Xử lý các dự án yếu kém của PVN: Tiếp sức bằng “thuốc” cơ chế

14:43' - 15/03/2019
BNEWS Tính đến thời điểm này, 2/5 dự án kém hiệu quả của PVN là Nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTEX) và Dự án Nhiên liệu sinh học Dung Quất đã được vận hành trở lại.

Mặc dù 2/5 dự án yếu kém của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã được vận hành trở lại và cho ra sản phẩm xuất bán trên thị trường nhưng để các “cơ thể” vừa “ốm thập tử nhất sinh” này có thể phục hồi trở lại rất cần sự tiếp sức bằng “thuốc” cơ chế.

*Những chuyển biến tích cực

Thực hiện Đề án xử lý các dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương; trong đó có nhóm 5 dự án thuộc lĩnh vực chế biến dầu khí, PVN đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ khá hiệu quả.

Hoạt động đóng gói sản phẩm bên trong Nhà máy xơ sợi Đình Vũ. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Tính đến thời điểm này, 2/5 dự án kém hiệu quả của PVN là Nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTEX) và Dự án Nhiên liệu sinh học Dung Quất đã được vận hành trở lại.

Tổng Giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc cho biết, kể từ khi khởi động lại 3 dây chuyền sản xuất sợi DTY vào ngày 20/4/2018, đến nay, nhà máy đã sản xuất được 2.900 tấn sản phẩm sợi DTY và tiêu thụ đạt 2.500 tấn sản phẩm.

PVTEX cũng đã ký hợp đồng bán 1.338 tấn sợi DTY các loại cho 21 khách hàng, tổng trị giá hợp đồng trước thuế là 49,5 tỷ đồng, lợi nhuận 2,5 tỷ đồng trước định phí.

Theo ông Ngọc, hiện PVTEX và đối tác Tổ hợp An Phát (APH) đang tích cực bảo dưỡng tiếp các dây chuyền DTY còn lại để đưa vào khai thác, với mục tiêu Quý II/2019 sẽ nâng công suất nhà máy lên 25 dây chuyền sản xuất sợi DTY.

PVTEX và APH cũng đang xây dựng kế hoạch hợp tác sản xuất kinh doanh 5 năm và thương thảo hợp đồng hợp tác, dự kiến sẽ ký kết trong quý I/2019, sau đó bắt tay vào triển khai bảo dưỡng trong quý II, III. Mục tiêu quý IV/2019 sẽ khởi động lại toàn bộ nhà máy.

Tương tự như vậy, Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung BSR-BF đã ký hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại tạp phẩm (Tocontap) để khởi động vận hành lại Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất trong tháng 10/2018.

Theo đó, Tocontap chịu trách nhiệm thu xếp nguồn nguyên liệu, tổ chức phân phối Ethanol sau khi ra thành phẩm. Phía BSR - BF sẽ chịu trách nhiệm gia công Ethanol từ nguyên liệu sắn do Tocontap cung cấp. Hợp đồng này có thời hạn là 10 năm kể từ ngày ký, chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn 5 năm.

Sau 5 ngày tái khởi động, toàn bộ các phân xưởng đã chính thức cho ra dòng sản phẩm cồn sinh học (E100) vào ngày 19/10/2018.

Theo Giám đốc BSR – BF Phạm Văn Vượng, trong giai đoạn mới chạy lại, công suất Nhà máy là 9m3/giờ và sẽ dần nâng công suất lên.

Đối với dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước, hiện PVN và các cổ đông đang theo dõi diễn biến thị trường để xác định thời điểm thích hợp khởi động lại.

Trong khi đó, dự án Nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) là dự án do Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) - đơn vị thành viên của PVN nắm 39,76% vốn điều lệ, PVN và PVOIL tiếp tục thống nhất với các cổ đông ngoài ngành về phương án xử lý, có thể xem xét phương án phá sản.

Đại diện PVN cho biết, với nỗ lực của Tập đoàn trong suốt thời gian qua, các dự án kém hiệu quả đã từng bước có những chuyển biến tích cực, tạo tiền đề để PVN có thể xử lý cơ bản các dự án này vào năm 2020.

*Giải pháp khoanh giãn nợ

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2019 vừa qua, lãnh đạo PVN và các đơn vị thành viên cam kết tiếp tục hỗ trợ các đối tác tham gia hợp tác kinh doanh trong các dự án này trên nguyên tắc đảm bảo lợi ích hai bên, tuân thủ quy định pháp luật, công bằng, minh bạch và theo thị trường.

Theo đó, trong năm 2019 này, PVN và các đơn vị thành viên tiếp tục đẩy mạnh việc khôi phục vận hành sản xuất kinh doanh song song với công tác quyết toán hợp đồng EPC, quyết toán vốn đầu tư với Dự án xơ sợi Đình Vũ và Dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất.

Các kỹ sư của Công ty Lọc Hoá dầu Bình Sơn giúp thực hiện bảo dưỡng thiết bị Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

PVN cũng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, phương án tài chính dài hạn cho các dự án, xây dựng phương án thoái vốn cũng như tiếp tục làm việc với các ngân hàng để tái cơ cấu nợ.

Mặc dù việc xử lý các dự án yếu kém của PVN đã có chuyển biến tích cực nhưng trên thực tế thì khó khăn vẫn chồng chất ở phía trước.

Tổng Giám đốc PVTEX Đào Văn Ngọc cho biết, hiện Công ty vẫn còn gặp phải một số khó khăn; trong đó, khó khăn lớn nhất vẫn là thu xếp nguồn tài chính từ 800 - 1.000 tỷ đồng để chạy lại toàn bộ nhà máy.

Bên cạnh đó, sau thời gian dài dừng toàn bộ nhà máy, hiện PVTEX phải tuyển dụng và đào tạo lại lao động. Hiện tại, số lao động của nhà máy đã tăng từ 150 lao động lên 230 lao động.

Dự kiến khi Nhà máy đi vào hoạt động toàn bộ, số lao động sẽ lên tới 800 người. Như vậy, quá trình đào tạo lao động chắc chắn sẽ cần nguồn tài chính tương đối lớn, ông Ngọc cho biết.

Theo đại diện PVN, để khởi động lại các dự án kém hiệu quả này, bên cạnh sự nỗ lực của chính doanh nghiệp, Chính phủ cần có thêm những cơ chế chính sách hỗ trợ cho các dự án.

Cụ thể, Bộ Công Thương cần tiếp tục xem xét duy trì thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xơ polyester là 2%, xem xét áp thuế suất nhập khẩu đối với sản phẩm sợi DTY polyeste là 3% khi toàn bộ Nhà máy xơ sợi Đình Vũ vận hành toàn bộ trở lại, đại diện PVTEX kiến nghị.

Đặc biệt, với các dự án trên, việc tái cơ cấu lại nợ và giãn khấu hao là giải pháp cần thiết để các doanh nghiệp “hồi sinh”, từng bước bù đắp chi phí, tích lũy nguồn trả nợ ngân hàng thay vì bị phá sản, mất vốn dẫn tới không có khả năng trả nợ, đại diện PVN chỉ rõ.

PVN cũng kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế cho phép sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp (không phải là ngân sách nhà nước) để xử lý các dự án khó khăn.

Ngoài ra, công tác thanh tra, điều tra các dự án cần sớm xử lý dứt điểm để doanh nghiệp và người lao động yên tâm công tác, đóng góp cho dự án, doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục