Xử lý vướng mắc dự án cao tốc Gia Nghĩa đoạn qua Đắk Nông – Chơn Thành

18:14' - 03/01/2024
BNEWS Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, đối với địa phận tỉnh Đắk Nông, nhu cầu đất để đào đắp, san lấp khoảng 2,5 triệu m3; đá xây dựng gần 0,7 triệu m2 và cát xây dựng khoảng 0,13 triệu m3.

Ngày 3/1, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông tổ chức buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương để xử lý một số vấn đề liên quan đến vật liệu san lấp phục vụ dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), đoạn qua tỉnh Đắk Nông.

 

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Đắk Nông cho biết, dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành được đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Tổng chiều dài dự án 128,8 km; trong đó, đoạn qua Đắk Nông dài 27,8 km. Dự án có tổng mức đầu tư 25.540 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 4.600 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện từ năm 2024 và hoàn thành năm 2026.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông, đối với địa phận tỉnh Đắk Nông, nhu cầu đất để đào đắp, san lấp khoảng 2,5 triệu m3; đá xây dựng gần 0,7 triệu m2 và cát xây dựng khoảng 0,13 triệu m3. Với nhu cầu này, cát và đá xây dựng phục vụ cao tốc ở Đắk Nông bảo đảm. Riêng đất phục vụ đào đắp, san lấp cần nhiều vì địa hình chia cắt, phổ biến dạng đồi "bát úp". Đáng chú ý, đa số các mỏ đất quy hoạch gần cao tốc hiện bị vướng Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 nên chưa thể triển khai thủ tục tiếp theo.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tỉnh Đắk Nông đã trao đổi nhiều nội dung liên quan đến đất đào đắp, san lấp. Nhìn chung, các mỏ vật liệu đất san lấp nằm ngoài vùng quy hoạch Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa đáp ứng được khối lượng để phục vụ dự án. Hơn nữa, khoảng cách giữa các mỏ vật liệu đủ điều kiện với dự án khá xa nên việc khai thác, vận chuyển sẽ phát sinh nhiều chi phí và nguy cơ ảnh hưởng lớn đến hệ thống đường giao thông hiện hữu.

Ngoài ra, dự án cũng thu hồi nhiều diện tích đất ở huyện Đắk R’lấp và số lượng lô tái định cư cho người dân rất lớn. Tuy nhiên, việc triển khai các khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói chung, huyện Đắk R’lấp nói riêng còn nhiều vướng mắc về quy hoạch đất đai, khoáng sản, đô thị…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành soạn thảo báo cáo về tình hình khó khăn tại địa phương khi thực hiện dự án cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ báo cáo Tỉnh ủy và trình Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc thù về đất đào đắp, san lấp và xây dựng các khu tái định cư.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương cùng vào cuộc để tháo gỡ khó khăn liên quan đến đất đai, khoáng sản, quy hoạch và đô thị trên địa bàn, tránh tình trạng quá trình triển khai các dự án bị đình trệ do các vướng mắc liên quan tới các nội dung này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục