Xử lý các trường hợp vi phạm kinh doanh xăng dầu tại Ninh Thuận

13:41' - 11/10/2022
BNEWS Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các Đội quản lý thị trường tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Trước diễn biến tình hình kinh doanh xăng dầu trong những ngày qua, một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Ninh Thuận tạm ngưng hoạt động hoặc bán cầm chừng với nhiều lý do, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, quyền lợi của người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các đội quản lý thị trường tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

 

Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận, tính đến chiều ngày 10/10, Ninh Thuận có 5 cửa hàng xăng dầu đóng cửa thuộc hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân phân phối Công ty cổ phần Xăng dầu Petro Bình Phước do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phát Thuận Phát làm tổng đại lý tại Ninh Thuận đã đóng cửa từ ngày 5/10/2022 (Các doanh nghiệp thuộc hệ thống này thường xuyên thiếu hụt xăng dầu, gián đoạn việc bán hàng trong thời gian gần đây).

Đồng thời, có 23 cửa hàng đang bán hạn chế do hết xăng dầu hoặc hết mặt hàng xăng chỉ còn dầu DO của các doanh nghiệp thuộc hệ thống thương nhân phân phối Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xuất nhập khẩu Sao Kim, thương nhân phân phối Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vận tải thương mại Huy Hoàng, Công ty cổ phần Kinh doanh Tổng hợp Ninh Thuận, thương nhân Tổng đại lý Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xăng dầu Dương Đông-Miền Trung và Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 3.

Đối với các cửa hàng thuộc hệ thống Chi nhánh Xăng dầu Ninh Thuận (Petrolimex), Chi nhánh Công ty cổ phần Xăng dầu dầu khí Bình Thuận tại Ninh Thuận (PVoil) hiện vẫn đang hoạt động bình thường, đủ nguồn hàng xăng và dầu DO bán lẻ tại các cửa hàng thuộc hệ thống. Tuy nhiên hiện nay, lượng bán đang tăng cao do các cửa hàng thuộc hệ thống khác đang thiếu hụt xăng dầu.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Minh Khoa, quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận cho biết, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các Đội quản lý thị trường tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình hoạt động của tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Đối với các cửa hàng ngưng bán hàng hoặc chỉ bán một mặt hàng dầu, Đoàn kiểm tra tiến hành đo bồn chứa để xác minh lý do, xử lý theo quy định khi phát hiện có vi phạm thuộc trách nhiệm doanh nghiệp. Theo trình bày của các doanh nghiệp bán lẻ thì việc hết xăng dầu bán trong ngày là do các thương nhân phân phối không cung cấp đủ nguồn hàng theo yêu cầu của doanh nghiệp và hiện không còn xăng dầu tại bồn chứa của cửa hàng. Qua giám sát, kiểm tra không phát hiện các hành vi đầu cơ, găm hàng tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, ông Trần Minh Khoa thông tin.

Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận nhận được 13 đơn đề nghị ngừng bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh với các lý do chiết khấu thấp hoặc không chiết khấu, đơn vị cung cấp không có nguồn hàng để cung cấp; không đủ nguồn cung từ thương nhân đầu mối và tạm ngừng mặt hàng xăng RON 95 để kiểm tra, xử lý hao hụt trong kinh doanh.

Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, Sở đã chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức họp với sự tham dự của các doanh nghiệp thuộc hệ thống của thương nhân đầu mối đóng trên địa bàn tỉnh, thương nhân phân phối, thương nhân tổng đại lý, thương nhân đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm đảm bảo tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nêu lên một số khó khăn như chiết khấu từ đơn vị cung cấp xăng dầu quá thấp hoặc không có chiết khấu, đại lý kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chi phí để tiếp tục hoạt động; nguồn cung từ thương nhân cung cấp xăng dầu (chủ yếu từ thương nhận thuộc hệ thống của thương nhân đầu mối) nhỏ giọt, đặc biệt là vào những thời điểm của chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu của Liên Bộ Tài chính-Bộ Công Thương.

Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận ghi nhận những khó khăn của các đại lý bán lẻ xăng dầu. Đồng thời, Sở đề nghị các doanh nghiệp thuộc hệ thống thương nhân đầu mối trên địa bàn tỉnh chia sẻ nguồn cung hợp lý cho các đơn vị nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn. Sở sẽ báo cáo những vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những nội dung vượt thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Cùng với đó, Sở đề xuất, kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, điều chỉnh bổ sung quy định cho thương nhân bán lẻ xăng dầu được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ với hai thương nhân phân phối xăng dầu. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân bán lẻ chủ động khai thác nguồn cung, không bị phụ thuộc chỉ vào một thương nhân phân phối như theo quy định hiện nay.

Sở kiến nghị Bộ Công Thương sớm xem xét, chỉ đạo thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cùng chia sẻ quyền lợi một cách chính đáng, có tỷ lệ chiết khấu hợp lý đối các đơn vị bán lẻ; kiến nghị cơ quan thuế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu giảm lãi suất cho vay, giảm thuế ít nhất 1 năm cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để bù khoản lỗ trong thời gian qua.

Tỉnh Ninh Thuận hiện có 128 cửa hàng kinh doanh xăng dầu (127 cửa hàng và 01 tàu mua bán dầu trên biển), thuộc 77 doanh nghiệp; trong đó có 4 doanh nghiệp hoạt động theo ủy quyền của thương nhân xuất nhập khẩu xăng dầu, 1 doanh nghiệp là thương nhân phân phối, 1 doanh nghiệp tổng đại lý./.

>>>Kiến nghị tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu cơ sở

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục