ nhân dân tệ (NDT), tăng 14,2%, chiếm 2,44% tỷ trọng tổng giá trị sản xuất quốc nội (GDP), tăng 0,03% so với năm 2020, tiệm cận với mức bình quân 2,47% của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trước đại dịch. 

Ngoài ra, theo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố, năng lực đổi mới sáng tạo công nghệ của Trung Quốc đứng 12/132 nền kinh tế trong bảng xếp hạng, tăng hai bậc so với năm 2020, củng cố vị trí đứng đầu trong số các nền kinh tế thu nhập trung bình, đồng thời ghi nhận tăng 23 bậc từ năm 2013 đến nay.

Thời gian tới, làm thế nào để duy trì lợi thế, đồng thời thông qua đi sâu cải cách mở cửa và hợp tác thương mại quốc tế để chống lại sức ép của Mỹ và châu Âu, chiếm cao điểm phát triển trong tương lai là vấn đề Chính phủ Trung Quốc cần sớm nghiên cứu và xử lý./.                   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục