Xu hướng tiêu dùng mới

16:04' - 03/08/2021
BNEWS Nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh định hướng xuất khẩu và nhu cầu trong nước.

Khi nhu cầu từ đối tác thương mại thế giới của Việt Nam bắt đầu giảm xuống trong thời kỳ dịch COVID-19, nhu cầu nội địa vẫn tạo đà cho GDP tăng trưởng. Ở lĩnh vực bán lẻ, đại dịch đã thúc đẩy hành vi tiêu dùng trên nền tảng kỹ thuật số và khuyến khích việc mua sắm trên sàn thương mại điện tử.

Với xu hướng này, nhiều doanh nghiệp trong ngành tiêu dùng nhanh chóng chuyển hướng đầu tư sang kênh kỹ thuật số để thích ứng với chiến lược tiếp cận thị trường (route-to-market), nhằm tận dụng cơ hội từ sự thay đổi thói quên tiêu dùng.

Bài 1: Xu hướng tiêu dùng mới

Nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 đạt được thành công nhất định, nên tâm lý người tiêu dùng Việt Nam vẫn tương đối tích cực trong thời gian qua. Điều này tạo thuận lợi để đơn vị sản xuất, kinh doanh hoạt động trong ngành tiêu dùng phát triển mạnh trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng khiến người tiêu dùng dịch chuyển ưu tiên sang những mặt hàng thiết yếu và mong muốn sản phẩm dịch vụ tốt hơn.

*Tập trung nhu cầu thiết yếu

Kết quả khảo sát người tiêu dùng Việt Nam do Công ty TNHH Deloitte Việt Nam thực hiện cho thấy, những thay đổi trong chi tiêu của người tiêu dùng Việt Nam phản ánh sự dịch chuyển của các ưu tiên trong thói quen tiêu dùng sang nhóm sản phẩm thiết yếu, giảm chi tiêu cho nhóm sản phẩm tùy ý. Những nhân tố tác động đến hành vi mua hàng vẫn tập trung vào đặc tính của thương hiệu và chất lượng, thay vì giá cả hàng hóa như trước đây.

Điều này, phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong những năm gần đây, khi có mức thu nhập ngày càng tăng thì người tiêu dùng phổ biến tìm kiếm sự lựa chọn thay thế chất lượng cao hơn. Người dân cũng dành nhiều ưu tiên hơn cho những mặt hàng thuộc danh mục nhu yếu phẩm thiết yếu trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của gia đình do ảnh hưởng của việc tuân thủ biện pháp giãn cách xã hội như ở nhà nhiều hơn hoặc tự nấu ăn. Làm việc ở nhà nhiều hơn khiến mức chi dùng cho sản phẩm, dịch vụ tại nhà tăng cao và danh mục sản phẩm cũng thay đổi.

Theo chuyên gia Deloitte, việc tập trung vào nhu cầu thiết yếu, đồng nghĩa với việc người dân cắt giảm chi phí tiêu dùng cho danh mục sản phẩm dịch vụ khác; trong đó có nhiều sản phẩm tiện ích cho cuộc sống, trừ hai nhóm dịch vụ internet và đồ vệ sinh gia dụng. Điển hình, sức mua sản phẩm điện tử dân dụng giảm từ 10% xuống 0,2%; dịch vụ giải trí và du lịch từ 4% xuống 0,4%... Danh mục sản phẩm như: nghỉ ngơi giải trí, ăn tiệm, karaoke và quán bar... bị cắt giảm hầu hết, chủ yếu là do tình trạng đóng cửa hoặc hạn chế hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh.

Việc cắt giảm ngân sách cho giải trí và du lịch là do tình trạng hạn chế đi lại để phòng tránh dịch bệnh bùng phát nhưng việc giảm chi tiêu cho điện tử dân dụng đã phản ánh tâm lý thận trọng của người dân. Tuy nhiên, vẫn có một vài khác biệt nhỏ về phân bổ tiêu dùng mặt hàng thiết yếu của người dân ở những thành phố khác nhau.

Khảo sát thói quen chi tiêu của người tiêu dùng ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh khá tương đồng nhưng với người dân ở Đà Nẵng lại chi mua thực phẩm (chế biến sẵn và tươi sống) nhiều hơn. Còn người dân ở Cần Thơ tiêu tốn nhiều cho sản phẩm nhà ở và tiện ích. Người Việt Nam có xu hướng tích trữ hàng hóa nhiều hơn do tác động của dịch COVID-19. Điển hình như: thời điểm giãn cách xã hội toàn Tp. Hồ Chí Minh, doanh số bán bánh mì ăn liền và sữa hộp đã tăng tương ứng 112% và 12% so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy, người tiêu dùng phải ở nhà nhiều hơn nên chuyển từ chi tiêu cho dịch vụ bên ngoài sang tiêu dùng tại nhà. Các doanh nghiệp có thể nhận thấy, nhóm sản phẩm không thiết yếu dễ bị ảnh hưởng về doanh số trong thời kỳ đại dịch hoặc suy thoái, trong khi nhóm hàng hóa dịch vụ chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng trong một thập kỷ qua. Dịch COVID-19 có thể xem là một tín hiệu cảnh báo về những cú sốc thị trường và sự ảnh hưởng tới các sản phẩm - chuyên gia của Deloitte nhận xét. 

* Phân bổ chi tiêu gia đình

Đánh giá ở góc độ người tiêu dùng cho thấy, bất chấp những biến động kinh tế đang diễn ra, người tiêu dùng Việt Nam nhìn chung vẫn lạc quan. Những người tham gia khảo sát đánh giá mức độ tin cậy vào tổng quan nền kinh tế Việt Nam ở mức 7,2/10 trong vòng từ 3-5 năm tới (thang đo mức độ tin cậy từ 0 – 10, tương ứng từ mức độ tin cậy thấp nhất đến mức độ tin cậy cao nhất).

Báo cáo của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh cũng cho hay, mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tính chung 6 tháng đầu năm năm 2021 trên địa bàn thành phố vẫn đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước, dù trong đó có những tháng giảm như tháng 6 vừa qua. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 đạt 541.685 tỷ đồng, tăng 7,3% so cùng kỳ năm trước.

Trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát tại Tp. Hồ Chí Minh đã và đang thúc đẩy nhu cầu về những mặt hàng thiết yếu của người dân cũng tăng cao. Vì vậy, Tp. Hồ Chí Minh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho người dân, không để xảy ra tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng hay khan hiếm hàng hóa cục bộ.

Tuy nhiên, dự báo dịch bệnh vẫn tiếp diễn biến phức tạp nên tỷ lệ người người dân dự định cắt giảm chi tiêu hàng ngày đã tăng lên đáng kể so với thời điểm bình thường. Nhiều người dân tại Tp. Hồ Chí Minh cho hay, họ sẽ cắt giảm chi tiêu để phòng chống rủi ro tài chính và đảm bảo an toàn cho gia đình nếu dịch COVID-19 chưa được kiểm soát hiệu quả hơn.

Chị Mai Trang, nhân viên văn phòng tại Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, những tháng gần đây, gia đình chỉ tập trung mua sắm hàng hóa thiết yếu, hoàn toàn cắt giảm những khoảng chi tiêu ngoài. Gia đình có hai con nhỏ nên trong bối cảnh dịch bệnh buộc phải phân bổ lại chi tiêu sinh hoạt hàng ngày để tiết kiệm và phòng rủi ro về tài chính trong tương lai.

Tương tự, anh Hải Triều, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên thu nhập bị giảm 50% so với bình thường khiến chi tiêu hàng ngày cũng phải tiết kiệm hơn. Đối với những hoạt động vui chơi, giải trí, hàng hóa không thiết yếu... gia đình chủ động cắt giảm hoàn toàn; chỉ ưu tiên mua sắm mặt hàng phục vụ cho đời sống hàng ngày như: lương thực, thực phẩm, khẩu trang y tế...

Ghi nhận thực tế cho thấy, mặc dù người tiêu dùng Việt Nam đã giảm quy mô giỏ hàng về số lượng hàng hóa ở mỗi lượt mua sắm hàng tạp hóa, nhưng giá trị giỏ hàng lại tăng cao đáng kể. Đồng thời, người dân sẵn sàng chi nhiều hơn cho mỗi đơn vị hàng hóa hay giá trị giỏ hàng mỗi lượt mua sắm tiêu dùng trong sinh hoạt hàng ngày.

Xu hướng này, khá phù hợp với hiện trạng nhiều gia đình ưu tiên mức chi dùng hàng tháng theo kế hoạch cho thực phẩm chế biến sẵn và tươi sống, thực phẩm đồ hộp... tăng cao trong thời gian qua. Đặc biệt, với tác động của dịch COVID-19, hành vi người tiêu dùng đã có sự thay đổi lớn, đó là gia tăng chi tiêu hàng tháng vào sản phẩm chăm sóc sức khỏe như: nước rửa tay và khẩu trang.

Ngược lại, chi tiêu hàng tháng theo kế hoạch của hộ gia đình dành cho đi lại đã giảm do biện pháp giãn cách xã hội khiến người dân tiết chế nhu cầu đi lại bên ngoài. Tương tự, người dân chi dùng cho dịch vụ giáo dục cũng hạn chế, bởi đây là lĩnh vực không thiết yếu trong giai đoạn dịch bệnh./.

Xem thêm:

>>Bài 2: Chuyển hướng đi chợ mạng

>>Bài cuối: Định hình lại thị trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục