Xu hướng số hóa tác động ra sao tới doanh nghiệp phân phối sản phẩm ICT?

20:15' - 26/09/2021
BNEWS Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng ICT vẫn không ngừng tăng trưởng, là mơ ước của nhiều doanh nghiệp ngành khác.
Dịch COVID-19 được cho là nguyên nhân thúc đẩy số hóa ở Việt Nam và tác động đến hành vi của người tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu tăng lên đối với các sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Điều này có lợi cho các nhà phân phối sản phẩm ICT.

*Xu hướng số hóa

Báo cáo e-Conomy SEA 2020 của Google chỉ ra rằng, người tiêu dùng chuyển sang các dịch vụ kỹ thuật số. Trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới chiếm 41% tại Việt Nam, cao hơn so với bình quân khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, 94% số người dùng mới này định tiếp tục sử dụng các dịch vụ đó, kể cả sau đại dịch.

Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện, người dân Việt Nam thường dành 3,1 giờ/ngày để truy cập Internet cho mục đích cá nhân. Trong khoảng thời gian áp dụng giãn cách xã hội trên diện rộng, con số này đã tăng vọt lên 4,2 giờ/ngày. Con số này kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao 3,5 giờ/ngày hậu đại dịch.

Nền kinh tế Internet ở Đông Nam Á đã tăng trưởng 5% trong năm 2020 lên 105 tỷ USD bất chấp những khó khăn từ COVID-19 gây ra. Google ước tính rằng nền kinh tế Internet Đông Nam Á có thể tăng gần gấp ba lần lên 309 tỷ USD vào năm 2025, tương đương với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) trong giai đoạn từ 2020 – 2025 là 24%, được thúc đẩy bởi sự gia tăng mạnh mẽ trong thương mại điện tử với CAGR đạt 23%, truyền thông trực tuyến có CAGR đạt 15%, du lịch trực tuyến và tiêu dùng kỹ thuật số của phương tiện giao thông cũng như thực phẩm cũng lần lượt đạt CAGR ở mức 33% và 30%.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế kỹ thuật số nhanh nhất tại Đông Nam Á. Năm 2025, dự kiến nền kinh tế kỹ thuật số của Philippines có CAGR đạt 30%, Việt Nam đạt 29%, Thái Lan là 25%, Indonesia đạt 23%, Malaysia và Singapore đều đạt 21%.

Triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế số cho thấy, khả năng thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng như dành nhiều thời gian trực tuyến hơn và có thể duy trì bền vững trong tương lai.

*Doanh nghiệp hưởng lợi

Thực tế, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng ICT vẫn không ngừng tăng trưởng, là mơ ước của nhiều doanh nghiệp ngành khác.

Có thể kể đến trường hợp của Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán: DWG), trong năm 2019 (năm chưa xảy ra dịch COVID-19) doanh thu và lợi nhuận trước thuế của của doanh nghiệp lần lượt là 8.493 và 210 tỷ đồng thì đến năm 2020 (năm dịch COVID-19 bùng nổ) đã là 12.536 tỷ đồng và 333,8 tỷ đồng; tương ứng với mức tăng trưởng hơn 47,6% về doanh thu thuần và gần 59% về lợi nhuận trước thuế. BVSC dự báo năm 2021, doanh thu thuần của Công ty cổ phần Thế giới số tiếp tục tăng trưởng 58,5%, lợi nhuận trước thuế tăng tới hơn 84%.

Theo BVSC, đối với thị trường laptop Việt Nam, nhu cầu mạnh mẽ thúc đẩy bởi nhu cầu làm việc và học tập online. Doanh thu laptop tại Việt Nam đã tăng trong 3 năm qua, được thúc đẩy bởi môi trường kinh doanh sôi động trước COVID-19; nỗ lực số hóa ngày càng tăng và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, như chuyển sang làm việc và học tập trực tuyến.

Thông thường, quý III hàng năm là mùa cao điểm của máy tính xách tay tại Việt Nam, chủ yếu do mùa tựu trường. Với tình hình COVID-19 hiện tại trên toàn quốc, học sinh được yêu cầu học trực tuyến, dự kiến sẽ kéo dài đến cuối học kỳ đầu tiên trong năm nay. Nhu cầu về máy tính xách tay theo đó đang bùng nổ.

Cả Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) và Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã chứng khoán: FRT) đều cho biết, nhu cầu về laptop trong tháng 8/2021 đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Ví dụ từ phía nhà cung cấp Acer cũng chia sẻ rằng doanh thu tháng 8/2021 của hãng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, trong khi dự kiến doanh thu tháng 9 sẽ tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các nhà phân phối laptop hưởng lợi ròng từ nguồn cung hạn chế. Trước tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới, các nhà sản xuất laptop đang chuyển sang tập trung vào các sản phẩm cao cấp hơn, có giá bán cao hơn, nhằm thúc đẩy doanh thu và lợi nhuận.

“Chúng tôi hiểu rằng, các nhà sản xuất laptop hiện đang tăng cường hơn nữa nỗ lực của họ trong chiến lược cao cấp hóa sản phẩm, thực sự đã bắt đầu trước COVID-19”, BVSC cho biết.

Trên thực tế, cả Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động và Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT đều đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm laptop phân khúc giá thấp.

Dù gặp khó khăn về nguồn cung, BVSC tin rằng các nhà phân phối laptop có vị thế tốt để hưởng lợi trực tiếp vì nhu cầu bùng nổ sẽ giúp kiềm chế chi phí bán hàng như chi phí chiết khấu, khuyến mại và chiến lược cao cấp của nhà sản xuất mở rộng giá bán trung bình (ASP), hỗ trợ cả tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận.

Chuyên gia phân tích từ BVSC nhận định, máy tính xách tay (laptop) và máy tính bảng ở Việt Nam có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ gia tăng xu hướng làm việc tại nhà, trong  khi học sinh có thể phải học trực tuyến cho đến cuối học kỳ đầu tiên.

Với thị trường điện thoại di động , Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến” chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2021. Theo đó, các thiết bị đầu cuối thông tin di động sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam phải hỗ trợ công nghệ 4G trở lên. Điều này sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch sang điện thoại thông minh hơn nữa, qua đó, hỗ trợ tăng trưởng doanh thu ngành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc VinSmart rút lui khỏi thị trường mang lại lợi ích cho các hãng tập trung vào các sản phẩm ở tầm trung và thấp.

Các sản phẩm chính hãng của Apple đang giành lại thị phần, được hỗ trợ bởi quản lý chặt chẽ hơn của Chính phủ đối với các sản phẩm xách tay và sự hỗ trợ to lớn của Apple đối với các đối tác được ủy quyền tại Việt Nam.

Chuyên gia BVSC cho rằng, thị trường điện thoại di động của Việt Nam sẽ trở lại tăng trưởng từ quý IV/2021, nhờ vào việc mở lại các nhà bán lẻ trên toàn quốc, nhu cầu bị dồn nén sau các đợt giãn cách trên diện rộng và việc tích cực tung ra các sản phẩm mới trong mùa cao điểm của thị trường.  Bên cạnh đó, BVSC cũng nhận định, những thay đổi cấu trúc ngành sẽ định hình triển vọng tươi sáng hơn cho thị trường điện thoại di động trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục